Hợp pháp hóa trợ tử sẽ làm gia tăng các vụ tự tử

Hợp pháp hóa trợ tử sẽ làm gia tăng các vụ tự tử

 John Burger
Trần Tiến chuyển ngữ từ Aleteia

WGPSG (7.7.2020) Một số chuyên gia nói về hiệu ứng lây lan, trong khi các học viện và cơ sở y tế lại bỏ qua mối liên hệ đó. 

Khi nói đến tự tử, phải chăng các nền dân chủ phương tây hiện đại đã mang lấy điều mâu thuẫn? Một mặt, chúng ta cảm thấy ân hận vì tỉ lệ tự tử đã gia tăng trong những năm gần đây. Mặt khác, ngày càng có nhiều tầng lớp xã hội chấp nhận cho tự tử trong một lãnh vực đặc biệt của cuộc sống. Trong một bài báo gần đây đăng trên National Review Online, Wesley J. Smith đã đưa điều mâu thuẫn này ra để thách đố các nhà khoa học và giới y học. 

Smith viết: “Hầu như chưa hề giảm bớt. Một bài báo trong tạp chí y học và đạo đức sinh học đã than khóc về cơn khủng hoảng tự tử và mạnh mẽ hối thúc hãy nỗ lực phòng ngừa điều này nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tác giả lại chưa hề đề cập đến một vấn đề rất lớn, đó là tác động của việc cổ xúy khắp nơi cho việc tự tử, từ các nhà hoạt động cổ võ ‘cái chết đúng phẩm giá’, được giới truyền thông quảng bá, trở thành nét văn hóa phổ thông, ngày càng được các chính trị gia ủng hộ.” 

Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là Joshua A Gordon – giám đốc viện sức khỏe tâm thần quốc gia (NIMH) – trong một bài báo đăng trên tạp chí ‘Tâm Thần Học JSMA’ của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ, – đã nói đến việc giảm bớt tỷ lệ tự tử trên nước Mỹ. Nhưng Smith than phiền rằng: Bài báo này lại không một lần đề cập đến việc trợ tử như là tác nhân góp phần vào việc làm gia tăng nạn tự tử. 

Smith nhận xét: Quả thế! ‘Giả vờ như cái chết trợ tử không phải là tự tử’ – như hầu hết các luật pháp muốn thế – thì cũng sẽ không làm mất bản chất tự tử của việc trợ tử, mà chỉ để tìm cách che giấu cơn khủng hoảng của chúng ta. 

Thông qua phát ngôn viên của NIMH, Gordon đã từ chối bình luận những nhận xét của Smith. 

Nhưng đã có nghiên cứu nào đề cập đến mối tương quan giữa trợ tử và tự tử chưa? Liệu cái trước có ảnh hưởng đến cái sau? 

Alex Schadenberg – giám đốc điều hành Liên Minh Phòng Chống An Tử – đã nói: “Hôm nay, tôi nói chuyện với một phụ nữ muốn tự tử” khi tiếp xúc với cô vào đầu tháng này. “Cô ấy đau ốm, chán nản, cô đơn và nói rằng không thể tiếp tục sống nữa. Cô ấy muốn tự sát, nhưng cô ấy không đủ can đảm tự mình giết mình, vì vậy cô ấy nộp đơn xin trợ tử. Đấy, bạn có thấy được mối liên hệ giữa tự tử và trợ tử không?” 

Schadenbeg và những người khác đã đưa ra một bài báo năm 2015 trên tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa Phía Nam, trong đó các tác giả David Albert Jones và David Paton than thở rằng: “Một chính sách – ít bị chú ý cách lạ lùng – chính là chính sách tác động để thay đổi luật tự tử”. 

Jones và Paton tiếp tục trình bày cách họ nhận ra rằng việc hợp pháp hóa trợ tử ở Hoa Kỳ có liên quan đến sự gia tăng 6,3% các vụ tự tử, bao gồm cả trợ tử. 

