DANH XƯNG VÀ TÔN CHỈ HỘI ĐOÀN LEGIO MARIÆ

I.- ĐẶT VẤN ĐỀ:

Kể từ ngày hiện diện tại Việt Nam cách đây đúng 65 năm (12/08/1948 – 12/8/2013), cậy nhờ Hồng ân Thiên Chúa, được sự tín nhiệm và cho phép của Giáo quyền khắp nơi, Hội đoàn Legio Mariæ với tên gọi Đạo Binh Đức Mẹ đã và đang hoạt động trên 26/26 giáo phận trong cả nước, với 4.262 Senior Præsidia (đơn vị nòng cốt) gồm: * 52.492 hội viên trưởng thành (senior) hoạt động; * 78.807 hội viên tán trợ; và * 17.104 hội viên thiếu niên (Junior) (trích báo cáo của Hội đồng Senatus Việt Nam tháng 12/2012). Sự phát triển vượt bậc này đã nói lên sự hưởng ứng nồng nhiệt của Giáo quyền và Giáo dân Việt Nam đối với Legio Mariæ.

Tuy vậy, vẫn có sự hiểu lầm, coi đây như là một tổ chức chính trị núp dưới bóng tôn giáo. Sự hiểu lầm đáng tiếc này không chỉ từ phía ngoài Ki-tô giáo, mà còn có cả bên trong Giáo Hội (các linh mục khi được mời làm Linh Giám – chức vụ trông coi, giám sát những hoạt động của hội đoàn – cũng e dè, ngại ngùng không dám nhận). Đó phải chăng là một vấn nạn cần được giải gỡ? Tác giả bài viết này không phải là một hội viên (chính thức hay tán trợ), xin khách quan tìm hiểu để minh nhiên vấn đề.

Trước hết, để có một cái nhìn tổng quát, xin nêu nội dung Thủ Bản (Tài liệu căn bản của Legio Mariæ)

II.- NỘI DUNG THỦ BẢN:

Nội dung Thủ Bản có tổng cộng 41 chương (bao gồm 612 số lề). Vì vấn nạn chỉ tập trung vào danh hiệu của Legio, nên chỉ xin đề cập đến 5 chương liên quan (với 31 số lề):

* CHƯƠNG 1- DANH HIỆU VÀ NGUỒN GỐC (số 1-4)

* CHƯƠNG 2- CHỦ ĐÍCH (số 5)

* CHƯƠNG 3- TINH THẦN (số 6)

* CHƯƠNG 4- SỨ VỤ CỦA LEGIO (số 7-16)

1. “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6, 11). (số 7).

2. Họ phải là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm 12,1-2). (số 8).

3. Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền (2 Cr 11, 27). (số 9).

4. Phải “đi con đường bác ái theo gương Chúa Ki-tô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” (Ep 5, 2). (số 10-11).

5. Phải “chạy hết quãng đường của mình” (2 Tm 4, 7). (số 12-16).

* CHƯƠNG 5- ĐẶC ĐIỂM CỦA LÒNG TÔN SÙNG (số 17-31).

1. Thiên Chúa và Đức Ma-ri-a (số 18-19).

2. Đức Ma-ri-a trung gian các ơn (số 20).

3. Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội (số 21-22).

4. Đức Ma-ri-a Mẹ chúng ta (số 23-25).

5. Tôn sùng Đức Mẹ là nền tảng cho việc tông đồ của Legio (số 26-28).

6. Chỉ biết Đức Ma-ri-a là đủ! (số 29-30).

7. Đưa Đức Ma-ri-a đến với thế giới (số 31).

III.- XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA VẤN NẠN:

Vấn nạn xảy ra chỉ tập trung vào DANH XƯNG của LEGIO MARIÆ. Đó là:

1- Đề từ cuốn Thủ Bản:

Ngay ở trang đầu tiên của sách Thủ Bản có trích dẫn 3 lời đề từ (lời dẫn nêu rõ tiêu đề của sách):

* “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, Đẹp như mặt trăng, Rực rỡ như mặt trời, Uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận, Bà là ai?” (Dc 5, 10)

* “Danh xưng của Trinh nữ là Ma-ri-a” (Lc 1, 27).

* LEGIO MARIÆ danh hiệu khéo chọn biết bao” (Đức Pi-ô XI).

