Cuộc thi soạn sách mẹo tiếng Annam (năm 1927)

 


CUỘC THI SOẠN SÁCH
DẠY TIẾNG ANNAM
Trích báo “Lời Thăm”, Địa phận Qui Nhơn, ngày 01 tháng 02 năm 1927
—–
Constantini Aiuti
Tổng giám mục hiệu Phasi
Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Pháp và Xiêm La


Trong pho luật Hội Thánh (droit canon), khoản 1364, điều thứ hai, buộc các trường Hội Thánh, đừng kể đạo lý là điều quan hệ hơn, thì nhất là phải dạy tiếng Latinh và tiếng Bổn quốc.

Nhưng xưa rày các trường Hội Thánh bên Đông Pháp nầy, vì chưa có sách dạy cho tiện hợp, nên học tiếng Bản quốc cho thấu ý, thật là sự rất khó. Dầu các đấng giảng đạo đã dùng chữ Roma mà lập ra chữ Quốc ngữ, chép nhiều sách đạo, và nhiều tự vị đã làm cho tiếng cõi Viễn Đông này tiện dụng mặc lòng, nhưng dẫu vậy, những người thông thái đời bây giờ đều hợp một ý mà nói: còn thiếu sách Mẹo và sách dạy văn chương. Vả các trường bên Công giáo ta, cũng không có sách học, dọn theo ý Công giáo cho thật tỏ tường để dạy lớp sơ đẳng.

Nay nhơn thể các đức cha, và nhiều đấng giảng đạo nài xin, thì ta định mở cuộc thi, và ban phần thưởng để giục người văn nhơn tra tay dọn những sách ấy. Ta mong ước nhất là những thầy cả, và các giáo sư có đạo, hết lòng lo dự cuộc thi này, để làm ích cho tiếng nước nhà, và cho đạo thánh nữa.

Điều lệ cuộc thi

1. Bất luận người nào muốn dự thi cũng được, những phải tuân các điều lệ đã ra.

2. Những sách dọn, phải gởi tới tòa đức Khâm Sứ Tòa Thánh trước 1 Janvier 1928; nhưng có ai làm chưa kịp, thì cũng cho trễ ít tháng nữa; song phải xin đức Khâm Sứ trước ngày 1 Décembre 1927.

3. Phải viết cho rõ, dễ đọc, và trong một tờ giấy phải viết một trang mà thôi; phải ghi số trên các trang cho kỹ càng cẩn thận.

4. Sách đã chép, đừng ký tên, song phải biên dấu hiệu (devise) và số (chiffre) nơi sách. Lại phải viết thư riêng khác, mà biên cũng một dấu hiệu và cũng một số ấy trong thư; mà trong thư ấy phải ký tên, đề nơi mình ở, và nói rõ buộc mình phải tuân các điều lệ; đoạn niêm thư ấy lại mà gởi theo sách đã dọn.

5. Tòa khảo sách (Hội đồng kiểm duyệt) sẽ lập sau; tòa ấy đoán định thế nào, thì phải tuân thể ấy, không được nại nơi nào khác.

6. Những sách thi đậu sẽ được giải như sau này:

A) Sách dạy học tiếng Annam (Manuel de langue Annamite)
       Phần thưởng thứ nhứt         150$00
       Phần thưởng thứ hai            50$00
       Phần thưởng thứ ba             10$00
Phần thưởng thứ ba này có ba giải, mỗi giải được 10$00.

B) Sách tiếng Annam trích lục diễn nghĩa (Recueil de lecture expliquée)
    1.  200$00     2.  80$00     3.  20$00       

C) Sách Mẹo dạy tiếng Annam (Grammaire Annamite)
    1.   300$00    2.   100$00   3.   30$00

Phải biết rằng: cho được lãnh phần thưởng thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba, thì chẳng những khảo sách mà lấy sách nào hơn, sách nào kém mà thôi, lại cũng xét các điều trong sách hay dở (valeur intrinsèque) thể nào, đoạn chiếu theo đó mà ban phần thưởng. Vậy như có sách nào sánh với sách khác (valeur comparative) mà được thứ nhứt, song xét về đàng hay dở (valeur intrinsèque) thì không được giải nhứt, chỉ xuống giải nhì hay giải ba mà thôi.

