Kinh nghiệm của người đồng hành với các công nhân khác tôn giáo

KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC CÔNG NHÂN KHÁC TÔN GIÁO

Nữ tu Têrêsa Kim Uyên, fma

WHĐ (18.9.2020) – Lời của bài hát trong một bài giáo lý dành cho các em thiếu nhi (không rõ tác giả) vẫn còn vang vọng trong tôi những âm thanh ngọt ngào của tình bác ái: “Bác ái là yêu người, không phân biệt một ai, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo hay khác chí hướng. Bác ái là yêu người, yêu tất cả mọi người. Yêu trong tình yêu Chúa, sẵn sàng vì Chúa hy sinh”. Bài hát này đã trở thành như một tia sáng phản chiếu nét đẹp và thanh cao của Tin Mừng Chúa Giêsu. Vâng, chính Chúa Giêsu đã sống và đã dạy chúng ta điều răn yêu thương như là cốt lõi của đạo làm con Chúa. Người yêu thương tất cả mọi người không phân biệt màu da, giai cấp, văn hóa và tôn giáo. Tình yêu ấy không bao giờ có giới hạn và Người cũng muốn tôi nên dấu chỉ của tình yêu ấy cho mọi người mà tôi gặp gỡ: “Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35). Ý thức này đã thôi thúc tôi mở ra cho các biên cương rộng lớn hơn và mới mẻ hơn: những người nghèo khổ, những người bất hạnh, và đặc biệt là những người không cùng niềm tin tôn giáo. Mở ra để đến gần, mở ra để lắng nghe, mở ra để tiếp nhận, mở ra để chia sẻ, mở ra để thấu hiểu, để yêu thương và tôn trọng tất cả mọi người. Đó là điều kiện tiên quyết để có những tương quan có phẩm chất. Làm thế nào để sự rộng mở của chúng ta đem lại sự phong phú cho đời sống, nhưng đồng thời vẫn làm sáng lên căn tính kitô hữu của mình?

Tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội để sống trong một địa phương đa văn hóa, đa tôn giáo và được đồng hành với các chị em công nhân thuộc các tôn giáo khác nhau. Tôi đã có được những trải nghiệm rất đẹp và ý nghĩa cho chính ơn gọi và sứ mệnh của tôi.

Kinh nghiệm được đồng hành

Trước hết, tôi ý thức mình được Chúa luôn đồng hành và mời gọi nên chứng nhân của tình yêu thương xót của Người. Tôi tự nhủ mình thật yếu đuối và mỏng manh, đầy giới hạn và chẳng thể làm gì được nếu không có ơn Chúa. Giờ đây, đứng trước những người trẻ không cùng niềm tin tôn giáo, tôi lại càng cảm thấy mình cần sống với Chúa cách thâm sâu hơn để mang lấy tâm tư của Chúa, lối cư xử của Chúa và tình yêu vô hạn của Người dành cho tất cả mọi người. Sống với Chúa không cho phép tôi sống khép kín, dửng dưng trước những nỗi mong chờ sâu xa của anh em đồng loại. Sống với Chúa, trong Chúa và vì Chúa không gì khác hơn là làm cho con tim của mình nên tươi mới bằng tình yêu của Người. Điều này thôi thúc tôi tín thác hơn vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Vâng, Người phải được lớn lên còn tôi phải nhỏ lại. Chúa phải là trọng tâm, là ánh sáng và là sức mạnh cho đời sống của tôi. Chỉ bằng cách này tôi mới thực sự là môn đệ của Chúa.