Trong kinh Catena (kinh nguyện của Legio) thì “Câu Dạo” (tựa như “Lời Giáo Đầu” trong Kinh Phụng Vụ) cũng dùng câu trích sách Diễm ca như nêu trên (Dc 5, 10).

Nếu không phải là hội viên, độc giả chỉ đọc câu: “Uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận” thì tưởng chừng như đây là một đạo binh vũ khí đầy mình, oai phong lẫm liệt, sẵn sàng xung trận. Và như thế sẽ đi đến ngộ nhận cho rằng Legio Mariæ là một đạo quân thực sự, được chỉ huy bởi một Nữ tướng oai hùng.

2- Danh hiệu quân đội Rô-ma:

Legio Mariæ được tổ chức theo lối quân đội Rô-ma thời xưa, mượn luôn cả danh xưng; vì “Quân đội Rô-ma có lẽ là đơn vị tác chiến giỏi nhất thế giới từ xưa tới nay. Bí quyết để toàn thắng là vì tinh thần của quân nhân. Tinh thần quân đội Rô-ma có thể tóm trong những điểm sau đây: tuân lệnh cấp trên, ý thức về nhiệm vụ rất cao, gặp trở ngại không sờn lòng, trải qua gian khổ rất dẻo dai, thi hành sứ mạng cách trung kiên không sai một tiểu tiết…

Họ ở ngoài chiến tuyến với nhiệm vụ nặng nề bao la và giữ vẹn bờ cõi. Nhiều gương xán lạn nói lên chí anh hùng bất khuất. Đây một viên đại đội trưởng đứng chết ngay nhiệm sở của mình, trong lúc thành Pompéi bị vùi vì núi lửa; gương khác, Lữ đoàn Tê-ba-nô với ba vị tướng lãnh: thánh Mau-ri-xi-ô Ê-xu-pê-nô và Can-đi-đô, đứng yên chịu cuộc tàn sát vào thời kỳ Ma-xi-mi-a-nô cấm đạo” (“Thủ Bản” – phụ lục 4, tr. 440).

Một đạo quân hùng mạnh bách chiến bách thắng được lãnh đạo bởi một Nữ tướng anh hùng, thì chẳng phải là có mưu đồ chính trị đó sao? Sự hiểu lầm đó là điều tất nhiên. Và vì thế, xin bình tĩnh cùng tìm hiểu cặn kẽ vấn đề:

IV.- GIẢI GỠ VẤN NẠN:

A. DANH XƯNG ĐẠO BINH ĐỨC MẸ:

1- Về lời đề từ cuốn Thủ Bản (hay Câu Dạo trong kinh Catena):

Thực ra, đây chỉ là lời trích từ sách Diễm Ca trong Cựu Ước: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6, 10).

Đó là “Bài ca tuyệt diệu thứ 5” trong 5 bài tình ca của vua Sa-lô-môn diễn tả mối tình giữa Chàng và Nàng. Theo nghĩa “chiểu tự” (nghĩa đen của chữ viết – T/H Lời Chúa, số 27), thì Chàng ở đây là vua Sa-lô-môn, còn Nàng là những thiếu nữ Si-on và nói chung là tất cả đất nước và con người It-ra-en: “Bạn tình của anh hỡi, nàng đẹp tựa Tia-xa, duyên dáng tựa Giê-ru-sa-lem, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6, 4). Tuy nhiên, thực chất khi viết những bài tình ca đó, vua Sa-lô-môn muốn nói đến Tình Yêu Thiên Chúa đã dành cho ngài những ân sủng tuyệt diệu. Như vậy, những bài tình ca ấy đã hàm nghĩa “ẩn dụ” (ví ngầm – T/H Lời Chúa, số 27) với ngụ ý: “Ngay từ thưở ban đầu Thiên Chúa đã tạo thành và thánh hiến sự kết hợp nam nữ (St 1-2). Sự kết hợp chính đáng đó có một giá trị tôn giáo sâu xa. Người ta có lý để hiểu rằng, ngoài nghĩa đen của sách Diễm Ca, còn có thể nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, như hôn ước của Đức Ki-tô với Hội Thánh” (Ep 5, 23).

Vì thế, “Người Do-thái vẫn coi đây là bài ca tuyệt vời diễn tả mối tình tuyệt vời giữa Thiên Chúa và Dân được tuyển chọn. Hội Thánh hiểu về mối tình giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh; các giáo phụ, các nhà thần bí hiểu về mối tình giữa Chúa Ki-tô và mỗi tâm hồn” (xc. Kinh Thánh trọn bộ, phần “Dẫn nhập Cựu Ước”, mục đ- “Sách Diễm Ca”).

