NHỮNG PHẦN NÊN HÁT TRONG MỌI THÁNH LỄ

NHỮNG PHẦN NÊN HÁT TRONG MỌI THÁNH LỄ

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Thành viên Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN

Dẫn nhập

Trong Hiến chế Phụng vụ Thánh (PV), Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh và đề cao thánh ca như sau: “Hoạt động phụng vụ mang hình thức cao quý hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dấn tích cực tham dự.” (PV 113). Còn theo Huấn thị Thánh nhạc (“Về Âm nhạc trong Phụng vụ”):

Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, mỗi khi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự . Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình.[1]

Huấn thị còn này cho biết thêm: “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát.

[2] Rõ ràng là Giáo Hội khuyến khích và đề cao âm nhạc trong Thánh lễ. Tuy nhiên, không phải thích phần nào thì tùy tiện chọn lựa ca hát rồi bỏ qua những phần khác. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (QCSL) số 40 chỉ dẫn rằng: “…khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế hoặc phó tế hay người giúp lễ hát, giáo dân thưa, hoặc những phần mà cả vị tư tế lẫn giáo dân cùng hát.”

Như chúng ta biết, ngoài phần đối đáp,[3]còn có những phần cộng đoàn có thể tham gia ca hát trong một Thánh lễ như sau: 1] Ca Nhập lễ; 2] Kinh Thương xót; 3] Kinh Vinh danh; 4] Đáp ca giữa hai Bài đọc (Thánh vịnh); 5] Tung hô Tin Mừng (Halleluia + câu xướng trước Tin Mừng); 6] Kinh Tin kính; 7] Bài ca Chuẩn bị Lễ vật; 8] Bài ‘Thánh Thánh Thánh’; 9] Tung hô tưởng niệm (Đây là… – Lạy Chúa chúng con…); 10] Amen long trọng (sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể); 11] Bài ‘Lạy Chiên Thiên Chúa’; 12] Kinh Lạy Cha; 13] Ca Hiệp lễ; 14] Bài ca sau rước lễ (Thánh vịnh hay Thánh ca có chủ đề chúc tụng – tạ ơn); [4] 15] Kết lễ (Bài hát kết thúc).

Trong tất cả những phần đó, những nghiên cứu mới về lịch sử và thần học phụng vụ cho thấy, trước đây, những yếu tố trong Thánh lễ tương đối ít quan trọng về thần học nghi thức đã được gán cho một sự nổi bật thái quá trong những phần hát của cộng đoàn, chẳng hạn như bài ca tiến lễ và bài ca kết lễ. Trái lại, những thành phần quan trọng hơn của cử hành phụng vụ Thánh lễ như: Tung hô Tin Mừng; Thánh,Thánh, Thánh (Sanctus); Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng (Great Amen); bài ca nhập lễ và bài ca hiệp lễ; Thánh vịnh đáp ca … lại chỉ được đọc.

Trong thực tế tại Việt Nam, đã và đang xảy ra đúng như vậy. Bởi vì hầu hết các giáo xứ và cộng đoàn tu vẫn theo thói quen chỉ lo hát 4 bài cho mọi Thánh lễ: nhập lễ; tiến lễ; hiệp lễ; và kết lễ.

Bài ca nhập lễ và bài ca hiệp lễ có thể chấp nhận được vì có tầm quan trọng hơn nhiều so với bài ca tiến lễ và bài ca kết lễ. Bởi vậy, chúng có thể được thường xuyên hát hơn ngay cả trong những ngày thường nếu như cộng đoàn phụng vụ có đủ sức hát, bằng không mới đọc ca nhập lễ hay ca hiệp lễ như được ghi trong Sách lễ Roma.

Còn đối với bài ca tiến lễ và bài ca kết lễ, chỉ nên hát trong những dịp trọng thể, trong các dịp lễ trọng, lễ Chúa nhật và thỉnh thoảng trong các lễ kính, không nên hát thường xuyên cho mọi ngày. Tại sao?