Tâm tình thứ hai của tôi là làm thế nào để tôi có thể sống lời mời gọi trở nên men muối và là ánh sáng cho trần gian? Điều này đồng nghĩa với nỗ lực làm cho sự hiện diện của mình trở nên chất xúc tác cho sự biến đổi, cho sự tăng triển và góp phần làm cho thế giới này thêm đẹp, thêm sáng, thêm ấm áp và tràn đầy niềm vui. Tôi ý thức rằng đây chính là nỗ lực để làm cho ánh sáng và tình yêu của Chúa – Đấng ở trong tôi được bừng sáng lên hầu qua sự hiện diện của tôi, những người xung quanh tôi, đặc biệt là các anh chị em khác tín ngưỡng với tôi có thể nhận ra dung mạo của Chúa tình thương. Những anh chị em khác tôn giáo với tôi cũng phải được yêu thương, trân trọng, được lắng nghe, được cảm thông và nhận được sự chia sẻ huynh đệ của tôi. Đó là cách tôi sống niềm tin của mình và loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người, vì yêu thương không có chỗ cho sự kỳ thị, sự phân biệt và sự tranh chấp. Yêu thương làm cho cuộc sống vốn đầy phức tạp trở nên đơn sơ, giản dị hơn và sự chân thành phải thay thế cho sự khách sáo, xa lạ và sự dửng dưng.

Những trải nghiệm của sự đồng hành hỗ tương

Với sự đơn sơ và chân thành, tôi bắt đầu tiếp cận với các chị em công nhân không cùng niềm tin tôn giáo. Tôi nhận ra rằng, ban đầu họ vẫn “sợ tôi” do vậy họ vẫn giữ một khoảng cách nhất định dù tôi đầy thiện chí để đi bước trước.

Những suy nghĩ và cảm nhận của các bạn trẻ ấy có một điểm chung: Họ xuất phát từ một tâm thế “phòng thủ”. Lẽ dĩ nhiên là giữa những bạn trẻ lương và giáo có một sự phân tách “rạch ròi” về ranh giới, về không gian và về tâm tư tình cảm. Sự phân tách lương giáo làm cho bầu khí của nhóm công nhân trở nên nặng nề, mệt mỏi, ngột ngạt, nhưng không bạn trẻ nào dám đi bước trước vì chưa đủ niềm tin tưởng lẫn nhau.

Thái độ của các bạn trẻ đó và những căng thẳng trong nhóm công nhân khác tôn giáo ấy luôn chất vấn và thôi thúc tôi hành động. Làm thế nào sự hòa đồng giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau không còn là một ý tưởng suông nhưng trở thành thực tế của cuộc sống? Làm thế nào để cùng giúp nhau phá bỏ những bức tường ngăn cách và làm cho những cuộc gặp gỡ trở nên có sức biến đổi: biến đổi chính tôi, biến đổi con người và môi trường sống xung quanh tôi? Vâng, tôi cứ mãi trăn trở bởi những suy nghĩ này.

Chính trong những khoảnh khắc ấy câu Lời Chúa: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12) giúp tôi nhận ra rằng Chúa đang đồng hành với tôi qua Lời của Ngài. Lời của Chúa phải là kim chỉ nam cho những chọn lựa và hành động của tôi. Tôi cũng ý thức rằng trong hành trình này, tôi không bước đi một mình, nhưng có Chúa và các anh chị em của tôi cùng song hành với tôi. Đứng trước nỗi mong chờ sâu xa của những chị em công nhân đa tôn giáo này, tôi và các chị em trong cộng đoàn thấy cần phải bắt đầu từ những điều rất đơn sơ, nhỏ bé của đời sống thường ngày. Chúng tôi chú tâm hơn đến các chị em công nhân khác tôn giáo, quan tâm thăm hỏi họ và những người thân của họ, lắng nghe những tâm tư và thao thức của họ, yêu mến họ với con tim chân thành. Dần dần những niềm vui và nỗi buồn của họ và của gia đình họ cũng trở thành niềm vui và nỗi buồn của chúng tôi. Đáp lại nỗ lực của chúng tôi, những chị em công nhân khác tôn giáo cũng đã từng bước tham dự và chia sẻ những thao thức và những đề xuất của chúng tôi. Chúng tôi đã thực sự làm kinh nghiệm “vết dầu loang” của một tình yêu lan tỏa, có sức làm tươi mới những cuộc gặp gỡ và làm cho những cuộc gặp gỡ trở nên có phẩm chất và sâu xa hơn – những cuộc gặp gỡ có sức biến đổi con tim của từng người.

