Giáo hội ngày nay có thể học được gì từ Thánh Grêgôriô Cả?

GIÁO HỘI NGÀY NAY CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ THÁNH GRÊGÔRIÔ CẢ?

Tác giả: Will Wright
Chuyển ngữ: Dominic Nguyễn
Từ: catholic-link.org

1. Thánh Grêgôriô Cả là ai?

Grêgôriô là con trai của một người giàu có xứ Sicily (Italy). Cha ngài sở hữu nhiều điền trang rộng lớn ở Sicily và một dinh thự ở Rôma. Grêgôriô là sinh viên xuất sắc về ngữ pháp, logic và biện luận ở thành phố Rôma và cũng đã hoàn thành một khóa học về pháp luật.

Xuất thân trong một gia đình Công Giáo, nên Grêgôriô luôn luôn sùng kính Thiên Chúa từ khi còn trẻ. Ngài thường xuyên suy niệm Kinh thánh và lắng nghe các Giáo huấn của những người có thế giá trong Giáo hội khi họ thảo luận về thần học và triết học.

Grêgôriô là một nhà quản trị phi thường. Trước ba mươi tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Giám quản Rôma. Vị trí này là một trong những chức vị quan trọng vào thời điểm đó.

Sau đó, ngài từ chức, thành lập nhiều đan viện và trở thành một đan sĩ. Ngài đã sống tại một đan viện khoảng ba năm và say mê đời sống đó. Đức Giáo hoàng đã gọi ngài trở lại Rôma và tấn phong ngài làm một trong bảy phó tế của Rôma, cho dẫu Ngài đã phản đối. Năm 579, trong thời kỳ khủng hoảng với Đông Phương, Đức Giáo hoàng đã cử Ngài đến Byzantium với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh.

Đông Phương và Grêgôriô

Rôma xem thời gian ngài ở Constantinople là một sự thất bại. Ngài chưa bao giờ học tiếng Hy Lạp trong sáu năm sống tại đó, vì ngài muốn sử dụng thông dịch viên hơn, nhưng ngài đã không có được sự trợ giúp này. Tuy nhiên, ngài đã học được một bài học quan trọng: “Nếu Italy hay Rôma muốn được cứu, thì điều đó chỉ có thể được thực hiện bởi những người trong lãnh địa đó”.

Trở lại Rôma

Năm 586 sau công nguyên, ngài được phong làm Viện Phụ đan viện thánh Anrê. Ngài đã được xuất thần trong việc phong ban này. Bốn năm sau, Rôma gặp nhiều khó khăn. Nhiều trận lũ lụt đã làm cuốn trôi các trang trại và nhà cửa tại Ý. Nước sông Tiber dâng lên và phá hủy nhiều tòa nhà, bao gồm nhiều kho thóc của Giáo Hội. Sau đó, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng làm cho Rôma phủ đầy thi thể của bệnh nhân đang phân hủy và mùi hôi của người chết. Tháng 2 năm 590 sau Công Nguyên, Đức Giáo hoàng Pelagius II qua đời. Giáo dân đồng loạt yêu cầu Hoàng đế chỉ định Grêgôriô làm Giáo hoàng. Vào thời điểm đó, ngôi vị Giáo hoàng sẽ được quyết định bởi Hoàng đế Byzantine. Grêgôriô đã gửi những lá thư cầu xin Hoàng đế Maurice không chỉ định mình vào chức vụ Giáo hoàng. Nhưng Germanus, là Giám quản Rôma vào thời đó, đã ngăn chặn những bức thư ngài gửi tới Hoàng đế. Nên cuối cùng, ngài đã được hoàng đế chọn và ngài trở thành Giáo hoàng.

2. Thánh Grêgôriô đã làm được những gì khi trở thành Giáo hoàng?

Tiêu đề của phần này thật tức cười vì có quá nhiều điều không thể trình bày hết trong bài viết ngắn này. Tuy nhiên, tôi sẽ dùng hết khả năng của mình để tóm tắt những đóng góp to lớn của Thánh Grêgôriô một cách công tâm.

Phụng vụ

Thánh Grêgôriô đã thêm những từ sau đây vào Lễ Quy Rôma: “Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa, cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn”. Ngài đã thực hiện những cải cách quan trọng để làm cho thánh lễ được đồng nhất hơn. Sách Nghi Lễ Grêgôriô và Thánh ca Grêgôriô được chính ngài viết hoặc ít nhất được gán cho ngài vì những ảnh hưởng quan trọng của ngài đối với nguồn gốc của chúng.

Quản trị

Là một nhà quản trị tài ba, Đức Giáo hoàng Grêgôriô cũng đã thực hiện nhiều thương vụ trong sự nhạy bén tuyệt vời. Ngài chịu sức ép lớn khi nắm giữ cả quyền lực vật chất và tâm linh. Điều duy nhất ngài phạm sai lầm mà lịch sử ghi chép lại là: dùng ngân khố của mình để hỗ trợ người nghèo.

Ngài rất tinh thông trong việc đảm bảo cho các giáo sĩ, dưới sự kiểm soát của ngài ở các lĩnh vực khác nhau, không lạm dụng quyền lực và luôn trung thành với lời tuyên khấn. Nhận biết thẩm quyền phổ quát của mình trong vai trò người kế vị Phêrô, ngài đã đưa ra những yêu cầu chính thức đối với các thượng phụ và giám mục trong Giáo hội Đông Phương. Tuy nhiên, Ngài không đi quá giới hạn của mình, ngài vẫn tôn trọng quyền hành của các thượng phụ và giám mục Đông Phương.

