HỌC BIẾT “CHỜ ĐỢI” ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

 

Năm Phụng mới đã bắt đầu – Mùa vọng lại về! Thời gian Phụng vụ mùa vọng trở trở lại nhắc nhở chúng ta về kỷ niệm ngày con Chúa Giáng trần.

  Mùa này còn là thời gian người người chuẩn bị mọi thứ cho một lễ hội mang tính :xã giao, mua sắm, nghỉ ngơi…

   Phụng vụ Mùa Vọng còn nhắc nhớ người Kitô hữu đợi chờ Chúa đến trong cuộc đời mỗi người,suốt thời gian này chúng ta sẽ được nhắc đi nhắc lại giai điệu: Mùa vọng là thời gian chờ đợi.

Sự “chờ đợi” chưa bao giờ là dễ chịu dù là thời gian chờ đợi của một người đang yêu hay chờ đợi để đạt được đích điểm, thỏa mãn một khát vọng trong cuộc sống.

  Sự chờ đợi luôn đi kèm với một chút âu lo, hy vọng dẫu là nhỏ nhoi…ai trong chúng ta cũng đã từng kinh qua những đợi chờ.Chờ kết quả kỳ thi vào đại học, mong kết quả của đợt tuyển chọn của một chương trình danh tiếng để được học bổng giá trị tiền triệu, để có một việc làm cân xứng, chờ đợi kết quả xét nghiệm về tình trạng báo động của sức khỏe…và có cả những lần chờ đợi khi bị kẹt xe phải nhích từng centimet trong khi tham gia giao thông nơi các thành phố lớn, phải chờ đèn đỏ để không xảy ra điều đáng tiếc khi đi đường…

 Trong thời kỷ thuật số, nhiều người quan niệm cần phải “ sống vội, yêu cuồng”; Sự chờ đợicó bị coi là lãng phí không?

  Có nên chăng phải biết học “chờ đợi” để được hạnh phúc?

  Nó trộm nghĩ, cần lắm nên học biết “chờ đợi” để có cuộc sống bình an.

  Vì, sự thật cho thấy,

  Cuộc sống không bao giờ thiếu những thử thách cho dù ai đó “ yêu cuồng, sống vội”,hối hả tất bật để kéo dài cuộc vui, hối hả làm cho xong việc này, hoàn thành công trình kia… Để tồn tại, điều tất yếu chúng ta phải nỗ lực để vượt qua những thử thách,khó khăn – nhưng cũng đừng vì đó mà quên đi việc tận hưởng niềm vui, hạnh phúc vẫn luôn có trong đời.

  Gương sống mùa trông đợi mà Ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét chia sẻ với chúng ta khi Sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.” (Lc 1,13).Hai ông bà được loan báo sẽ được Thiên Chúa đoái thương và cho có một người con trai. Họ chưa hề có kinh nghiệm chờ đợi như thế, vì họ đã đến tuổi “ già nua- da mồi ,tóc bạc”.Lời hứa của Thiên Chúa vượt quá trí hiểu của hai ông bà,nhưng họ vẫn mong chờ ngày đó sẽ xảy đến, bởi các ngài biết rằng Thiên Chúa đã từng đòi hỏi dân Chúa chờ đợi như thế. Ông Nô-ê chờ đợi 40 ngày trong cơn hồng thuỷ, dân Ít-ra-en phải chờ đợi 40 năm trong hoang địa, v.v… Kinh nghiệm chờ đợi trong lịch sử dân Chúa, dạy cho những người theo Chúa, những ai yêu mến thánh danh Người luôn nhận ra điều này: Thiên Chúa có kế hoạch, dự án của Ngài trên tất cả mọi người. “Vì chính Ta biết kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11).

  Và,thời điểm Thiên Chúa thực hiện lời hứa không do chúng ta quyết định, nhưng chắc chắc Thiên Chúa sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa. Ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét chờ mong ngày vui đến trong niềm hy vọng.Ông bà đã biết chờ đợi trong sự gắn kết mật thiết với Thiên Chúa,với nhau và biết san sẻ với xóm ghiềng chung quanh bằng cung cách sống của người công chính.

   Niềm vui trong sự chờ đợi của Ông bà Da-ca-ri-a cho Nó nhiều bài học quý giá đan xen với những câu nói hay của Đức thánh Cha Phanxicô bàng bạc trong các bài giảng, trong các huấn dụ dành cho khách hành hương đến Roma và toàn thế giới. Học biết chờ đợi để có cuộc sống hạnh phúc,thứ hạnh phúc không chỉ dừng lại ở cuộc sống hiện tại mà còn để chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài trong cõi đời đời. Sống công chính là phong cách chờ đợi mà Mùa Vọng mời gọi  :