Hội Thánh đã được Đức Ki-tô coi là hiền thê (x. Ep 5, 23), lại còn được trao phó cho Đức Mẹ nhận làm con (x. Ga 19, 26), như vậy thì việc ẩn dụ (ví ngầm) giữa Nàng (trong Diễm Ca) và Đức Mẹ là hoàn toàn có cơ sở. Và việc Người Nữ “uy hùng như đạo bình xếp hàng vào trận” chỉ là cách dùng hình ảnh cụ thể (theo “nghĩa chiểu tự”) để nhấn mạnh vào những đặc điểm tâm linh (theo “nghĩa thiêng liêng”). Cũng vì thế, nên:

2- Về danh hiệu quân đội Rôma:

Trong Thủ Bản của Legio, chương 4 (“Sứ vụ của Legio”), có tất cả 5 mục (như nêu trên), thì mục 1, với tiêu đề: “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6,11) có nội dung: “Legio ngày nay mượn danh hiệu quân đội Rô-ma lừng danh trong nhiều thế kỷ, vì những đức tính trung kiên, can đảm, kỷ luật, nhẫn nại, lại thu lượm nhiều thành quả, nhưng quân đội này thường phục vụ những quyền lợi thấp hèn và không bao giờ vượt khỏi phạm vi trần tục. Tất nhiên, Legio Mariæ không thể dâng cho Nữ Vương của mình một đoàn thể hữu danh vô thực (vì như thế khác nào dâng một tác phẩm mỹ thuật đã gỡ bỏ hết những trân châu, chỉ còn lại mỗi cái khung). Những đức tính cố hữu của binh sĩ Rô-ma chỉ là mức độ tối thiểu trong quân vụ của Legio. Thánh Clê-men-tê, nhờ Thánh Phê-rô đưa vào đạo, là người cộng sự của Thánh Phao-lô đã nêu gương quân đội Rô-ma cho Giáo Hội bắt chước.”

Rõ ràng Legio mượn danh hiệu quân đội Rô-ma chỉ nhằm học hỏi và áp dụng những đức tính trong tinh thần chiến đấu của đội quân này (trung kiên, can đảm, kỷ luật, nhẫn nại), hoàn toàn không theo những việc làm với mục đích “phục vụ những quyền lợi thấp hèn và không bao giờ vượt khỏi phạm vi trần tục” của họ.

Như vậy là đã rõ, danh xưng “Đạo Binh Đức Mẹ” chỉ là nhắm đến mặt tinh thần, hoàn toàn không vụ vật chất. Một cách cụ thể thì Đạo Binh Đức Mẹ hoàn toàn không chiến đấu với kẻ thù bằng những vũ khí vật chất, bởi kẻ thù ở đây không phải là những con người cụ thể, mà là những thế lực vô hình (tội lỗi, sự dữ, ma quỷ). Chính tiêu đề của mục 1 là lấy ý trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6, 10-13).

Để chiến đấu và chiến thắng những thế lực thù địch vô hình đó, thì người chiến sĩ: “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6, 14-18).

Một cách cụ thể thì vũ khí để chiến đấu chỉ có thể là “hiền hậu, khiêm nhường, vâng phục, thanh khiết, nhẫn nhục, can đảm, kiên trì cầu nguyện, trung tín phục vụ trong tình “Mến Chúa yêu người”, như chính Đức Ma-ri-a đã sống và thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Mẹ.

Ngoài ra, chỉ cần coi tiêu đề 4 mục tiếp theo:

Mục 2: Họ phải là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm 12, 1-2);

Mục 3: “Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền” (2Cr 11, 27);

Mục 4: Phải “đi con đường bác ái theo gương Chúa Kitô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” (Ep 5, 2);

Mục 5: Phải “chạy hết quãng đường của mình” (2 Tm 4, 7), cũng đã thấy nổi bật tinh thần Legio Mariæ:

B.- TINH THẦN LEGIO:

