MỘT CHIA SẺ VỀ HUẤN LUYỆN TU SĨ TRẺ VIỆT NAM

1. Người tu sĩ trẻ Việt Nam hôm nay

Ở Việt Nam một tu sĩ thường được coi là trẻ khi còn trong độ tuổi U 40. Một tu sĩ cũng được coi là trẻ khi chưa khấn trọn đời hay khấn lần cuối. Nhìn chung, tu sĩ trẻ ở Việt Nam hiện nay là người được sinh ra hay lớn lên trong một đất nước đã chịu tàn phá bởi chiến tranh, đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc hàn gắn những đổ vỡ và đang cố xây dựng một khuôn mặt mới trước thế giới mà mình muốn hội nhập vào. Người tu sĩ trẻ là người ít nhiều chịu ảnh hưởng của bầu khí xã hội, của nền giáo dục gia đình và nhà trường, của những tiến bộ khoa học kỹ thuật thời nay. Không thể huấn luyện một tu sĩ nếu không biết những ảnh hưởng đã tác động và in dấu trên họ trong quá khứ. Một hiểu biết như thế sẽ giúp người huấn luyện dễ thông cảm và dễ bổ sung những mặt còn yếu của người thụ huấn và phát huy những điểm mạnh. Hẳn khuôn mặt của người tu sĩ trẻ hôm nay có những nét khác với người tu sĩ cách đây nửa thế kỷ. Chúng ta không vội khẳng định tính ưu việt của các tu sĩ thời trước, hay vội thất vọng trước những yếu kém của các tu sĩ ngày nay.

Mục đích của việc huấn luyện

Tu sĩ trẻ trong bài này được hiểu là những người đã khấn lần đầu hay khấn tạm. Việc huấn luyện nhằm mục đích giúp họ trở nên những tu sĩ thực thụ, gắn kết vĩnh viễn với Chúa Giêsu qua việc sống ba lời khấn, tháp nhập trọn vẹn vào thân thể Dòng và có khả năng chu toàn sứ mạng phục vụ con người hôm nay.

Giúp sống tình bạn với Đức Giêsu. Tình bạn này là cốt lõi của ơn gọi tu sĩ. Hãy theo Tôi : lời mời gọi chúng ta gắn bó với một con người. Tình bạn này được duy trì và lớn dần lên bởi việc cầu nguyện mỗi ngày, tiếp xúc với Lời Chúa và lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Ngoài ra việc xét mình hàng ngày, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm, linh hướng và các việc thiêng liêng khác cũng rất cần thiết cho đời sống tu trì. Gặp gỡ Chúa dần dần trở thành một nhu cầu chứ không phải một bổn phận. Khi đã có tình bạn sâu xa với Chúa Giêsu thì việc sống lời khấn trở nên dễ dàng. Người tu sĩ thấy mình càng ngày càng thuộc về Chúa Giêsu. Ý thức “thuộc về” này sẽ chi phối mọi quyết định và lựa chọn trong đời họ. Sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu và sốngtrong Giêsu : đó là những nét lớn của tình bạn với Ngài. Cuối cùng, người tu sĩ có thể gặp được Chúa ngay trong mọi sinh hoạt của đời thường, có thể sống chiêm niệm ngay trong mọi hoạt động.

Giúp sống ba lời khấn một cách vui tươi, trưởng thành, triển nở : đó là đích nhắm của việc huấn luyện. Các lời khấn là những ràng buộc tự nguyện của người tu sĩ. Những ràng buộc này đòi hỏi họ vượt lên trên các khuynh hướng tự nhiên của con người mình. Lời khấn vâng phục đòi họ sống tùy thuộc, mềm mại để Chúa dẫn đi qua trung gian người phụ trách. Để vâng phục có lúc phải hy sinh ước muốn và phán đoán riêng tư của mình. Lời khấn khiết tịnh đụng chạm đến khuynh hướng tự nhiên của thân xác và những thèm muốn tự nhiên về mặt tâm lý: muốn yêu một người và muốn được yêu lại, để cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình. Lời khấn khó nghèo đòi người tu sĩ trở nên tay trắng, chẳng có gì làm của riêng, không sử dụng điều gì như một ông chủ. Ba lời khấn đụng đến những khuynh hướng rất căn bản nơi con người.