Phải nói ngay rằng bài ca tiến lễ hầu như không quan trọng và có bản chất thứ yếu vì thuộc về phần chuẩn bị lễ vật, tức chỉ khai mào cho việc thánh hóa và thánh hiến lễ phẩm sẽ diễn ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể. Do đó, tốt nhất, chỉ nên hát bài ca tiến lễ (chuẩn bị lễ vật) trong những dịp như vừa nói trên, nhất là khi có tổ chức đoàn rước tiến lễ. Còn những ngày khác thì nên áp dụng những hình thức sau đây: 1] Chủ tế đọc lớn tiếng “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con” – Cộng đoàn đáp lại “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.” Chủ tế đọc lớn tiếng “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con” – Cộng đoàn đáp lại “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”; 2] Chủ tế đọc thầm những lời trên trong nền nhạc dạo phong cầm; 3] Chủ tế đọc thầm những lời trên trong khi cộng đoàn thinh lặng.

Bài ca kết lễ còn kém quan trọng hơn cả bài ca tiến lễ vì bài ca này thực sự không phải là thành phần của chính Thánh lễ. Thánh lễ đã thực sự kết thúc với những lời ”Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” và cộng đoàn đáp lại”Tạ ơn Chúa”.[5] Nghi thức Thánh lễ và Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma đều không đề cập đến việc ca hát vào lúc kết lễ. Hát kết lễ là thói quen đạo đức và là thực hành còn lại từ thời Thánh lễ được cử hành bằng tiếng La-tinh. Trong Thánh lễ bấy giờ, chỉ vào lúc kết lễ, dân chúng mới được hát bằng tiếng mẹ đẻ của mình.[6]Như vậy, cũng giống như trường hợp bài ca tiến lễ, tốt nhất, chỉ nên hát bài ca kết lễ trong những dịp trọng thể, lễ Chúa nhật và thỉnh thoảng trong các lễ kính, còn những ngày khác thì có thể hoặc là dạo đàn, hay thậm chí, trong vài trường hợp, cộng đoàn thinh lặng. Ủy ban Thánh nhạc Việt Nam đề nghị rõ ràng rằng “riêng trong mùa Chay thì không hát kết lễ mà nên thinh lặng ra về” (MVTN 188).

Để điều chỉnh thói quenchỉ lo hát 4 bài [nhập lễ; tiến lễ; hiệp lễ; và kết lễ] cho mọi Thánh lễ, dựa trên những nghiên cứu về lịch sử, thần học phụng vụ và thánh nhạc, đồng thời căn cứ vào những hướng dẫn của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002], Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mới đây đã biên soạn và phát hành tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (MVTN)[7] trong đó mong muốn rằng phần ưu tiên chọn hát nhất chính là “đối đáp và tung hô” (MVTN 103):

Phần đối đáp bao gồm cả những lời đối đáp như “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ” trong Các Giờ kinh Phụng vụ hoặc “Chúa ở cùng anh chị em” trong Thánh lễ;

Phần tung hô bao gồm: Tung hô Tin Mừng (Halleluia và câu tung hô đi kèm); Các lời tung hô nằm trong Kinh nguyện Thánh Thể như: Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng.

Tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc đã thực sự đáp ứng được mục tiêu chủ yếu của cuộc cải cách thánh nhạc hiện nay là nhằm làm cho các tín hữu ưu tiên hát những bản văn quan trọng của Thánh lễ hơn bất cứ một bài ca nào khác được thêm vào trong phụng vụ. Bài viết này sẽ lý giải thêm lý do tại sao phần tung hô vừa nêu được coi là ưu tiên hát hơn tất cả những phần khác trong Thánh lễ, nghĩa là nên ưu tiên hát 4 phần sau đây trong mọi Thánh lễ:

I.  Tung hô Tin Mừng (Halleluia + câu xướng trước Tin Mừng)

Liên hệ đến phần hát Halleluia, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma chỉ dẫn như sau:

1.Sau Bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát Halleluia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát. a] Halleluia được hát trong các mùa ngoài mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài đọc, hay sách Grad- uale. b] Trong mùa Chay, thay vì Halleluia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài đọc. Cũng có thể hát một Thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale. c] Halleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ (QCSL 62).

2.Khi chỉ có một Bài đọc trước Tin Mừng thì: a]Trong mùa phải hát Halleluia, có thể hát hoặc bài Thánh vịnh có chữ Halleluia, hoặc Thánh vịnh và Halleluia với câu tung hô. b] Trong mùa không phải đọc Halleluia, có thể hát Thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ Thánh vịnh thôi; c] Halleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ (QCSL 63).