Để nêu cao tinh thần của Legio Mariæ, sách Thủ Bản (chương 3) đã khẳng định: “Tinh thần Legio là chính tinh thần của Đức Ma-ri-a. Hội viên Legio sẽ đặc biệt cố gắng rèn luyện cho được lòng khiêm nhường sâu thẳm của Đức Ma-ri-a, đức vâng lời hoàn hảo, tính hiền hậu như Thiên Thần, lời cầu nguyện liên lỉ, sức hãm mình toàn diện, thanh khiết không tì vết, chí nhẫn nhục anh dũng, trí khôn ngoan siêu phàm, tình mến Chúa vừa can đảm vừa xả thân, và nhất là bắt chước Đức Tin, một nhân đức mà chỉ có Mẹ Ma-ri-a mới thực hiện hoàn toàn không ai sánh kịp. Nhờ tình yêu và đức tin của Mẹ Ma-ri-a chỉ dẫn, Legio của Người đảm nhận mọi nhiệm vụ “không bao giờ viện cớ là khó quá, vì họ cho rằng mọi việc đều có thể làm và được phép làm” (Gương phúc III, đoạn 5).

Sứ vụ duy nhất của Giáo Hội là Truyền Giáo và tất cả mọi Ki-tô hữu đều được sai đi thì hành sứ vụ cao trọng đó: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Chính Đầu của Giáo Hội, Đức Giê-su Ki-tô khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, đã nói: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Sai chiên (mà lại là “chiên con” còn nhỏ dại) đi vào giữa bầy sói thì chiên phải chiến đấu để tự bảo vệ; vì thế, người được sai đi được coi như một chiến sĩ, mà muốn thi hành trọn hảo sứ vụ, thì người chiến sĩ cần phải “mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5, 8).

Một cách cụ thể, người chiến sĩ Ki-tô phải học và sống đúng theo “Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Nữ Vương các Tông đồ. Khi còn ở trần gian, Người đã sống một cuộc đời giống như mọi người, lo toan cho gia đình và mệt nhọc vì gia đình. Nhưng Đức Mẹ Ma-ri-a vẫn kết hợp mật thiết với Con mình và đã góp phần vào công việc của Chúa Cứu Thế một cách đặc biệt. Tất cả phải có lòng tôn sùng chân thực đối với Đức Ma-ri-a và cầu xin Mẹ hiền chăm sóc đến đời sống và việc tông đồ của mình” (Thủ Bản, AA 4 – chương 3).

C.- CHỦ ĐÍCH CỦA LEGIO:

Sách Thủ Bản (chương 2) viết: “Chủ đích của Legio Mariæ là thánh hóa hội viên bằng việc cầu nguyện, và dưới sự lãnh đạo của giáo quyền, tích cực cộng tác vào hành động của Đức Ma-ri-a và của Hội Thánh, là đạp đầu con rắn và mở rộng nước Chúa” (“con rắn” là biểu tượng của sự dữ, ác thần, ma quỷ – “Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” – St 3,14-15). Chủ đích của Legio Mariæ là:

a. Mục đích trực tiếp của giáo dân cộng tác vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm là chính mục đích tông đồ của Hội Thánh, tức là nhằm loan báo Tin Mừng, thánh hóa nhân loại, và giáo dục lương tâm tín hữu, để họ có thể đem tinh thần của Tin Mừng thấm nhập vào cộng đoàn và các môi trường trong cuộc sống.

b. Cộng tác với hàng giáo phẩm theo cách thức riêng của người giáo dân, nghĩa là góp kinh nghiệm và lãnh trách nhiệm của mình trong việc điều khiển các hội đoàn, trong việc tìm kiếm những điều kiện thể hiện công tác mục vụ của Hội Thánh, cũng như trong việc soạn thảo và thực hiện kế hoạch hoạt động.

c. Hành động liên kết với nhau như các bộ phận của một thân thể, để biểu lộ rõ rệt hơn đời sống cộng đồng của Hội Thánh và làm cho công cuộc tông đồ thêm hữu hiệu.

d. Hoặc tự nguyện hiến dâng, hoặc được mời hoạt động và trực tiếp cộng tác vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm, giáo dân hoạt động dưới quyền điều khiển tối cao của giáo phẩm. Hàng giáo phẩm có thể hợp thức hóa sự cộng tác này bằng một văn kiện ủy nhiệm công khai.

Điều này chứng tỏ, mục đích chủ yếu của Legio Mariæ là để – trong cương vị giáo dân – cộng tác với Giáo Hội mở mang Nước Chúa đến tận cùng trái đất. Nói cách khác, mục đích chính yếu của Legio Mariæ là tạo cơ hội cho người tín hữu sống đạo một cách sốt sắng, nhiệt thành và sinh động trong tình “Mến Chúa yêu người”, đem Lời Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc. Và điều cơ bản để đạt được mục đích ấy, chính là biểu lộ lòng tôn sùng tuyệt đối Mẹ Lời Chúa – Đức Nữ Vương Ma-ri-a vinh hiển bên ngai tòa Thiên Chúa trên Thiên Quốc.