Hơn nữa, sống ba lời khấn trong thế giới hôm nay nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng, cũng là lội ngược dòng. Khi con người chạy theo quyền lực và đề cao tự do cá nhân, khi khoái lạc xác thịt được bày ra như một món hàng có mặt khắp nơi và lôi kéo mọi người, khi người ta lao mình vào làm giàu bằng mọi giá để tiêu thụ và hưởng thụ, thì đời sống người tu sĩ có vẻ lạc lõng, kỳ dị và đi ngược với văn hóa thời đại. Sống ba lời khấn có còn là một chứng từ cho thế giới hôm nay không?

Chắc là không, nếu người tu sĩ không cho thấy rằng các lời khấn vừa ràng buộc họ vừa làm cho họ được thật sự tự do, hay nói đúng hơn, chính khi ràng buộc mà lời khấn làm cho họ được tự do.

Huấn luyện tu sĩ trẻ là làm cho họ cảm thấy vui tươi và triển nở khi sống trung tín với lời khấn, dù điều đó có thể đi ngược với khuynh hướng tự nhiên của họ hay với chính nền văn hóa họ đang sống.

Vâng phục để được sai đi trong một sứ mạng, điều này chẳng những không làm họ vong thân, mà lại giải phóng họ khỏi những dự phóng riêng tư hẹp hòi, để hiến mình cho một sứ mạng phổ quát hơn. Họ thấy mình lớn lên khi dốc toàn tâm trí, toàn sức lực và năng lực của tuổi trẻ để hoàn thành công việc được giao. Vâng phục tự nó chẳng có gì mâu thuẫn với đối thoại, sáng kiến và sáng tạo.

Đời sống độc thân khiết tịnh đòi họ chấp nhận sự cô đơn, nhưng họ lại không thiếu bạn bè. Chính khi trái tim của họ không ngừng lại ở một người nào thì trái tim ấy có sức mạnh kinh khủng để yêu mọi người và khiến mỗi người cảm thấy như thể mình được yêu một cách duy nhất. Người sống khiết tịnh vì Nước Trời cảm thấy hạnh phúc vì mình có tự do yêu đến vô cùng và mình cũng được nhiều người yêu mến.

Lời khấn khó nghèo làm người tu sĩ trở nên tay trắng, nhưng đồng thời cũng làm cho họ trở nên giàu có gấp trăm ngay ở đời này nhờ những chia sẻ vật chất và tinh thần họ nhận được từ các tu sĩ khác. Họ phải lệ thuộc cộng đoàn trong việc chi tiêu, nhưng họ lại được giải thoát khỏi nhu cầu và sự quyến rũ của tiền bạc vật chất.

Sống ba lời khấn là sống lại tinh thần của Đức Giê su, Đấng đã sống vâng phục, khó nghèo và độc thân khiết tịnh. Chẳng ai lệ thuộc vào Cha bằng Ngài, nhưng cũng chẳng ai tự do như Ngài. Chẳng ai dám chịu đau khổ vì yêu như Ngài, nhưng cũng chẳng ai hạnh phúc như Ngài.

2.1.  Giúp sống tình bạn với các tu sĩ khác trong Dòng : đó cũng là mục  tiêu quan trọng của việc huấn luyện. Người tu sĩ không theo Chúa một mình. Anh hay chị ấy đi theo Đức Giêsu cùng với những người được gọi khác, để sống cùng một linh đạo và đặc sủng của vị sáng lập. Đời sống chung giữa những con người không bao giờ dễ dàng, kể cả trong đời tu. Cá nhân chủ nghĩa chẳng phải chỉ ở các nước Âu Mỹ mới có. Nó nằm ngay nơi lòng con người. Cần huấn luyện những người tu sĩ trẻ để họ có khả năng cho và nhận, khả năng lắng nghe và đối thoại với những người có ý kiến đối nghịch, khả năng hợp tác với nhau trong một công việc chung. Ganh tỵ, bè phái, tranh dành quyền lực, khẳng định cái tôi, vẫn là những sự thế tục mà đời tu phải thắng vượt. Thánh Phaolô khuyên mỗi người tín hữu ở Rôma “đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức,” và “hãy coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 3,10).  Đức Giêsu lại ban một lệnh truyền mới: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Tình yêu thương trong cộng đoàn là dấu hiệu để mọi người nhận ra khuôn mặt người môn đệ Đức Giêsu (x. Ga 13, 34-35). Chính tình yêu thương này giúp người tu sĩ sống nghèo khó và khiết tịnh một cách vui tươi, dễ dàng hơn.

