Lời nói – sự lựa chọn

Một đôi môi chúm chím, một ánh mắt lấp lánh, một nụ cười rạng rỡ có thể là vì vừa được nghe một lời khen ngợi, một lời hỏi thăm chân thành. Một đôi mắt đẫm lệ, một khuôn mặt chán nản thiếu sức sống có thể là vì vừa nghe được một lời nhận xét vô tâm, một lời xét đoán hữu ý… Lời nói có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc nhưng lời nói cũng có thể mang đến buồn đau. Bạn muốn gieo niềm vui hay gieo nỗi buồn là sự lựa chọn của bạn. Điều quan trọng đó là bạn gặt hái được gì sau tất cả những điều bạn đã nói ra.

Bạn có thể nhìn vào sự lựa chọn của Giuse khi ông tha thứ cho tất cả những lỗi lầm của anh em mình trong trình thuật sách Sáng Thế. Thử hỏi, một đứa em bé nhỏ bị các anh lập mưu hãm hại bán sang Ai Cập, suýt chút nữa đã chẳng còn mạng thì tổn thương và đau đớn đến mức nào. Nỗi đau ấy khó mà xóa nhòa được trong tâm hồn Giuse. Nhưng ông Giuse đã chẳng nói lời oán giận hay lật tẩy những lời nói dối của các anh mà ông đã khóc, khóc lớn tiếng. Dường như sự tha thứ và hành động của ông đã nói lên tất cả những lời ông muốn nói. Sức mạnh của lòng bao dung và tha thứ còn hơn cả lời nói trong lúc ấy. Còn bạn, trước một lỗi lầm của anh chị em, bạn chọn cách ứng xử nào? Im lặng tha thứ hay lên tiếng vạch tội?

Bạn cũng có thể nhìn vào cách ứng xử của chính Chúa Giê-su trước đám đông dân chúng đang hăng sức, đang nhốn nháo kêu la muốn kết tội người đàn bà ngoại tình đáng thương (Ga 8, 2-11). Ngài đã chẳng hùa theo đám đông nhưng Ngài cũng chẳng phản đối. Ngài không dùng lời nói hay dùng uy quyền mà ngăn cản dân chúng, Ngài cũng chẳng dùng lời nói kết án người phụ nữ. Chúa Giê-su chọn sự im lặng. Ngài muốn dùng sự im lặng để đám đông nhìn vào chính mình chứ đừng chỉ nhìn thấy tội lỗi người khác. Ngài dùng sự im lặng để người phụ nữ cảm thấy mình được xót thương, được thứ tha và được trở về. Còn bạn, trước một lỗi lầm của anh chị em, bạn chọn cách ứng xử nào? Im lặng tha thứ hay lên tiếng kết án? Đây cũng là một lựa chọn của chính bạn.

Thánh Phaolo cũng đã từng dạy rằng: “Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người.” (Cl 4, 6). Lời giáo huán này không chỉ dành riêng cho các tín hữu Cô-lô-xê nhưng là còn dành cho từng người Ki-tô hữu chúng ta. Lời nói mặn mà dễ thương không chỉ tạo sự yêu mến, vui vẻ trong cuộc giao tiếp nhưng còn tạo nên một ấn tượng cũng như gầy dựng nên một mối tương quan bền vững và lâu dài. Đối với mỗi người, mỗi cá tính khác nhau ta cần biết điều chỉnh, chọn lựa lời nói khác nhau. Đây là một sự lựa chọn của bạn! Lời nói mặn mà dễ thương thôi cũng chưa đủ nếu như bạn thiếu đi sự chân thành và lòng mến. Vì Thánh Phaolo cũng đã nhắc đến điều này: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.” (1Cr 13,1). Thế nên, nếu bạn “mặn mà, dễ thương” mà không có đức mến thì lời nói của bạn cũng thật không khác gì “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” mà thôi.

Bây giờ, bạn hãy nhìn vào chính mình. Bạn nhìn thấy gì trong trái tim bạn? Thiên Chúa đã dựng nên bạn với một trái tim biết yêu thương hay một trái tim chai đá, chỉ biết đòi sự công bằng, quy tắc? “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Thật vậy, Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã dành tình yêu của Ngài cho hết thảy chúng ta. Chỉ cần bạn có tình yêu trong trái tim, mọi lời nói của bạn cũng chan chứa tình yêu. Hãy yêu đi rồi bạn sẽ lan tỏa tình yêu của bạn đến với mọi người. Hãy yêu như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương nên Ngài thinh lặng. Ngài yêu thương nên Ngài chờ đợi. Ngài chờ đợi tình yêu và sự đáp trả của chúng ta. Ngài chờ đợi những lời nói yêu thương xuất phát tự trái tim luôn quy hướng về Thiên Chúa của chúng ta. Ngài chờ đợi con người – bạn và tôi – yêu thương và hiệp nhất!

          Thiên Chúa đang chờ đợi bạn và tôi. Vậy bạn và tôi sẽ đáp lại Thiên Chúa như thế nào? Đây cũng là một sự lựa chọn của chính mỗi người chúng ta!

_Ngọc Sáng­_