Những trải nghiệm này dần dần làm cho con tim của tất cả chúng tôi rộng mở hơn, cảm thông hơn, thấu hiểu hơn, mềm mại hơn, nồng ấm hơn. Sức sống của con tim tự do bắt đầu chắp cánh cho những ước mơ lớn lao hơn.

Chúng tôi bắt đầu nhận thấy cần giúp các chị em công nhân này nhận ra ước muốn sâu thẳm chất chứa trong trái tim của từng người: muốn mình được yêu và được tin tưởng. Đồng thời, chúng tôi cảm thấy cần giúp cho mỗi người nhận ra nguyên nhân của những sự căng thẳng và đặt tên cho những cảm xúc ấy. Đó là một sự căng thẳng không đáng có và không thể tồn tại lâu hơn vì ai cũng mong muốn bình an và hạnh phúc. Bình an và hạnh phúc phải khởi đi từ chính mình. Hãy dám tin rằng người bên cạnh bạn cũng đang tìm kiếm chính những điều bạn đang tìm kiếm. Vậy tại sao chúng ta lại không dám tin vào thiện chí của nhau, không dám mở ra để đi bước trước, không dám nói không cho những suy nghĩ tiêu cực?

Phải chăng niềm tin tôn giáo là một ngăn cách? – Không. Sự xa cách giữa người với người luôn luôn phát xuất từ sự khép kín, từ những thành kiến và sự dửng dưng. Trái lại tình yêu thương luôn là “chiếc cầu nối kỳ diệu” giữa con tim và con tim. Một con tim biết yêu thương là con tim lành mạnh, con tim tràn đầy sức sống, con tim tự do, con tim có khả năng vượt qua tất cả mọi rào cản của sự khác biệt để xây dựng tình huynh đệ. Như vậy, sự khác biệt về niềm tin tôn giáo không thể là một cản trở cho sự rộng mở, chia sẻ và kết nối yêu thương đối với những người có thành tâm thiện chí.

Mỗi người cần đi bước trước, cần mạnh dạn ra khỏi thế giới riêng của mình để tiến một bước đến gần các anh chị em khác, nhất là những người khác niềm tin với mình để hiểu họ hơn, để trân trọng và đón nhận những điều tốt đẹp từ nơi họ.

Để hỗ trợ cho cuộc “vượt qua” chính mình, tôi xin các chị em công nhân tách ra khỏi nhóm “thân thương” của mình để đến gần và làm việc chung với những người khác tôn giáo với mình. Hơn nữa, cho các chị em công nhân này nghe những bài chia sẻ về những chân lý nền tảng, về sự khôn ngoan của cuộc sống, về những nét đẹp văn hóa, tôn giáo của các tôn giáo khác nhau được các vị thánh hiền suy gẫm và thực hành trong đời sống. Đan xen với những suy tư ấy là những bài chia sẻ về đạo làm người trong gia đình, trong khu xóm và môi trường làm việc. Tôi và các nữ tu của cộng đoàn cũng tạo cho các công nhân này sân chơi lành mạnh, mời gọi và thúc đẩy họ xích lại gần nhau, nói với nhau, cười với nhau, lắng nghe nhau, sinh hoạt chung với nhau và cùng chơi với nhau những trò chơi dễ thương để gây tình đoàn kết. Thỉnh thoảng, cùng với các Sơ trong cộng đoàn, chúng tôi tổ chức cho các chị em công nhân này những buổi cắm trại nho nhỏ, hoặc các buổi Picnic cùng với nhau. Cứ thế, từng ngày, từng tháng những cuộc gặp gỡ ban đầu đầy ngượng ngùng, ngày càng trở nên tự nhiên hơn, những ánh mắt thân thiện hơn thay thế cho những ánh mắt còn hoài nghi, những khoảng cách dần được xóa bỏ, bầu khí vui tươi và sảng khoái thế chỗ cho những căng thẳng và lo âu. Ngoài những chia sẻ và đồng hành chung với nhóm, tôi còn quan tâm cách riêng đến các bạn trẻ cần thiết hơn: những bạn nhút nhát hơn, khép kín hơn hoặc cá tính hơn.