Chính trị

Là một chính khách, ngài cũng đã chứng tỏ bản thân mình với người Lombards và người Franks. Ngài tham gia vào việc cân bằng quyền lực với chính phủ đế quốc ở Constantinople, tin tưởng vào thẩm quyền chính trị của hoàng đế, đồng thời duy trì sức mạnh tinh thần với tư cách là Tông Tòa. Những suy nghĩ này không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng ngài luôn chú trọng nhìn nhận Giáo hội và Chính phủ như là một thể thống nhất.

Công cuộc truyền giáo và việc thành lập các đan viện

Thánh Giáo hoàng Grêgôriô rất chuyên chăm rao giảng Lời Chúa và củng cố đức tin qua lời kinh nguyện. Ngài đã mở rộng số lượng các đan viện và sai các nhà truyền giáo đến những nơi khó khăn ở các quốc gia, đặc biệt là khu vực Quần đảo Anh. Thật vậy, với tư cách là đan sĩ đầu tiên trở thành Giáo hoàng, ngài hoàn toàn tin tưởng những giá trị của hệ thống tu viện trong đời sống Giáo hội.

Khi luật đất đai được thông hành, ngài đã đồng cảm với những người Do Thái. Họ xem ngài là người bảo trợ của họ, bảo vệ luật pháp và công lý cho họ. Chẳng hạn, ngài đã kịch liệt phản đối việc ép buộc rửa tội người Do thái khi họ không đồng ý.

3. Ngày nay, chúng ta có thể học được những gì từ thánh Grêgôriô?

Chắc chắn Thánh Giáo hoàng Grêgôriô I xứng đáng với danh hiệu “Thánh Cả”. Ngài thông thạo trong các vấn đề về tâm linh và vật chất; trong việc giải thích đức Tin; trong việc loan báo Tin mừng và trong các vấn đề chính trị. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi từ những khả năng này của Ngài. Chúng ta cùng xem xét bốn điểm mạnh của Ngài: Giáo hội và Chính phủ, lòng nhiệt thành với các linh hồn, tầm quan trọng trong tư duy của một đan sĩ, và lòng yêu mến truyền thống Giáo hội.

Giáo hội và Chính phủ

Chính phủ không thể tách biệt tuyệt đối với Giáo hội và Giáo hội cũng không tách rời với Chính phủ. Có một sự hỗ tương cần thiết trong mối quan hệ này, nếu cần một ví dụ minh họa thì có thể hiểu nó như một cuộc khiêu vũ. Chính phủ phải được tôn trọng vì có thẩm quyền từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chính phủ không thể ép buộc người ta phạm tội chống lại luật Chúa. Đồng thời, Giáo hội cũng phải nói lên sự thật và khẳng định uy quyền của Chúa Giêsu một cách thận trọng. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để hành động một cách cẩn trọng vì lợi ích con người và sự vinh hiển của Thiên Chúa trong thế giới tục hóa. Nguyện xin Thánh Grêgôriô Cả cầu cho chúng ta.

Lòng nhiệt thành với các linh hồn

Noi gương Thánh Grêgôriô, chúng ta phải hăng say trong việc hoán cải các linh hồn. Chúng ta cầu xin cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta cần mở lòng mình ra, trong sự quảng đại, để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tâm linh cho mọi người xung quanh mình. Nguyện xin Thánh Grêgôriô Cả cầu cho chúng ta.

Tầm quan trọng trong tư duy của một đan sĩ

Thánh Giáo hoàng Grêgôriô là một đan sĩ thực thụ. Trong sáu năm khi sống trong cung điện Byzantine sang trọng, ngài vẫn thực hành đời sống khổ hạnh, tuân giữ các quy tắc trong đời sống đan viện và cầu nguyện hằng ngày. Do đó, chúng ta phải luôn có lòng khao khát mãnh liệt để trở thành một vị thánh, và không khao khát điều gì khác hơn. Trong Giáo hội Tây Phương, chúng ta có các điều răn Hội Thánh và đó là giới luật tối thiểu nhất. Trong Giáo hội Đông Phương thì không có các giới luật như vậy. Mục đích của các điều răn Hội Thánh là để giúp một giáo dân bình thường sống ở mức có thể nhất để trở nên như một đan sĩ. Nhờ đó, đời sống của Giáo hội và lòng nhiệt thành cầu nguyện có thể được yêu thích nơi tâm hồn các tín hữu. Nguyện xin Thánh Grêgôriô Cả cầu cho chúng ta.

Lòng yêu mến truyền thống Giáo hội

Cuối cùng, Thánh Grêgôriô Cả có một tình yêu vĩ đại với truyền thống Giáo hội. Niềm say mê Kinh thánh vẫn luôn hiện diện trong lời Giáo Huấn của ngài. Lòng sùng kính với Phụng vụ thánh của ngài vẫn được đánh giá cao sau 1400 năm. Nghi lễ Latinh phần lớn không thay đổi về các yếu tố cấu thành kể từ thời của ngài. Xin Chúa cho chúng ta có lòng sùng mộ và yêu mến truyền thống Giáo hội. Nguyện xin Thánh Grêgôriô Cả cầu cho chúng ta.

 

WHĐ (8.10.2020)