Tác giả viết: “Hợp pháp hóa việc trợ tử đã góp phần gia tăng tỉ lệ của tất cả các dạng loại tự tử, và không làm giảm số ca tự tử bình thường. Điều này cho thấy trợ tử không ngăn chặn (cũng không thay thế) tự tử, và cũng cho thấy rằng nó trợ tử người này nhưng lại góp phần gia tăng khuynh hướng tự tử nơi người khác.” 

Họ cũng nhận ra rằng: các tiểu bang hợp pháp hóa việc trợ tử có tỉ lệ tự tử cao hơn; tỉ lệ đó thấp hơn ở những nơi gắn bó với tôn giáo; và tỉ lệ đó thấp hơn nơi người da đen và người Mễ. 

Aaron Kheriaty – tác giả cuốn Hướng dẫn của Công Giáo về Trầm Cảm – đã nhận xét về phát hiện của Jone và Paton như sau: “Những kết quả nghiên cứu này rất quan trọng, tuy dù chúng không làm ngạc nhiên những người đã quen với loại văn chương đề cập đến việc tự tử lây lan trong xã hội… Trợ tử không giúp cho người ta bớt tự tử được. Hiện tượng lây lan trong xã hội đã cho thấy các phát hiện của Jones và Paton là đúng đắn.” 

Kheriaty, giảng viên khoa tâm thần học ở đại học y khoa Irvine California, cũng đã viết về vấn đề này trong tạp chí Y khoa phía Nam rằng, hiện tượng tự tử lây lan đã được biết đến ít nhất là từ thế kỷ 18, lúc ấy có một phong trào tự tử ở Đức sau khi Geothe xuất bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Nỗi đau của chàng Werther”. Nhân vật chính đã tự kết liễu đời mình sau khi tình yêu không được đáp lại. 

Chúng ta có thể đoán định được rằng, việc giới truyền thông chú ý đến các trường hợp trợ tử – chẳng hạn như trường hợp của Brittany Maynard, người gốc California, 29 tuổi, đã chuyển đến Oregon vào tháng 11.2014, để tiếp cận hình thức trợ tử của bang đó – đã khuyến khích những cá nhân bị tổn thương bắt chước hành vi này. Kheriaty viết, “Do ảnh hưởng của nhân vật Werther khá mạnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật – hợp tác với Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới cùng Khoa Giải phẫu tổng quát – đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn báo chí, nghiêm ngặt quy định về việc tường thuật những tin tức tự tử, nhằm giảm thiểu tác động của việc tự tử.” 

Tuy nhiên, trong trường hợp Maynard, những hướng dẫn đó hầu như bị bỏ qua, Kheriaty đã lên án như thế. Đau khổ vì một khối u não không thể chữa được, quyết định của Maynard đã được giới truyền thông “thường xuyên trình bày như một hành vi anh hùng gây cảm hứng.” 

Nhưng nếu hiệu ứng Werther có thể dẫn đến nhiều vụ tự tử, thì hiệu ứng Papageno lại tác động ít hơn. Kheriaty giải thích, chính là vì khi bị cám dỗ tự tử, những cá nhân đó đã đổi ý để chọn tiếp tục sống. Điều này lại cũng giống như một nhân vật thất tình trong vở kịch ‘Cây sáo thần’ của Mozart, đã lên kế hoạch tự tử rồi, nhưng được ba trẻ em ngăn lại khi nhắc nhớ người này về những điều hạnh phúc hơn. 

Một ví dụ có thực về điều này, đã xảy ra năm 2015, khi Valentina Maureira, đứa trẻ 14 tuổi ở Chile, bị xơ nang. Lấy cảm hứng từ trường hợp của Maynard, Valentina đã làm một video youtube gửi đến chính phủ Chile, xin được trợ tử. 

“Tuy nhiên, sau đó cô bé đã thay đổi suy nghĩ, sau khi gặp một người trẻ khác – cũng bị xơ nang – truyền cho cô bé niềm hi vọng và khuyến khích cô bé kiên trì.” 

Cũng buồn thương cho Valentina đã chết vào tháng 5.2015, nhưng là chết cách tự nhiên.

 

Nguồn: WGPSG