D.- LỜI KẾT CỦA THỦ BẢN VỀ DANH XƯNG “ĐẠO BINH ĐỨC MẸ”:

Cuối chương 4, Thủ Bản đã kết luận về danh xưng “Đạo Binh Đức Mẹ”:

“Vì thế, Legio hết sức hãnh diện mang tước hiệu Đức Ma-ri-a. Legio là một tổ chức của Đức Mẹ. Do đó, nền tảng của hội là lòng tin cậy vô biên của đoàn con cái đối với Mẹ hiền. Legio in sâu vào tâm trí và làm cho lòng tin cậy đó thêm mạnh mẽ để họ biết hoàn toàn dung hòa lòng trung tín và tinh thần kỷ luật khi chung nhau làm việc. Vì thế, Legio coi tổ chức của mình như một guồng máy hùng mạnh, chỉ cần tuân theo chỉ thị của giáo quyền là bao trùm cả thế giới.

Như thế, thiết nghĩ không phải là tự phụ. Nhờ đó, Đức Ma-ri-a sẽ dùng Legio làm khí cụ của Người, để thực hiện chương trình làm Mẹ trong các linh hồn và tiếp tục công việc trường cửu của Người là toàn thắng và đạp nát đầu con rắn hỏa ngục. Chúng tôi hy vọng như thế lại là điều phi lý sao?” Vấn đề đã hoàn toàn sáng tỏ: Để thi hành sứ vụ nòng cốt của Hội Thánh là Truyền Giáo, thì Legio Mariæ là một trong những đạo binh cộng đồng trách nhiệm với toàn thể Giáo Hội đem Tin Mừng Cứu Độ đến tận cùng trái đất (x. Is 49, 6; Cv 13, 47).

V.- MINH NHIÊN VẤN ĐỀ:

Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium) nơi Chương Mở Đầu, trong Lời Giới Thiệu, đã viết:

“Phong trào Công Giáo Tiến Hành hoặc những phong trào tương tự trong giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới và đồng thời làm cho họ tin tưởng cách chính đáng là họ thuộc về Giáo Hội nhiều hơn. Sự ý thức “thuộc về” sâu xa hơn ấy tiến triển dần dần trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội không được coi là một thực tại dành riêng cho các giáo sĩ nhưng cho hết mọi người cùng sống, cùng khổ và cùng làm việc trong đó. Như thế, khoa thần học về giáo dân được phát huy một cách đặc biệt và sống động, nêu ra mối suy tư thần học về Giáo Hội.”

Legio Mariæ đích thị là một phong trào “giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới”. Để minh chứng cho những điều trình bày ở trên, xin được trưng dẫn những ân ban thánh chỉ từ Giáo Hội Mẹ dành cho đoàn con Legio dưới sự bảo trợ của Đức Nữ Vương Maria:

* Ngày 16/09/1933 Đức Pi-ô XI đã gởi thư chúc lành cho Legio Mariæ. Ngài viết: “… do đó, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng con nên những tay cộng tác trong việc cứu rỗi, và đây là phương pháp tốt nhất để tỏ lòng các con biết ơn Đấng Cứu Chuộc”.

* Ngày 22/07/1953 Quyền chưởng ấn J.B Montini gởi thư cho ông Frank Duff nhờ chuyển đến tổ chức Legio Mariæ một thông điệp bày tỏ lòng ái mộ và những lời khen tặng của Đức Pi-ô XII: “… Ngài chia vui với ông khi nhận thấy ngọn cờ của Legio được dựng lên khắp bốn phương…”

* Ngày 19/03/1960 Đức Gio-an XXIII đã gởi đến Legio Mariæ bức thư ngắn nội dung như sau: “Ta thân ái gởi đến các ủy viên và hội viên Legio Mariæ trên toàn thế giới phép lành Tòa Thánh đặc biệt, để chứng tỏ mối tình phụ tử của Ta và bảo đảm những thành quả thiêng liêng dồi dào cho công cuộc đáng khen ngợi mà họ đang thực hiện”.