Để sống cho người khác bao giờ tôi cũng phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm, “không tìm lợi ích cho riêng mình” (Pl 2,4). Người tu sĩ trẻ cần tập nhạy cảm trước nhu cầu của anh chị em trong Dòng và hồn nhiên phục vu họ. Hơn nữa, còn phải tập chịu đựng, chấp nhận và đón nhận từng người trong cộng đoàn, với những ưu khuyết điểm riêng. Có thể nói như thánh Phaolô, “những gì là chân thật , cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8). Mọi giá trị nhân bản thực sự đều đáng được người tu sĩ trẻ học hỏi và thực hành. Tiến bộ trong đời tu có thể được đo bằng khả năng sống bình an hòa thuận và làm việc được với các tu sĩ khác, bất chấp những khác biệt về tính tình, tuổi tác, trình độ hay quan điểm. Người tu sĩ trẻ được huấn luyện sao cho càng lúc càng gắn bó hơn với thân thể của Dòng, với sứ mạng của Dòng, chờ ngày được tháp nhập trọn vẹn trong Dòng qua lời khấn cuối.

2.2.     Giúp trở nên các tu sĩ có khả năng đảm nhận sứ mạng được giao. Mỗi hội   dòng đều có những việc tông đồ chuyên biệt, ngoài ra còn có những việc tông đồ đặc thù của từng vùng, từng quốc gia. Việc huấn luyện luôn nhằm cung cấp những người thợ lành nghề cho vườn nho của Chúa,  những ngư phủ có khả năng ra chỗ sâu để thả lưới bắt cá. Việc huấn luyện trí thức lâu dài đòi hỏi một sự nghiêm túc và một sự khổ hạnh nào đó. Chỉ tình yêu đối với Giêsu và với con người mới giúp vượt qua được những khó khăn của giai đoạn học tập.

Các tu sĩ trẻ phải ý thức mình là người được sai để nối tiếp công việc của Giêsu. Các lời khấn ghi dấu trên công việc tông đồ của họ. Họ là người tông đồ trong vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh như Đức Giêsu, Vị Tông đồ của Cha. Như thế khi làm tông đồ, họ thể hiện ơn gọi tu sĩ và trở nên tu sĩ hơn. Ba lời khấn của người tông đồ được diễn tả qua việc họ không tự chọn việc cho mình hay làm theo cách của mình, không bám rễ ở nơi chốn mình được thành công, không giữ người ta lại cho mình, chỉ coi mình như người quản lý chứ không phải là chủ của đoàn chiên. Người tu sĩ trẻ sống hết mình cho việc tông đồ hiện tại, nhưng cũng được mời gọi sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, để ở nơi khác, làm việc khác và lại bắt đầu những tương quan mới với những người mới.

Những khó khăn trong việc huấn luyện người tu sĩ trẻ hôm nay

Huấn luyện người tu sĩ là cộng tác với Thiên Chúa và với chính người ấy để làm một công trình lớn. Từ xưa đến nay, việc này chẳng bao giờ dễ dàng.

3.1   Có những khó khăn do hoàn cảnh xã hội, do bối cảnh chung của thế giới, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa này. Trước khi vào Dòng, người dự tu đã chịu ảnh hưởng của gia đình, của học đường, của xã hội mình sống. Có nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng không thiếu những điều tiêu cực ảnh hưởng trên lối suy nghĩ, lối sống, trên bậc thang giá trị của mỗi người. Lối sống tiêu thụ và hưởng thụ của con người hôm nay làm cho việc tuân giữ kỷ luật, hy sinh từ bỏ, khổ chế giác quan, trở nên khó chịu và nặng nề; thái độ đề cao tự do cá nhân quá đáng dẫn đến cá nhân chủ nghĩa và óc vụ lợi; tinh thần thế tục khiến cảm thức về những giá trị thánh thiêng trở nên khó khăn; cuối cùng, sự thiếu trung thực, trong sáng của người tu sĩ gây trở ngại nhiều cho việc huấn luyện.