Tung hô Tin Mừng có một số chức năng: một là đi kèm với cuộc rước; hai là cộng đoàn chào đón Chúa Kitô; ba là thiết lập, dẫn nhập hay chuẩn bị cho việc công bố Tin Mừng theo sau đó.[8]

Lý do phải hát Tung hô Tin Mừng là vì:

Thứ nhất, theo tập tục của Hội Thánh, cuộc rước luôn đi kèm với bài hát. Việc di chuyển của thừa tác viên công bố Tin Mừng từ ghế của mình sang giảng đài thực sự là một cuộc rước. Cuộc rước được thể hiện rõ ràng hơn và trọng thể hơn khi thừa tác viên đi đến bàn thờ, cầm lấy cuốn Sách Phúc Âm đã được đặt trên bàn thờ ngay từ đầu lễ và giơ cao lên cho mọi người thấy, rồi cùng với những người giúp lễ tháp tùng mang theo hương và nến tiến đến giảng đài nhằm tôn vinh Chúa Kitô. Trong cuộc rước tỏ tường như vậy thì thật khập khễnh nếu chỉ đọc Halleluia.[9]

Thứ hai, Halleluia là một dạng tung hô, mà thường phải hát mới phù hợp với thái độ hoan hô.[10] Nói cách khác, đúng nghĩa của từ Halleluia là một lời tung hô vui mừng, là bài ca của con người trên trần gian và cũng là bài hát hân hoan của các thiên thần cũng như các thánh trên trời.[11]Bởi thế, phải hát Halleluia sao cho phần này thực sự báo trước Tin Mừng và diễn tả đức tin của các tín hữu hân hoan chào đón Chúa Kitô, Đấng đang đến (adventus Christi) và sắp nói với họ qua Tin Mừng. Ngài cũng là Đấng sẽ đến lần cuối cùng trong vinh quang mà nghi thức rước Sách Tin Mừng là một biểu tượng.

[12] Một bộ tộc ở Gabon (châu Phi) còn làm hơn thế nữa, họ đứng lên vỗ tay chào đón Chúa và lặp lại điệp khúc “Hoan hô Chúa Giêsu, Ngài nói với chúng con thật tuyệt vời”. Có lẽ do vô thức, người ta đã giảm thiểu phần này thành ra đơn giản, chỉ như việc đọc Tin Mừng thay vì là cử hành biến cố Chúa Kitô nói với cộng đoàn.[13]

Nếu chỉ đọc phần Halleluia, chúng ta đánh mất đặc tính thực sự của Halleluia và cũng làm tiêu tan mục đích của Halleluia. Đồng ý kiến với Lawrence Mick trong cuốn Worshiping Well,[14] cha Erasto Fernando, sss đã ví von trường hợp này giống như khi chúng ta tụ tập trong một buổi họp mặt mừng sinh nhật của ai đó, khi nhân vật chính của lễ kỷ niệm đang cắt bánh, những người còn lại trong nhóm tụ tập long trọng đọc lên: “Happy birthday to you; Happy birthday to you” (Chúc mừng sinh nhật của bạn … Chúc mừng sinh nhật của bạn). Về ý nghĩa, điều này không sai, bởi vì đang diễn tả tình cảm đúng đắn, thích ứng với diễn tiến. Tuy nhiên, không cần phải có một trí thông minh vĩ đại mới có thể nhận ra điều gì đó quan trọng đã bị thiếu mất – và chỉ có thể giành lại được bằng cách hát lên bài ‘Happy birthday to you’ mà thôi! Giống như bài “Happy birthday to you” được sáng tác ra không phải để đọc nhưng để hát, thì phần Tung hô Tin Mừng cũng vậy. Nói cách khác, lời Tung hô Tin Mừng không chỉ là một nghi thức để tuân giữ. Ý nghĩa của phần Tung hô Tin Mừng (Halleluia) chứa đựng những từ phải được nói lên hoặc đưa vào. Nói đúng hơn, đây là điều tôn cao và làm phong phú sứ điệp Tin Mừng.[15]

Chính vì thế, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 63c nhấn mạnh rằng: “Halleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì nên bỏ,” bản văn gốc của nó là “Tung hô Tin Mừng nếu không hát thì có thể bỏ.”[16] Điều này ngụ ý rằng theo ý định của Hội Thánh, Halleluia là một bài ca được cất lên trong hân hoan để chúc tụng Thiên Chúa và bất cứ khi nào có thể thì luôn luôn phải hát phần Halleluia (còn câu xướng đi kèm có thể đọc theo kiểu ngâm tụng trong những ngày thường).[17] Đã có nhiều giáo xứ tuân theo quy định này, họ thực sự đã bỏ phần này khi không thể hát.[18] Tuy nhiên, việc “không thể” hát Halleluia chỉ quy chiếu đến ngày lễ thường chứ không áp dụng cho Chúa nhật hay lễ trọng. Nghĩa là, phải hát Halleluia và câu tung hô trước Tin Mừng trong mọi Chúa nhật và lễ trọng. Sách Dẫn nhập các Bài đọc trong Thánh lễ nói mạnh hơn ở số 23: “Halleluia hay câu tung hô trước Tin Mừng phải được hát và mọi người đứng trong khi hát. Không chỉ lĩnh xướng viên hay ca đoàn hát mà được hát bởi toàn thể mọi người.”