* Ngày 06/01/1965 Đức Phao-lô VI gởi đến ông Frank Duff thông điệp, bắt đầu như sau: “Ông Duff thân mến, Đức Thánh Cha muốn nhân dịp này ban một thông điệp khen thưởng và khích lệ Legio Mariæ… vì những mục tiêu đạo đức, những công việc đã thực hiện và phát triển rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho việc tông đồ Công Giáo. Sự kiện ấy chứng minh quý phong trào là một khí cụ khiến hiệu lạ lùng để xây dựng và mở rộng nước Chúa…” (qua Quốc Vụ Khanh A.G Ciognani).

* Ngày 02/06/1966 Quốc vụ khanh A. Dell Acqua đã gởi đến ông Frank Duff bức thư trả lời về việc Đức Thánh Cha chấp nhận trên nguyên tắc kinh nhật tụng (có sửa chữa phần nào) và Thủ Bản Legio Mariæ (giữ nguyên).

* Ngày 30/10/1982 Đức Gio-an Phao-lô II nói: “Legio là một trong những đoàn thể dấn thân vào việc làm sinh sản và phát triển Đức Tin qua việc truyền bá và tái lập lòng sùng kính Đức Ma-ri-a…”

Riêng đối với Legio Mariæ Việt Nam, cũng được hàng Giáo phẩm rất ưu ái:

+ Đức cố Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê, Linh Giám tiên khởi Legio Mariæ Việt Nam, “Præsidium Đức Bà Lên Trời” (12/08/1948) – Giáo xứ Hàm Long – Hà Nội.

+ Đức cố Giám mục giáo phận Phú Cường Giu-se Phạm Văn Thiên (1907-1997), Linh Giám tiên khởi Hội đồng Senatus Việt Nam.

+ Cố Linh mục Phêrô Trần Văn Thông (1927-1991), Phó Linh Giám tiên khởi Hội đồng Senatus Việt Nam.

+ Linh mục Nguyễn Công Danh, Linh Giám Hội đồng Senatus Việt Nam (1997 đến nay)

Tóm lại, với quá trinh công khai hoạt động 92 năm (trên thế giới), 65 năm (ở Viêt Nam), đã chứng tỏ “Mục đích, Tinh thần và Sứ vụ của Legio Mariæ” hoàn toàn mang tính cách Tông đồ Giáo dân, cộng tác với Giáo Hội, thi hành sứ vụ “Đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15); và để đạt được hiệu quả tối ưu, Legio đã “biểu lộ lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Mẹ Chúa Trời. Legio nhờ hội viên của mình để thực hiện việc trên đây: mỗi hội viên có nhiệm vụ phải giúp vào bằng cách nguyện gẫm hẳn hoi và bằng việc làm do lòng sốt sắng. Muốn cho việc tôn sùng này trở nên một nghĩa vụ chính thức Legio, mỗi hội viên phải coi đó là một phận sự, buộc ngặt như đi họp hằng tuần và làm việc tông đồ. Mọi người phải nhất trí chu toàn phận sự đó. Đây là một điểm có nhắc lại bao nhiêu lần cũng không phải là thừa” (Thủ Bản, chương 5/5 – “Đặc điểm của lòng tôn sùng”).

VI.- KẾT LUẬN:

Sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân” (số 1) viết: “Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa, nên chú tâm hướng về các Ki-tô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm Ki-tô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Kinh Thánh chứng minh cách phong phú điều đó (x. Cv 11, 19-21; 18, 26; Rm 16, 1-16; Pl 4, 3)”.

Chính vì thế, nên Giáo Hội từ nhóm 12 Tông đồ tiên khởi, nay đã phát triển thành một đại tôn giáo gồm hàng tỷ tín hữu. Sự cộng tác nhiệt thành và mật thiết của Giáo dân trong sứ vụ Tông đồ thường xuyên thông qua các Hội dòng, các tổ chức, Hội đoàn, phong trào Công Giáo tiến hành, mà trong đó có Hội đoàn Legio Mariæ.

Mong rằng mọi định kiến hay thành kiến sai lệch về Legio Mariæ nói riêng (và nói chung là các Hội đoàn, phong trào giáo dân trong Giáo Hội) được Thần Khí thanh tẩy, để toàn thể Giáo Hội trở nên một Thân Mình duy nhất của Đầu là Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa, ngõ hầu được hưởng ân sủng từ Lời cầu nguyện của Người: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm