NGÀY THƯỜNG HUẤN QUÝ CHỨC HỘI ĐỒNG-HỘI ĐOÀN-CÁC GIÁO XỨ. HẠT TÂN SƠN NHÌ TGP-SAIGON

Chương trình Thường Huấn Lần 02/2022
Quý Chức Hội Đồng Mục Vụ-Hội Đoàn-Các Giáo Xứ
Giáo Hạt Tân Sơn Nhì TGP-SAIGON
T
ại Thánh Đường Giáo Xứ Thiên Ân

  Hướng tới một Hội Thánh Hiệp hành – Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ.  Là chủ đề của chương trình thường huấn lần 2/ 2022 của giáo hạt Tân Sơn Nhì. Được tổ chức lúc 8g thứ Tư ngày 15.6.2022 tại giáo xứ Thiên Ân, giáo Hạt Tân Sơn Nhì.(TSN).  Linh mục (Lm) Phêrô Nguyễn Văn Hiền Trưởng ban Hiệp hành của Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG) giảng thuyết. Cùng với sự tham dự của năm trăm anh chị em thuộc các hội đồng, hội đoàn của các Giáo xứ trong giáo hạt TSN.

Trước chương trình, Lm Giuse Lê Hoàng Phó hạt Tân Sơn Nhì đã thay lời Lm Phaolô Phạm Trung Dong Trưởng hạt TSN gửi lời chào đến các anh chị em tham dự ngày tĩnh huấn thường kỳ của Hạt. Lm Giuse chia sẻ thêm: “Cứ ba tháng một lần chúng ta lại có dịp để qui tụ, gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ với nhau. Sau đó chúng ta sẽ có một Thánh Lễ. Qua đó, ơn Chúa Thánh Thần tác động để chúng ta luôn hiệp thông hợp nhất với nhau. Tiếp tục lắng nghe và chia sẻ những điều Chúa muốn ở nơi mỗi người chúng ta. Để sau mỗi buổi tĩnh huấn, bản thân của mỗi người cũng như mỗi Giáo xứ được thăng tiến trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong tình yêu thương, hy sinh và phục vụ.”

PHẦN 1

Khai Mạc.

Đúng 8g30, Lm Giuse Phó hạt TSN và các tham dự viên hân hoan chào đón sự hiện diện của Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Hiệp hành TGPSG về khai mạc chương trình thường huấn lần 2/2022 của hạt TSN.


Mở đầu, Lm Phêrô mời mọi người tham gia đóng góp ý kiến định nghĩa những câu  trong chủ đề học hỏi của chương trình. Sau những ý kiến khác nhau được các tham dự viên trình bày.  Lm Phêrô đã chia sẻ:

Giáo Hội là gì?

Nhìn từ bên ngoài: Giáo Hội là một tổ chức xã hội. Ở trong đó có phẩm trật, có người lãnh đạo: Giáo Hoàng, Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân. Giáo Hội cũng là một tổ chức của cộng đoàn có đức tin vào Chúa Giê Su. Trên thế giới có Giáo hội hoàn vũ. Nơi các quốc gia có các Giáo tỉnh, Giáo phận, Giáo hạt và Giáo xứ.

Nhìn từ bên trong: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội mọi người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Lúc đó anh chị em nhận được Chúa Thánh Thần cũng là Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh. Và nhờ có được một đời  sống mới nên liên kết được mọi người với nhau, trở thành con của một Cha trên trời cho dù khác chủng tộc, huyết thống.

Chúng ta hơn người ngoại đạo vì có hai lần lãnh nhận thần khí: Khi được sinh ra làm người và khi được chịu phép Rửa tội. Chúng ta có niềm tự hào là Kitô hữu, được Chúa ban tặng cho hồng ân đức tin. Vì vậy, chúng ta luôn xác tín  tất cả mọi người được liên kết với nhau bằng một sợi dây là thần khí của Đấng sống lại.  Giáo Hội nhìn từ bên trong là Giáo Hội hiệp thông bởi Chúa Thánh Thần, Ngài liên kết chúng ta lại thành một cộng đoàn hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau và với mọi người đã nhận thần khí để trở thành con người.

Xây dựng Giáo Hội là gì?