7. Sách nào được giải nhứt, thì buộc người làm sách phải để cho tòa khảo được ấn hành và nhường các soạn quyền (droit d’auteur) cho tòa khảo được in nhưng không lần đầu.

a) 10.000 sách học (Manuel de langue Annamite).
b) 40.000 sách tiếng Annam trích lục diễn nghĩa (Recueil de lecture expliquée)
c) 6.000 sách mẹo (Grammaire Annamite)
d) 2.000 sách văn chương (Littérature)

Lại cho phép in kiểu nói Đàng Ngoài hay là Đàng Trong nhiều ít tùy tiện như tòa khảo chỉ định. Sau nữa người làm sách ấy còn phải buộc mình sửa đổi nơi nọ nơi kia trong sách tùy theo tòa khảo chỉ cho.

8. Còn những sách được giải thưởng thứ nhì và thứ ba, cùng những sách khác không được phần thưởng, thì người làm sách buộc mình phải để lại nơi tòa khảo trong hai năm; lại trong hai năm ấy không được ấn hành sách đã dọn đó.

Sau nữa những người ấy phải buộc để cho tòa khảo được chọn lựa trong sách mình những nơi đáng lấy. Mà hễ đã lựa được điều nào hay, thì tòa khảo cũng sẽ chỉ định phần thưởng cho xứng, mà ban cho những phần đã chọn lựa được đó.

Chương trình cuộc thi

 Điều phải biết: Mở cuộc thi bốn thứ sách sẽ kể sau đây; mà bốn sách ấy phải dọn theo đúng ý Công giáo mọi đàng (nghĩa là mỗi điều phải am hợp theo ý Công giáo cho rõ).

Lại phải dọn trong tiếng Annam cách nói Đàng Trong, Đàng Ngoài cũng được.

I. Sách dạy học trò sơ học (Enseignement primaire)

Sách dạy tiếng Annam (Manuel de langue Annamite).

Sách này phải dọn làm 3 phần, mỗi phần mỗi quyển khác biệt nhau:

Phần thứ nhứt cho lớp Đồng ấu (cours enfantin)
Phần thứ hai cho lớp Dự bị (cours préparatoire)
Phần thứ ba cho lớp Sơ đẳng (cours élémentaire)

Phần thứ nhứt trước tiên phải dạy phép đánh vần A, B, C.

Trong ba phần ấy, gồm những câu (phrase); – các bài diễn hoạch (description); – những bài thuật truyện (narrations); – những chuyện biến ngôn (fables); – vấn đáp (dialogues); – thơ từ (lettres); những bài nói về việc tầm thường trước mặt (leçons de choses); – luân lý (morale); – truyện thánh (histoire sainte; v.v.); – lại thêm lời cắt nghĩa, lời hỏi về ngữ vựng (explications et questions sur le vocabulaire); bài tập đọc (exercices de lecture); – tập viết, tập viết cho đúng luật, tập nói (exercices d’écriture, d’orthographe, de langue); – bài phải học thuộc lòng (récitation), và tập đặt bài viết (rédactions). Mọi điều phải dọn cho vừa sức trẻ con theo lớp; lại mỗi bài phải chỉ cho biết, phải vẽ hình (illustrations) thể nào. Cả ba phần phải có chừng 250 trang.

II. Những sách cho học trò trường Trung học.

A) Sách dạy tiếng Annam trích lục diễn nghĩa.

Những sách này phải lấy trong những sách Annam đã có tiếng, và phải chỉ rõ soạn giả là ai.

Trong sách ấy phải có bài thường văn (văn xuôi), cả bài văn thi – văn vần (truyện biến ngôn, bài diễn hoạch, bài thuật truyện, bài vấn đáp, bài thơ từ, bài diễn thuyết, và những bài văn thơ khác như vậy).