Để nhấn mạnh việc hát phần Tung hô Tin Mừng, MVTN 153b chỉ dẫn:

Trong mùa không được đọc Halleluia, có thể hát hoặc đọc Thánh vịnh, hoặc lời Tung hô Tin Mừng. Không hát Halleluia, có thể thay thế bằng những câu tung hô như sau, (hát trước và sau câu xướng) 1. Lạy Chúa Kitô là Ngôi lời Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài. Hoặc: 2. Lạy Chúa Kitô ngàn đời vinh hiển, xin chúc tụng và tôn vinh Ngài.

II.  Kinh ‘Thánh, Thánh, Thánh’ (Sanctus)

Sanctus là lời kinh kết hợp giữa lời tung hô của các thiên thần Seraphim: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3) và lời reo hò của dân chúng khi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem: “Hoan hô Con vua Đavit! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38).

Khi cất lên bài ca Sanctus trong Thánh lễ, không những chúng ta cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa cùng với toàn thể Giáo Hội trên khắp hoàn cầu mà còn như Ngôn sứ Isaia và Tông đồ Gioan (x.Is 6,3; Kh 1,10. 17; 4,8), chúng ta hòa nhập vào phụng vụ của Giáo Hội thiên quốc (caeli et terra gloria tua), nơi các thiên thần và các thánh không ngừng cất tiếng tung hô Thiên Chúa (x. Is 6,3), hát khen chúc tụng Con Chiên bị sát tế (x. Kh 5,12).[19]

Theo Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma hiện nay, toàn thể cộng đoàn hợp cùng các thần thánh trên trời, hát ‘Thánh, Thánh, Thánh.’ Lời tung hô này là thành phần của chính Kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và vị tư tế cùng hát (QCSL 79b).

Chúng ta nên hát Sanctus trong mọi Thánh lễ vì:

Thứ nhất, tự bản chất, đây là bài ca tung hô và chúc tụng Chúa Kitô;

Thứ hai, trong việc tung hô chúc tụng này, cộng đoàn dưới thế hợp với lời ca tiếng hát của các thiên thần trên trời như vẫn được nhắc đến trong hầu hết các kinh Tiền tụng: “Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng;”[20] “Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng;”[21] “Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng.”[22]

Thứ ba, theo dòng lịch sử, vào ngày lễ Lều, dân Do Thái làm thành đoàn rước lá, họ vừa đi vừa hát hosana. Đối với phụng vụ Do Thái, từ khoảng năm 200, Sanctus được hát trong giờ phụng vụ ban sáng (Kedusha) trong hội đường. Còn trong phụng vụ Công giáo, ngay từ ban đầu, kinh Sanctus được toàn thể cộng đoàn hát. Nếu dành riêng cho ca đoàn thể hiện như xảy ra vào đầu thời kỳ Trung cổ, thì ca đoàn cũng hát chứ không đọc.

Trong thực hành, sau những lời cuối cùng của kinh Tiền tụng, nhạc công chỉ nên bắt nốt nhạc bài

Sanctus thật ngắn và thật nhỏ để làm cho lời tung hô này bùng lên lập tức và đúng lúc.[23]

III. Tung hô tưởng niệm

Sau khi vị tư tế mời gọi”Đây là mầu nhiệm đức tin” thì dân chúng đáp lại bằng cách tung hô. Nghi lễ La-tinh đưa ra 3 công thức tung hô sau:

1.Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến (x. 1Cr 11,26; Cv 2,32; 1Pr 1,19; Kh 5,9).

2.Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén nàychúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến (x. 1Cr 11,26).

3.Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng Thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con (x. Ga 4,42; 8,32; 2Tm 4,18; Dt 9,28; Kn 5,9; 14,7; 1Cr 1,18; Gl 5,1; 6,14; Cl 1,20; Rm 4,25).