   Học chờ đợi là biết quan tâm đến nhau bằng tình yêu, quan tâm đến những sự kiện xảy ra chung quanh với thái độ sẵn sàng phục vụ.Các bạn hãy mở lòng và rộng lượng với những người xung quanh. Nếu chỉ biết nghĩ đến mình, các bạn sẽ trở thành những kẻ ích kỷ. Những giọt nước đọng chỉ gây ra sự mục nát.” “Giống như Thánh I-Nhã đã nói ‘tình yêu phải ở trong hành động nhiều hơn là trong lời nói’. Như thế tình yêu cho thấy tất cả sự phong phú của nó và cho chúng ta trải nghiệm được hạnh phúc là khi cho. Cao thượng là cho nhưng không, trọn vẹn, không cân đo, để có được niềm vui tinh tuyền khi cho và khi phục vụ.”( ĐGH Phanxicô)

  Học chờ đợi là biết tôn trọng nhau,tôn trọng phảm giá của mỗi người và ra sức bảo vệ thiên nhiên và môi trường mình đang sống. Đức Phanxicô nói với chúng ta: “Trong tình yêu, không thể nào nghĩ mình khổ khi thấy người khác được tốt (x. Cv 7: 9; 17: 5). Ham muốn là nỗi buồn vì người khác được tốt, chứng tỏ mình không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, vì mình chỉ nghĩ đến lợi ích của mình.”“Tình yêu đích thực là mừng với thành công của người khác, không cảm thấy như mình bị đe dọa, tình yêu giải thoát khỏi sự cay đắng vì ham muốn. Tình yêu chấp nhận mỗi người có ơn khác nhau và con đường khác nhau trong cuộc sống.” và  “Lấy ví dụ thế này: Bạn muốn sử dụng một biện pháp khai thác mới, thứ mang lại kết quả tốt hơn những cách thức cũ, nhưng nó lại làm ô nhiễm nguồn nước. Bạn nghĩ điều đó không quan trọng… Thế rồi bạn làm ô nhiễm thiên nhiên. Tôi nghĩ có một vấn đề mà chúng ta phải đối mặt: nhân loại có phải đang tự kết liễu chính mình thông qua việc sử dụng bừa bãi và đối xử tàn tệ với tự nhiên?”

  Học chờ đợi là biết hy sinh trong yêu thương: “Bêu xấu sau lưng người khác nghĩa là chúng ta đang chú ý tới những thứ tiêu cực, thứ cho thấy lòng tự trọng thấp kém của chúng ta. Điều này có nghĩa: “Tôi cảm thấy mình thật thấp kém, khi thay vì nỗ lực để đẩy bản thân lên cao, tôi lại cố gắng dìm người khác xuống”.“Hãy duy trì một thói quen có lợi hơn, đó là rộng lượng và đối xử với người khác theo cái cách bạn muốn được đối xử.”( ĐGH Phanxicô).

  Học biết chờ đợi còn là  tỉnh thức và sẵn sàng với đèn sáng trong tay “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng về tâm linh để gặp Chúa Kitô khi Người lại đến; dụ ngôn các nén bạc nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta là phải biết dùng các tài năng Chúa ban một cách khôn ngoan, khiến cho chúng sinh hoa kết quả.”.“Khi Thiên Chúa hiện diện, tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của sự bình an, ngọt ngào, dịu dàng, can đảm, thanh thản và niềm vui, là tất cả hoa quả của Chúa Thánh Thần2.

  Học biết và thực hành những chờ đợi trong Mùa Vọng còn là lúc làm thỏa mãn niềm khát mong Chúa đến với mỗi người.

 Suy gẫm về những lời dạy của Đức thánh Cha đan xen trong tâm tình sống Mùa Vọng; Anh -Chị -Em,  bạn, tôi chúng ta có minh chứng niềm khao khát chờ đợi Chúa đến qua đời sống tâm linh sâu sắc, mạnh mẽ thể hiện bằng việc bái ái cụ thể mà đời sống nhân bản thường xuyên mời gọi phải thực thi hằng ngày?

  Sống tâm tình chờ đợi Chúa đến sẽ làm nên đời sống của người mang danh Kitô hữu,biết dùng các tài năng Chúa ban một cách khôn ngoan sẽ tạo nên phẩm chất của  một con tim đầy tinh thần chờ đợi Chúa đến với mình bất cứ lúc nào. 

  Vậy, để đạt đến đích điểm của hạnh phúc thật trong khi chờ Chúa đến, chúng ta cùng học cách sống “chờ đợi” ngay trong hôm nay, trong lúc này và mọi ngày trong đời sống.Học biết chờ đợi để thực hiện đế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mỗi người,có như thế chúng ta sẽ không lo lắng hay đáng sợ, việc sống chờ đợi với thái độ của người công chính sẽ mang lại cho mỗi người niềm hạnh phúc thật.

   Sự chờ đợi để thực thi ý Chúa sẽ không hề lãng phí bao giờ, dù chỉ là việc chờ đợi nhỏ nhoi ngắn ngủi của thời gian vài mươi giây như khi chờ đèn đỏ trong việc lưu thông, di chuyển nơi cuộc sống đời thường.  Amen