Xây dựng Giáo Hội là xây dựng một cộng đoàn hiệp thông với Chúa: Qua Lời Chúa và các Bí tích, đời sống phụng vụ và Thánh Lễ. Bất cứ ai gây chia rẽ trong cộng đoàn Giáo xứ hay gia đình là phá vỡ Giáo Hội.

Hiệp thông là một điều rất sâu và trừu tượng. Người ta chỉ thấy được sự hiệp thông khi cùng nhau dâng lễ ngày Chúa nhật. Sự hiệp thông còn được biểu hiện ra bên ngoài khi mọi người cùng hy sinh dấn thân phục vụ trong các ban ngành, đoàn thể. Giáo hội hiệp thông phải được thể hiện bằng sự tham gia đồng trách nhiệm. Biết lắng nghe nhau, trao đổi lấy ý kiến chung và phân định xem điều đó có phải là ý Chúa? Để có sự tham gia chúng ta phải có một tinh thần bao gồm đừng loại trừ nhau. Khi không lắng nghe người khác thì đó cũng là một cách loại trừ.

Chúng ta được gọi là con Chúa vì một sứ vụ, không nắm tay nhau như một cộng đoàn biệt lập hay biệt phái. Chúng ta  có thể nắm tay nhiều người hơn, để xây dựng được sự hiệp thông và hiệp nhất trên thế giới. Khi được sinh ra mỗi người chúng ta đã có một sứ mạng làm triển nở sự sống, phát huy và tiếp nối trao ban sự sống. Khi chúng ta lãnh nhận sự sống thì chúng ta là sứ mạng chứ không phải làm sứ mạng.

Kinh nghiệm hiệp hành.

Hiệp hành vốn là lối sống của Giáo Hội ngày  xưa, do nhiều hoàn cảnh khác nhau nên lối sống này đã bị mai một. Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) lần thứ 16 muốn chúng ta nhìn lại lối sống hiệp hành; có khả năng xây dựng một thế giới hiệp nhất thương yêu nhau, trong một thế giới đầy sự phân hóa và chia rẽ.

Theo THĐGM 2023, Giáo Hội phải phát huy tinh thần hiệp hành hầu phục vụ hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo trong bối cảnh hiện tại.

Giáo Hội phải nhìn lại:

a/ Việc hiệp hành đã và đang diễn ra trong cộng đoàn( đoàn thể, các giới, ban mục vụ, gia đình, giáo xứ, giáo phận) của mình như thế nào?

b/Các ân huệ, đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau trong cộng đoàn có được tôn trọng và liên kết lại, để góp phần vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn không?

c/ Các thành viên trong cộng đoàn có được cơ hội lắng nghe và bày tỏ ý kiến cũng như được tham gia vào  tiến trình phân định và quyết định không?

d/ Cộng đoàn của mình là cộng đoàn “mở ra” hay “khép kín”, là “bệnh viện dã chiến” hay một “pháo đài” trước những vấn đề của các cộng đoàn khác cũng như của xã hội?

Theo THĐGM 2023, kinh nghiệm hiệp hành:

a/ Đồng hành với nhau trên cùng một nẻo đường, chấp nhận chứ không loại trừ nhau.

b/ Lắng nghe nhau với khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến và kết án, đặc biệt lắng nghe những người còn ở xa và bị loại bỏ.

c/ Can đảm lên tiếng cách tự do, trong chân lý và bác ái.

d/ Tham dự vào các cử hành hay những cuộc họp mừng của cộng đoàn, đặc biệt cử hành lời Chúa và cử hành Bí Tích Thánh Thể.

e/ Đồng trách nhiệm trong việc thực thi sứ vụ, với những hình thức hay dạng thức khác nhau theo ơn gọi riêng của mình.

f/ Đối thoại trong Giáo Hội và Xã hội, đối thoại với mọi người cũng như các thực tại văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội vv…

g/ Đối thoại với các hệ phái Kitô hữu khác, và cộng tác với anh chị em ấy trong việc biến đổi xã hội, truyền giáo,bác ái…

h/ Tham gia vào tiến trình lấy quyết định, cho dù những quyết định được lấy không hoàn toàn được nghe theo.

i/ Phân định và quyết định xuất phát từ “sự vâng phục thần khí”.

j/ Tự rèn luyện để trở nên những con người hiệp hành, nghĩa là trở nên những người biết lắng nghe, phân định và thực thi ý Chúa.

