Đức Thánh cha cầu nguyện cho những người lo việc an táng người quá cố trong thời đại dịch

Đức Thánh cha Phanxicô dâng lễ kính thánh Marcô | Vatican Media

Trong thánh lễ trực tuyến, sáng thứ Bảy 25/4/2020, tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh cha Phanxicô cầu nguyện cho những người lo việc an táng người quá cố trong thời đại dịch và trong bài giảng, ngài nhắc nhớ các tín hữu về nghĩa vụ truyền giáo.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong lời dẫn nhập thánh lễ, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những người thi hành các dịch vụ an táng người qua đời. Thật là đau buồn điều họ làm, và họ cảm thấy nỗi đớn đau vì đại dịch này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha đã giải thích bài Tin mừng theo thánh Marco (16,15-20) đọc trong thánh lễ, kể lại việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, nhắn nhủ họ hãy đi khắp thế gian, công bố Tin mừng cho mọi loài thụ tạo và loan báo những dấu hiệu đồng hành với những người tin nhận Chúa: nhân danh Chúa, “họ sẽ xua đuổi ma quỉ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay và cho dù có uống phải thuốc độc, họ vẫn không hề hấn gì; họ sẽ đặt tay trên đầu các bệnh nhân và những người này được lành bệnh”. Sau khi nói những lời ấy, Chúa Giêsu lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa.

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Đức tin luôn luôn có tính chất truyền giáo, nếu không thì chẳng phải là đức tin. Đức tin không phải chỉ là cái gì đó cho tôi mà thôi, vì tôi tăng trưởng với đức tin:

Chúng ta mang đức tin, nhất là bằng chứng tá cuộc sống. Đôi khi ta thiếu xác tín về đức tin, coi đức tin chỉ là một thái độ xã hội, vì trên thẻ căn cước có ghi tôi là tín hữu Kitô. Nhưng đức tin không phải như vậy, không phải là một sự kiện văn hóa.

Đức tin nhất thiết phải đưa bạn ra ngoài, thúc đẩy bạn trao ban đức tin, vì đức tin nhất thiết đòi phải được thông truyền. Điều này không có nghĩa là “chiêu dụ tín đồ”, nhưng là làm chứng tá đức tin bằng việc phục vụ, là sống như Kitô hữu. Trước khi nói điều gì có đặc tính Kitô, thì cần phải sống đức tin một cách cụ thể. Chúng ta không thông truyền đức tin bằng cách thuyết phục, nhưng là trao tặng như một bảo vật. Chúng ta mang đức tin với lòng khiêm tốn, như chúng ta đọc thấy trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ (1 Pr 5,5-14) trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Trong việc thông truyền đức tin, luôn có Chúa, trong việc thông truyền các ý thức hệ, thì có “những ông thầy”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Chúa giúp chúng ta sống một đức tin cởi mở, trong sáng, mang lại ơn cứu độ cho tha nhân”.