Cùng nhau xây dựng nền văn minh của tình thương

Khi đã bắc được một nhịp cầu “tâm giao”, chúng tôi bắt đầu đề xuất cho các bạn trẻ những mục tiêu lớn hơn để cùng nhau vươn tới: thăm viếng gia đình của nhau, quan tâm đến những người nghèo khổ hơn không phân biệt lương giáo. Các bạn trẻ cùng chung tay góp sức để dành dụm, để có thể cùng nhau làm những nghĩa cử đẹp với những con người đau khổ, bị bỏ rơi, bị quên lãng. Những việc làm này tuy nhỏ bé nhưng đã khơi lên trong lòng các bạn trẻ một sự nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân, sự cảm thông, liên đới và nhất là cảm nếm được niềm vui thâm sâu khi biết trao ban niềm vui cho anh chị em đồng loại.

Sự giao thoa giữa những lối suy nghĩ, những cách nhìn thực tại và những thái độ khác nhau ấy dần dần trở nên một thực tại rất phong phú và rất riêng mà chưa ai trong chúng tôi đã từng trải nghiệm trước đó. Từng chút tin tưởng, từng chút yêu thương, từng chút quan tâm và từng chút lạc quan được mỗi người gom góp lại đã tạo nên một bức tranh tuyệt vời diễn tả vẻ đẹp và sự nồng ấm của tình huynh đệ giữa những khác biệt.

Khi đã có sự tin tưởng và nỗi nhung nhớ những cuộc gặp gỡ đầy tình huynh đệ, các chị em công nhân hân hoan chia sẻ chính những trải nghiệm và sự trưởng thành của họ khi đối diện với thực tại đa văn hóa và đa tôn giáo này. Đa số các chị em công nhân này chia sẻ: Sơ biết không khi mới đến đây, em nghĩ rằng các Sơ sẽ chỉ quan tâm đến các công nhân công giáo, mà coi chúng em như những người xa lạ. Các bạn bên công giáo chắc là chảnh lắm! Các chị em công nhân Công giáo cũng có cùng suy nghĩ: các bạn khác tôn giáo chắc là khó hiểu lắm và các bạn ấy quá khác mình. Nỗi sợ hãi “sự khác biệt” ấy khiến chúng em mang tâm thế “phòng thủ” trước sự hiện diện của Sơ và của các bạn.

Qua nhiều bước nhỏ khác nhau, dần dần tất cả họ đều nhận thấy rằng phải khởi đi từ chính mình để ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực về những người khác, cách riêng là về những chị em khác niềm tin tôn giáo với mình. Đó chính là chìa khóa của niềm vui và của sự phong phú rất đặc biệt mà họ có thể trao ban và đón nhận một cách hỗ tương và đó chính là cơ sở vững chắc để xây dựng nền văn minh của tình thương.

Tạm kết

Kinh nghiệm được đồng hành và đồng hành hỗ tương đã làm cho chính tôi được đón nhận rất nhiều sự phong phú. Tôi xác tín rằng “giáo dục là việc của con tim” như lời Cha Thánh Gioan Bosco đã quả quyết. Khi con tim của ta càng đơn sơ và chân thành thì càng tìm được bí quyết để làm cho các con tim được rộng mở ra cho tình huynh đệ và liên đới đại đồng.

Với những gì tôi đã được trải nghiệm, tôi càng xác tín hơn rằng đứng trước những sự khác biệt, một cách rất tự nhiên, ai cũng cảm thấy một chút “sợ” nào đó. Sự “sợ hãi” luôn là rào cản cho một đời sống phong phú và tươi đẹp. Trái lại, mở ra cho sự khác biệt, nhất là khác biệt về niềm tin tôn giáo luôn là một thách đố, nhưng lại là chìa khóa mở ra cho một thế giới tươi đẹp hơn, nhân bản hơn và tràn đầy sức sống hơn. Chỉ cần nỗ lực từng chút, từng ngày một để vượt thắng chính mình, nhất là để sống cách sâu xa niềm tin Kitô giáo của mình và tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác, tất cả chúng ta, đều có thể góp phần của mình kiến tạo một nền văn minh của tình thương.

 

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 115 (Tháng 11 & 12 năm 2019)