Người tu sĩ trẻ hôm nay muốn được tôn trọng, được hỏi ý kiến, được đóng góp cho việc chung của Dòng. Họ thích được tin tưởng, được trao trách nhiệm, được tự do giải quyết vấn đề. Họ không thích bị áp đặt, bị dòm ngó theo dõi, bị nhắc nhở chi li. Nhưng họ cũng cần có người đồng hành biết cảm thông và nâng đỡ, cần người phụ trách biết kiên nhẫn và khoan dung khi họ gặp khó khăn, khủng hoảng. Với một chút khôn ngoan, người huấn luyện có thể biến những khó khăn thành thuận lợi.

3.2    Việc huấn luyện người tu sĩ trẻ hôm nay khó có thể bị khép kín trong hàng rào nội cấm. Nếu họ được huấn luyện để đi vào và biến đổi thế gian thì thời gian huấn luyện cũng là thời gian được hướng dẫn để hiểu biết thế gian với những cám dỗ tinh vi và sức quyến rũ của nó. Sách báo, phim ảnh, internet, máy vi tính, TV kỹ thuật số, cell phone… vẫn đang có chỗ càng ngày càng lớn trong cộng đoàn tu sĩ. Tất cả các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại đều là những dụng cụ tốt cho người biết sử dụng, nhưng chúng cũng có thể trở nên khí cụ “hữu hiệu” đưa tinh thần thế tục vào đời tu, cản trở việc sống các lời khấn, hủy hoại đời sống chung cũng như đời sống cầu nguyện. Làm sao huấn luyện được những tu sĩ trẻ biết chọn lựa phim ảnh, âm nhạc thích hợp với đời tu của mình và biết thưởng thức chúng với tinh thần phê phán? Làm sao để những điều quyến rũ được nhiều người trẻ ngoài xã hội, như tình dục và bạo lực, lại không cuốn hút, mê hoặc được người tu sĩ trẻ? Làm sao để người tu sĩ có khả năng từ chối, quay đi, xa tránh những cám dỗ nguy hiểm, mà không do sợ hãi, ép buộc, và sau đó cũng không thấy mình bị dồn nén hay tiếc nuối? Người lo công tác huấn luyện hẳn không thể và cũng không muốn giữ các tu sĩ trong một bầu khí bưng bít. Nhưng vấn đề là làm sao mở ra mà vẫn không đánh mất căn tính của mình. Chắc hẳn sự mở ra phải tỷ lệ với mức độ trưởng thành của từng nhóm, và ngay cả của từng cá nhân. Cần huấn luyện tu sĩ để họ đủ trưởng thành, đủ bản lãnh để có thể đứng một mình và chọn lựa dựa trên khả năng nhận định thiêng liêng. Những vấp váp có thể xảy ra, nhưng không nên cầu toàn và tránh vấp váp bằng mọi giá. Điều quan trọng là rút ra bài học và lớn lên từ những vấp ngã đó.

Câu chuyện Đức Giêsu bắt buộc các môn đệ qua bờ bên kia sau phép lạ bánh hóa nhiều và để họ chèo chống một mình với sóng gió giữa đêm tối, cũng hé mở cho chúng ta thấy khoa sư phạm của Đức Giêsu (Mt 14, 22-32). Ngài không ngại đòi buộc họ và bắt họ đối diện với những thách đố gay go. Ngài cũng muốn đến với họ theo một cách thức khác thường khiến họ kinh khiếp. Ngài dám cho Phêrô đi trên mặt nước như mình, và nắm tay ông dắt về thuyền giữa sóng gió. Có bao kinh nghiệm các môn đệ học được trong một đêm như đêm hôm ấy.