Chúng ta nên hát Tung hô tưởng niệm trong mọi Thánh lễ, bởi vì:

Thứ nhất, việc tuyên xưng “Chúa chịu chết,và tuyên xưng Chúa sống lại” chính là công bố Tin Mừng. Đây là sứ vụ thường xuyên của Hội Thánh. Một trong những cách thế để Hội Thánh thi hành sứ vụ này là cử hành Thánh Thể. Nơi đây, các tín hữu gặp gỡ được Tin Mừng. Nhưng cuộc gặp gỡ này không kết thúc khi Thánh lễ chấm dứt mà còn tiếp tục sau Thánh lễ khi các tín hữu được sai đi để tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh.

Thứ hai, đây là một trong những lời tung hô quan trọng của Thánh lễ và bên Đông phương, từ lâu người ta đã có thói quen hát Amen sau mỗi câu truyền phép.Lời dân chúng tung hô sau truyền phép là một sự đổi mới của phụng vụ Roma. Thực sự, việc tung hô này mới được đem vàophụng vụ La-tinh gần đây và được đặt ở phần giữa của Kinh Tạ Ơn, biểu lộ cách tốt đẹp việc tham dự tích cực của giáo dân vào việc cử hành mầu nhiệm Vượt qua: cuộc khổ nạn, cái chết, phục sinh của Chúa Giêsu – và cũng là một cách biểu lộ chức tư tế họ đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội.

Thứ ba, cũng như chúng ta hát Halleluia để tung hô và chào đón Chúa Kitô sẽ đến để nói với chúng ta Lời của Người thì qua việc hát Tung hô tưởng niệm, chúng ta cũng chào đón Chúa hiện diện cách bí tích nơi bánh và rượu đã trở thành Mình Máu Chúa Kitô.[24] Việc hát Tung hô tưởng niệm sẽ bày tỏ một cách mạnh mẽ hơn là đọc về sự thán phục và cung kính thẳm sâu của vị tư tế trước mầu nhiệm đang diễn ra và niềm tin của các tín hữu chân nhận rằng: 1] Bánh-rượu đã trở nên Mình-Máu Chúa Giêsu, Ngài đang hiện diện trong Thánh Thể mà chúng ta không thể kiểm chứng bằng giác quan nhưng dựa vào sức mạnh và uy quyền của Lời Chúa cũng như dựa vàoniềm tin sống động của Giáo Hội đã được Truyền thống bảo tồn như một kho báu (1 Tm 3,9). Trong thông điệp Mysterium Fidei được công bố ngày 3 tháng 9 năm 1965, Đức Phaolô khẳng định rõ: ”Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin cao cả” (số 15).[25] Chính ở đây và lúc này, nhờ quyền năng cao cả của Thiên Chúa mà cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô – một biến cố của lịch sử – trở thành thực tại cho chúng ta trên bàn thờ; 2] Trong Bí tích Thánh Thể, toàn thể mầu nhiệm đức tin được thực hiện, được nhắc lại đầy đủ, được trao ban cho tín hữu hiệp thông. Đó là tất cả chương trình cứu độ, tất cả kế hoạch của Chúa thể hiện nơi tình thương cứu độ của Chúa Giêsu đang hiện diện trước mặt chúng ta, và mời gọi chúng ta tham dự vào.[26]

IV.    Amen long trọng

Tiếng Amen long trọng được nhìn ra như một yếu tố song song với kinh Tin kính vì sau khi lắng nghe Lời Chúa mặc khải cho chúng biết về giáo huấn, về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cũng như những kỳ công Thiên Chúa đã ra tay thực hiện cho dân Ngài, chúng ta liền tuyên xưng đức tin bằng kinh Tin kính nhằm thể hiện sự đồng thuận và mở lòng ra đón nhận tất cả những quà tặng ấy được Chúa Cha trao ban qua Đấng trung gian là Đức Kitô. Tiếng Amen long trọng cũng vậy. Đây đúng là tiếng đồng thuận của dân chúng, không phải nhằm đáp lại Vinh tụng ca trước đó[như nhiều người lầm tưởng] bởi vì Vinh tụng ca “Chính nhờ Người …” chỉ là những lời cuối cùng nằm trong một lời nguyện dài hay lời nguyện long trọng (great prayer), tức là Kinh Nguyện Thánh Thể. Tiếng Amen long trọng là lời đáp bày tỏ sự tán đồng trước toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể mà vị chủ tế nhân danh họ mà thưa lên Thiên Chúa, là tuyên xưng đức tin về tất cả những gì chúng ta đã cầu nguyện và về tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cũng như sẽ làm cho chúng ta như được diễn tả trong Kinh nguyện Thánh Thể. Mặt khác, trong tiếng Amen, tất cả những người tham dự Thánh lễ cùng hòa nhập với tất cả những vị anh hùng trong lịch sử cứu độ: các thầy Lêvi, ông Etra, thánh Phaolô; cũng như với tất cả các thiên thần và các thánh trên trời, mà tôn vinh Thiên Chúa trong bài ca chúc tụng muôn đời.[27]

Tóm lại, Vinh tụng ca “Chính nhờ Người …” tóm kết toàn bộ ý nghĩa của Kinh nguyện Thánh Thể mà có mục đích là tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen và tán dương vinh quang Chúa Cha, qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần với lời tung hô vui mừng của mọi người vì vô số những ân huệ Ngài thương ban: những hồng ân của hôm qua, của hôm nay và ngay cả của ngày mai. Tung hô Amen long trọng của dân chúng đáp lại sau Vinh tụng ca này là một từ quan trọng nhất trong toàn bộ phụng vụ Thánh lễ và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tất cả những lời tung hô. Lời Amen là sự xác nhận của Dân Chúa đối với toàn bộ Kinh Tạ Ơn.[28]

Như đã được dẫn giải ở phần trên, quả thật Amen sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh ngyện Thánh Thể thật xứng được gọi là “Amen long trọng” (great Amen). Một mặt, Amen long trọng có tầm mức quan trọng hơn tất cả những lời Amen đáp lại khác trong Thánh lễ như tung hô Amen sau các lời nguyện (nhập lễ; tiến lễ; hiệp lễ) vừa được cất lên trước đó làm cho lời nguyện này thành của mình (QCSL 54; 89; 127; 146; 165; 259), hoặc Amen đáp lại các lời chúc phúc của chủ tế (QCSL 154; 167), hoặc Amen của những người lên rước lễ đáp lại câu “Mình (Máu) Thánh Chúa Kitô” của thừa tác viên cho rước lễ (QCSL 161; 286). Mặc dầu Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma không bắt buộc phải hát Amen này. Nhưng hết sức bao nhiêu có thể, nên thực hành theo tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (MVTN) của Ủy Ban Thánh nhạc, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tại số 103a:

Những câu tung hô này (Tung hô Tin Mừng; Các lời tung hô trong Kinh nguyện Thánh Thể: Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng) thật thích hợp khi được hát lên trong bất cứ Thánh lễ nào, cả trong lễ ngày thường hoặc Thánh lễ cho những cộng đoàn nhỏ hơn. Thật lý tưởng khi cộng đoàn thuộc lòng những câu tung hô này và sẵn sàng hát ngay cả khi không có nhạc cụ kèm theo.

Theo Fernando Erasto, sss, phải cẩn thận để không hạ thấp lời thưa “Amen long trọng” kết thúc Vinh tụng ca. Đây là lời đáp tối hảo của mọi người. Quả thật, Amen long trọng ở đây được biểu lộ ra bên ngoài bằng cách sắp xếp nằm trong cấp độ ưu tiên thứ I phải hát trong Thánh lễ như vừa nói trên [Tung hô Tin Mừng; Các lời tung hô trong Kinh nguyện Thánh Thể: Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng (MVTN 103a), nghĩa là, trong mọi Thánh lễ, nên luôn luôn hát Amen long trọng. Trong Thánh lễ, nên làm cho phần tung hô này thật nổi bật và tưng bừng với tiếng hát mạnh mẽ của toàn thể cộng đồng Dân Chúa, với âm thanh hòa vào của toàn bộ các loại nhạc cụ có thể được, với việc kéo dài hay nhắc lại tiếng Amen nhiều lần…Ngay từ thời xa xưa nhất, lời thưa Amen vẫn được dành cho tầm quan trọng lớn lao. Thật vậy, lời này đã từng được gọi là “Amen long trọng”, được hát lên một cách rất trang trọng và hùng vĩ như muốn thưa lên với Chúa Giêsu rằng: “Vâng, đúng như vậy, Ngài quả là Đấng cứu chuộc chúng con.”