Những bài ấy lấy được trong những sách chỉ nói văn chương thi phú, hay là những sách nói về vấn đề khác, như: Sầm truyền, Sử ký Hội thánh, luân lý và đạo lý, Sử ký Đông dương, và khắp hoàn cầu, tạp vật trí tri, khoa bác vật, v.v.

Tùy nơi cần kíp, mỗi bài phải thêm lời giải nghĩa, và lời hỏi về ngữ vựng; về cách viết chữ cho đúng luật; về cách chiết tự; chiết câu đơn câu kép, cho học trò hiểu rõ cách kết tiếng kết câu ba thứ tiếng Annam, Latinh, Pháp văn là khác nhau thế nào. – Lại mỗi bài phải thêm lời giảng lý, lời hỏi cho rõ thứ tự ý kiến trong bài, và xét về đàng văn chương thì bài hay dở thế nào.

Sách này phải làm 4 phần, chia làm 2 quyển khác nhau. Mỗi phần phải vừa sức trí học trò trường Latinh, trong vòng bốn năm đầu.

Mỗi quyển phải có chừng 200 đến 300 trang.

B. Sách mẹo dạy tiếng Annam.

Sách này phải dạy đủ điều (grammaire complète), mỗi điều phải rõ ràng từng việc (détaillée).
Sách mẹo này phải dạy các mối tiếng; – cách lập câu; – dạy sắp đặt các mối tiếng, và các câu theo thứ tự nào (syntaxe de position des mots et des propositions); – phải so sánh ba thứ tiếng: Annam, Latinh, Pháp văn lại với nhau luôn, cho học trò phân biệt được khác nhau, hay là giống nhau thể nào; – làm nhiều ví dụ.
Các tên riêng thuộc về phép dạy mẹo (terminologie) thì phải dùng như trong sách mẹo nhà nước; nếu như có mẹo nào đã lập tên riêng như thế, thì phải chú thích tên ấy lại cho biết.
Sách mẹo này có ý cho học trò trường Latinh dùng trong 4 năm trước, cho nên người làm sách phải chỉ nơi tựa, cách phải dùng mẹo làm sao trong 4 năm ấy.

C. Sách văn chương (Précis de Littérature)

Sách này có ý cho học trò trường Latinh dùng cho 4 năm sau, cho nên phải chia làm 4 phần.

1. Dạy luật chung về phép văn chương: là dạy kiểu nói hay và hợp việc (élégance du style) và trúng mẹo (pureté du style); – cách nói bóng (figures); dạy cho biết phân bài cho có đầu đuôi thứ lớp (parties de la composition littéraire); – dạy cách tìm và giải cho rộng các lý trong bài (đặt nhiều mẫu gương, nhứt là lựa trong các sách Annam, lấy trong sách văn chương Latinh, Pháp văn cũng được, song phải chỉ đã lấy trong sách nào).

2. Dạy riêng cách làm về các thứ bài văn chương.
a) Thường văn (Prose)
b) Văn thi (Poésie) – dạy luật chung và luật riêng các thứ thi phú – Phải có ví dụ mẫu gương, lấy trong những sách có tiếng, và phải chỉ sách nào.

3. Sử ký văn chương: thường văn và văn thi (histoire de la littérature; prose et poésie).

4. Kể sơ lược gốc tích tiếng Annam; – thiếng Annam thay đổi theo đời thể nào; – dạy về cách dùng chữ Roma mà lập chữ Quốc ngữ thể nào; – dạy cách lấy chữ Hán mà lập chữ Nôm.

Điều phải nhớ: những tên riêng thuộc về phép văn chương (Terminologie) phải ra sức lấy trong tiếng Annam; nếu không được thì dùng chữ Hán, song phải cắt nghĩa bằng tiếng Annam, và thêm tiếng Pháp gọi thế nào giữa dấu xen (…)

Nguyện xin cho mọi điều được làm cho danh Chúa cả sáng một ngày một hơn.
Ta làm thư này tại Hà nội, ngày mồng 3 tháng Décembre (Lễ ông thánh Phanxicô Xaviê) năm 1926.

Constantini Aiuti
Tổng giám mục hiệu Phasi
Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Pháp và Xiêm La