3.3   Mỗi giai đoạn huấn luyện cũng có những khó khăn riêng. Trong giai đoạn học viện, người tu sĩ trẻ bắt đầu thực sự sống các lời khấn, và cảm nhận những thách đố mà trước đây chưa thấy có hay chưa nghĩ đến nơi nhà tập. Dù sao họ cũng được hưởng một tự do lớn hơn, cái tôi được khẳng định nhiều hơn, những bức tường bảo vệ ít hơn. Chính trong tư cách như một tu sĩ trẻ, họ trở nên hấp dẫn dưới mắt người khác, từ đó có thể chịu nhiều cám dỗ hơn. Nam tu hay nữ tu đều có những khó khăn riêng do tâm sinh lý của từng giới. Người huấn luyện phải nắm vững những hiểu biết này để tránh phán đoán sai lệch và giúp người thụ huấn vượt qua những khó khăn đó.

Riêng đối với những tu sĩ học triết, đôi khi họ có thể gặp khủng hoảng trong đời sống đức tin,  và gặp những khó khăn mới liên quan đến đức vâng phục hay đời sống cộng đoàn. Điều này cũng dễ hiểu vì triết học tự nó đặt những câu hỏi tận căn và tập cho triết sinh có thái độ phê phán. Người học triết có thể nghi ngờ những xác tín thiếu nền tảng trước đây của mình. Họ có thể đòi hỏi được tự lập hơn và làm cho những căng thẳng trong cộng đoàn thêm trầm trọng. Đối với các tu sĩ đang tiến tới chức linh mục, giai đoạn học thần học phải giúp họ trở nên những mục tử trưởng thành về các mặt thiêng liêng, trí thức, nhân bản, có khả năng phục vụ Dân Chúa và chạm đến những vấn đề gai góc của con người hôm nay.

3.4   Nói chung, việc huấn luyện khó vì phải hòa hợp được những mặt có vẻ tương phản. Không dễ để người tu sĩ  trẻ giữ nghiêm túc kỷ luật đời tu mà vẫn không thấy mình bị gò bó, sống nghiêm túc lời khấn vâng phục mà không đánh mất sáng kiến, tự do và trách nhiệm. Không dễ để người tu sĩ trẻ vừa khiêm tốn chấp nhận được huấn luyện bởi người khác, vừa chủ động trong việc tự huấn luyện.  Làm sao có sự hiệp nhất, đồng tâm nhất trí trong cộng đoàn mà mỗi cá nhân vẫn giữ được bản sắc của mình? Làm sao hội nhất (integrate) những chiều kích khác nhau của việc huấn luyện như thiêng liêng, tông đồ, cộng đoàn và trí thức? 

Hình ảnh người tu sĩ công giáo Á châu

Là người tu sĩ công giáo Á châu sống trên một châu lục rộng lớn, chiếc nôi của những tôn giáo lớn và mảnh đất màu mỡ của những truyền thống tu trì lâu đời, chúng ta nghĩ gì về đời tu của chúng ta? Di sản thiêng liêng của châu lục này có thể làm phong phú cho đời tu của chúng ta như thế nào? Đâu là những nét đặc sắc của người tu sĩ công giáo Á châu? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể ảnh hưởng đến việc huấn luyện các tu sĩ trẻ.

Trong một hội nghị tại New Delhi năm 2004, 88 tu sĩ dòng Tên của vùng Nam Á và vùng Đông Á- Uc, đã suy nghĩ về tính Á châu (Asianness) của người tu sĩ dòng Tên ở đây. Từ đó họ đề nghị 10 nét đặc trưng của người tu sĩ dòng Tên Á châu (Asian Jesuits, chứ không phải chỉ là Jesuits  in Asia). Một số nhận định của họ đã giúp tôi suy nghĩ về đôi nét cần nhấn mạnh hơn trong việc việc huấn luyện các tu sĩ trẻ nói chung trong bối cảnh đất nước chúng ta.

_  Trong tư cách là bạn của Đức Giêsu, người tu sĩ cần nhìn lại Tin Mừng với cặp mắt và con tim Á châu để tái khám phá Đức Giêsu Á châu (Asian Jesus).  Có nhiều nét nơi con người Ngài rất gần gũi với tâm thức của dân tộc Việt. Vấn đề là làm sao người tu sĩ được hấp thụ một nền triết học, thần học và linh đạo Á châu có tính nhất quán, để dễ loan báo Tin Mừng cho người Á châu.

_   Người Á châu có cảm thức mãnh liệt về sự thánh thiêng và sự hiện diện của thần linh thấm nhuần mọi sự. Những tôn giáo lớn đều có những hình thức và phương pháp cầu nguyện. Người tu sĩ công giáo, dù bận bịu với việc phục vụ con người đến mấy, cũng phải dành thời gian cho sự thinh lặng và trầm mặc trong từng ngày sống của mình. Tự bản chất họ phải là những con người cầu nguyện, con người gặp gỡ và làm chứng về một thế giới vô hình mà mình rất quen biết. Hơn nữa, họ còn phải là người thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt đông trong mọi sự.

_   Sống trong một châu lục đa tôn giáo và đa văn hóa, người tu sĩ trẻ cần có thái độ cởi mở, chấp nhận đối thoại như một lối sống, xây dựng một không gian hòa đồng và yêu thương, nơi đó ai cũng thấy mình được đón nhận và không sợ bị đe dọa bởi bạo lực hay chủ nghĩa cực đoan, bè phái. Người tu sĩ còn cần có khả năng cộng tác với những ai khác tôn giáo để làm chung những việc có ích cho xã hội.

_   Sống trong một châu lục và một đất nước còn nhiều người đói nghèo, người tu sĩ bày tỏ tính siêu thoát của cải trần thế qua một lối sống đơn giản và thanh đạm, khiêm tốn và từ bỏ, nhưng đầy ắp niềm vui chia sẻ. Hơn nữa, người tu sĩ còn liên đới với người nghèo, chọn phục vụ người nghèo và người bị áp bức, giúp họ được sống trong no đủ và công bằng.

Đời sống độc thân khiết tịnh vẫn là một giá trị được coi trọng trên đất nước chúng ta. Người ta coi bậc chân tu là người phải có khả năng thắng vượt những thèm muốn xác thịt tự nhiên để sống cho lý tưởng cao cả. Như thế cần huấn luyện sao cho người tu sĩ trẻ có được sự trưởng thành tình cảm và tâm lý. Điều này đặc biệt quan trọng vì người tu sĩ công giáo phải tiếp xúc với mọi hạng người. Họ sống giữa đời, sống với đời và sống cho đời.

Nói chung, đời sống khó nghèo và khiết tịnh là những nét đáng quý trên khuôn mặt người tu sĩ Á châu. Nhưng nét nổi bật của người tu sĩ công giáo lại là lòng nhân ái đến độ dám hy sinh cả đời mình cho những ai đau khổ, bệnh tật, lầm lỡ. Lòng nhân này được thể hiện rõ nét nơi các trại phong hay các nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS.  Lòng hy sinh tận tụy cho những ai bị bỏ rơi, vì tình yêu đối với Đức Giêsu, vẫn làm con người hôm nay xúc động. Trường hợp Mẹ Têrêsa Calcutta là một thí dụ.

_   Cuối cùng, người tu sĩ trẻ cần am hiểu và gần gũi với nền văn hóa và lịch sử dân tộc, với truyền thống âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc, văn chương dân gian, lễ hội, phong tục của đất nước. Có biết bao điều tốt đẹp cần bảo trì và phát huy, nhưng cũng có bao yếu tố không phù hợp cần can đảm thanh lọc hay loại bỏ. Càng hiểu biết về cội nguồn dân tộc, ta càng có khả năng đưa Tin Mừng vào nền văn hóa và đưa nét đẹp của văn hóa vào việc trình bày Tin Mừng Đức Giêsu. Ngoài ra, người tu sĩ trẻ cũng cần biết về nền văn hóa đương đại đang chi phối mạnh mẽ lối sống của người thời nay, để không xa lạ với giới trẻ. Vừa có cái nhìn phê phán, vừa biết tận dụng những giá trị tích cực của nó như những nẻo đường giúp người thời nay gặp gỡ Đức Kitô : đó là thái độ quân bình cần có.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ dựa trên những kinh nghiệm cá nhân, vì thế cần được bổ xung bằng những kinh nghiệm khác để trở nên cân đối và phong phú hơn. Mong được sự góp ý của những người lo công tác huấn luyện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Học Viện Dòng Tên, Thủ Đức Tháng 9-2005

Nguồn: https://dongten.net