Nhiều người cứ nghĩ rằng nếu chủ tế không hát “Chính nhờ Người…” thì không thể hát Amen long trọng. Đây là một suy nghĩ sai nhầm. Vì như trên đã nói, Amen long lọng không phải đáp lại câu “Chính nhờ Người…” mà là đáp lại toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể. Hơn nữa, không bắt buộc chủ tế phải hát “Chính nhờ Người…” trong mọi Thánh lễ mà Vinh tụng ca này có thể được đọc trong mọi Thánh lễ. Do vậy, dù chủ tế hát hay không hát “Chính nhờ Người…” thì cộng đoàn phụng vụ vẫn cứ hát Amen. Dĩ nhiên, trong những dịp long trọng, chủ tế nên hát cả Vinh tụng ca “Chính nhờ Người …” trước tiếng Amen vì sẽ làm cho cộng đoàn dễ dàng đáp tiếng Amen bằng ca hát hơn. Còn hàng ngày, trong bất cứ cứ Thánh lễ nào, hay khi không biết cung nhạc Vinh tụng ca “Chính nhờ Người …” của cộng đoàn phụng vụ ở đó, chủ tế có thể đọc Vinh tụng ca “Chính nhờ Người …” nhưng cộng đoàn phụng vụ vẫn luôn luôn hát Amen long trọng.

Kết luận

Lý do cơ bản sở dĩ 4 phần này ưu tiên được hát nhiều nhất là vì chúng thuộc về Thánh lễ tự bản chất và âm nhạc nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng này. Đặc biệt điều đó lại càng đúng hơn nữa đối với những lời tung hô vốn nằm trong Kinh nguyện Thánh Thể. Một trong những nét chính yếu của Sách lễ hiện nay là phục hồi Kinh nguyện Thánh Thể và đưa Kinh nguyện này lên tầm mức nổi bật hàng đầu bằng việc vị tư tế công bố hay hát Kinh nguyện này lớn tiếng và toàn thể cộng đoàn cùng tham gia vào 3 lời tung hô đặc biệt trong đó: Thánh, Thánh, Thánh – Tung hô tưởng niệm – Amen long trọng. Ở Việt Nam, những lời dành cho chủ tế và tư tế trong Kinh Nguyện Thánh Thể chưa được dệt nhạc nên chủ tế có thể sử dụng cách “ngâm tụng” (cantillation) như trong phụng vụ La-tinh đã từng làm trước đây, nghĩa là trang trọng hoá giọng đọc của mình bằng “cao giọng, lớn tiếng và khoan thai”. Tuy nhiên phần dành cho cộng đồng thì nên hát trong mọi Thánh lễ vì đã có nhạc đi kèm, bản văn thuộc về nghi thức Thánh lễ và cũng thật dễ thuộc, dễ hát đối với mọi người.

Phải ưu tiên hát 4 phần này nhiều nhất (1/ Halleluia – Tung hô Tin Mừng; 2-3-4/ Các lời tung hô trong Kinh nguyện Thánh Thể) bởi vì đó là những thời khắc long trọng nhất cho phép chúng ta tung hô sự hiện diện của Đức Kitô nơi Tin Mừng (Hát Halleluia[29] – câu Tung hô Tin Mừng để chào đón Chúa Kitô đến nói với chúng ta trong Lời của Ngài) và tung hô sự hiện diện của Đức Kitôtrên Bàn thờ sau khi bánh và rượu đã trở nên Mình Máu Chúa Kitô.[30]

Tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc số 103a dạy rằng:

Những câu tung hô này (Tung hô Tin Mừng; Các lời tung hô trong Kinh nguyện Thánh Thể: Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng) thật thích hợp khi được hát lên trong bất cứ Thánh lễ nào, cả trong lễ ngày thường hoặc Thánh lễ cho những cộng đoàn nhỏ hơn. Thật lý tưởng khi cộng đoàn thuộc lòng những câu tung hô này và sẵn sàng hát ngay cả khi không có nhạc cụ kèm theo..

Như vậy, thay vì theo thói quen thực hành lâu nay là hát 4 bài cho mọi Thánh lễ: nhập lễ; tiến lễ; hiệp lễ; và kết lễ, nên bỏ bớt bài ca tiến lễ và bài ca kết lễ đi. Các ngày thường hay lễ nhớ, có thể hát những phần sau: bài ca nhập lễ; bài ca hiệp lễ cùng với 4 chỗ như đã nêu: Tung hô Tin Mừng;Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng. Chỉ trong những dịp trọng thể, lễ trọng, lễ Chúa nhật hay thỉnh thoảng trong lễ kính, mới hát thêm bài ca tiến lễ và bài ca kết lễ.