Kết thúc phần chia sẻ của Lm Phêrô Trưởng ban hiệp hành, các tham dự viên cùng cất lên bài hát Khúc Tân Ca trong bầu khí tràn ngập niềm vui và phấn khởi.

  

PHẦN 2

Thánh Lễ.

 Đỉnh cao của chương trình là Thánh lễ tạ ơn do Lm Giuse Phó hạt TSN chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có Lm Phêrô Trưởng ban hiệp hành TGPSG, Lm Phêrô Nguyễn Văn Tâm Chánh xứ Thiên Ân và mười sáu Lm trong giáo hạt TSN.


 Dẫn vào Thánh Lễ Lm Giuse Phó hạt TSN đã có những tâm tình chia sẻ cùng cộng đoàn:” Tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã chọn chúng ta trong  một cuộc gặp gỡ, để chúng ta cùng hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với nhau. Chúng ta được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Chắc chắn cha Phêrô Trưởng ban hiệp hành cũng đã chia sẻ để giúp cho các ông bà anh chị em, phần nào cố gắng xóa bỏ đi những ngăn cách để đến với nhau, cùng hiệp thông chung tay góp sức xây dựng một Hội Thánh tốt đẹp như lòng Chúa mong ước”.

Trong phần bài giảng, Lm Phêrô Trưởng ban hiệp hành TGPSG đã nói về ba việc đạo đức trong sinh hoạt của các tín hữu ngày xưa: Ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cả ba sinh hoạt này đều nối kết chúng ta hiệp thông với Chúa Cha. Chỉ trong cầu nguyện thẳm sâu với Thiên Chúa chúng ta mới có thể hiệp thông với nhau.


Lm Phêrô chia sẻ thêm:”Ăn chay là bớt đi cái tôi và sự ích kỷ, để mình có thể mở ra cho anh em bằng việc nâng đỡ và cho đi. Nếu chúng ta thực hiện ba việc đạo đức này với tất cả ý nghĩa thì chắc chắn chúng ta đang đi trong đường hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau.

Sau cùng Lm Phêrô nhắn nhủ:” Sự hiệp thông cần được nuôi dưỡng bằng Thánh lễ và Bí Tích Thánh Thể. Khi cử hành Thánh Lễ là cử hành cuộc Vượt Qua, cử hành từ sự chết sang sự sống của Chúa Giê Su. Chúng ta là những người được mời gọi làm môn đệ của Chúa, thì chúng ta cũng đồng hành với Chúa trong cuộc vượt qua này.  Và cùng vượt qua với nhau đẩy lùi văn minh sự chết để xây dựng văn minh của sự sống. Nếu như Giáo xứ và gia đình là một Giáo Hội hiệp hành thì chắc chắn Giáo Hội hoàn cầu cũng là một Giáo Hội hiệp hành.”

Sau bài giảng Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.


Cuối lễ, ông Giuse Bùi Đức chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo hạt TSN đại diện cộng đoàn có diễn từ cảm ơn Lm Phêrô Trưởng ban hiệp hành, các Lm đồng tế và cộng đoàn giáo xứ Thiên Ân. Ông chủ tịch cũng chúc mừng bổn mạng Lm Phaolô Trưởng hạt TSN cùng các Lm cũng như các chức trong hạt TSN đã nhận Thánh Phaolô và Thánh Phêrô là thánh bổn mạng.

 Lm Giuse Phó hạt TSN đại diện cho hạt TSN tri ân Lm Phêrô Trưởng ban hiệp hành. Ngài cũng chia sẻ:” Như lời Đức Tổng Giuse, không phải hôm nay chúng ta mới học hỏi về hiệp hành, mà chúng ta cũng đã được học rất nhiều về những bài Kinh Thánh khác, được mời gọi hiệp thông và tham gia sứ vụ. Sắp tới, chúng con cũng hy vọng cha Phêrô Trưởng ban hiệp hành cũng sẽ còn đến Giáo hạt TSN để tiếp tục hướng dẫn cho chúng con.”

 Chương trình khép lại lúc 11g50 cùng ngày. Sau đó là bữa cơm trưa huynh đệ tại hoa viên Giáo xứ trong tình hiệp nhất yêu thương.


Bài: Bạch Yến.
Ảnh: Cây Viết Chì Nhỏ

 

Linhk toàn bộ album ảnh bên dưới.