 

  1. Thánh Bộ Lễ nghi, Instructio de Musica in Sacra Liturgia (Ngày 5 tháng 3 năm 1967), số 5.
  2. Ibid., số 16.
  3. Bao nhiêu có thể, những lời đối đáp mở đầu kinh Tiền tụng nên được hát (MVTN 167), chúng là một trong những lời đối đáp quan trọng nhất của Thánh lễ, nên xứng hợp để hát, nhất là vào ngày Chúa nhật và các lễ trọng khác (Xc. QCSL 40; MVTN 168).
  4. Cộng đoàn có thể đứng khi hát Bài ca sau rước lễ nếu đặc tính của nhạc muốn mời gọi như thế (Xc. MVTN 185).
  5. Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass(New Jersey: Paulist Press, 1999), 139.
  6. J. Leben, Để sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 128.
  7. Phát hành tháng 04 năm 2014 và được Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc – chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam – cho thử nhiệm trong thời gian 3 năm từ ngày 28/04/2014.
  8. Xc. Johannes H Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration (Minnesota:The Liturgical Press, 1997), 144.
  9. Xc. Jan Michael Joncass, “Musical Elements in the Ordo Missae of Paul VI” trong Anscar Chupungco, osb(ed), Handbook for Liturgy Studied, vol. IV(Quezon: Claretian Publications, 2004), 225; Xc. Kevin Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey: Paulist Press, 1999), 60..
  10. J. Leben, Để sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 95.
  11. Charles E. Miller, The Celebration of the Eucharist (NY: Alba House, 2010), 123.
  12. Tư tưởng của Reinhardd Messner được trích lại trong John D. Laurance (ed), The Sacrament of the Eucharist (Minnesota: The Liturgical Press, 2012), 136.
  13. Xc. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press: 1996), 79.
  14. Xc. Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Minesota, Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 48.
  15. Erasto Fernandez, sss, The Eucharist – Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 43.
  16. Xc. Jan Michael Joncass, op.cit, 225.
  17. McNamara, “Gospel Acclamation, Before and After”trong Zenit Daily Dispatch, [12-4-2007]; Joseph M. Champlin, The Mystery and Meaning of the Mass (Quezon city: Claretian Publications, 2001), 67.
  18. Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on theGeneral Instruction of the Roman Missal (Chicago:Liturgy Training Publication, 2011), 44.
  19. Jean Yves Garneau,sss, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet,sss (Makati: St. Paul Publications, 1991),121-122.
  20. Kinh Tiền tụng [Mùa Vọng I; Giáng Sinh I; Lễ Hiển Linh; Mùa Chay I; Chúa Nhật Thường Niên I+ II; Thánh Thể I; Các Tông Ðồ I; Chung I; Cầu cho Tín hữu Qua đời I].
  21. Kinh Tiền tụng [Chúa nhật Thường niên IV; Các Thánh Mục tử; Các Thánh Trinh nữ và Tu sĩ].
  22. Kinh Tiền tụng [Phục sinh I + II+ III+ IV+ V; Thăng Thiên I+ II].
  23. Xc. David Haas, Music and the Mass(Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 78.
  24. Xc. Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Minnesota: The Liturgy Press, 2004), 15-16. [25]Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể(ĐCV thánh Giuse. SG, 2000), 128-129.
  25. A.M. Roguet, Table Ouverte – La Messe d’ aujourd’ hui, bản dịch Việt ngữ Tìm hiểu Thánh lễ (Knhxb, 1988), số 35, 67.
  26. Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (Pennsylvania: Ascension Press, 2011),121.
  27. Xc. Kenneth Smits, “A Congregational Order of Worchip” trong Kevin Seasoltz, Living Bread, Saving Cup(Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press: 1987), 298.
  28. Halleluia nếu không hát thì có thể bỏ (QCSL 63); Trong mùa không sử dụng Halleluia, chúng ta có thể thay bằng những câu tung hô như sau: 1/ Lạy Chúa Kitô là Ngôi Lời thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài; 2/ Lạy Chúa Kitô ngàn đời vinh hiển, xin chúc tụng và tôn vinh Ngài (MVTN 153b).
  29. Xc. Kathleen Harmon, The Ministry of Music(Minnesota: The Liturgy Press, 2004), 15-16.

 Nguồn : https://ocpvn.org/nhung-phan-nen-hat-trong-moi-thanh-le/