PHẢI MỤC NÁT ĐI


ÀNH:cvcn

Ở đời có nhiều thứ hay nhiều cái mục nát. Và có những cái mục nát sẽ hóa ra vô dụng và làm cho người đang sử dụng nó cảm thấy chới với. Thế nhưng rồi, ít ra có một thứ mục nát xem ra không phải là mất mát, là không còn gì nhưng ngược lại còn và còn rất nhiều đó là hạt giống.
          Đơn giản và dễ hiểu nhất có lẽ là hạt lúa. Hạt lúa rơi vào lòng đất mà không thối đi, không rửa đi thì buồn lắm vì nó chỉ trơ trọi một mình. Ngược lại, hạt nào thối rửa thì sẽ sinh nhiều hoa trái.
          Còn nhớ trong tang Lễ của Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, cộng đoàn cảm thấy hút hồn và hòa quyện chung tâm tình của ca đoàn với bài Như hạt lúa mì. Không chỉ trong Lễ an táng mà cho đến bây giờ, số lượt người xem vẫn còn tăng bởi lẽ như hạt lúa mì ngày hôm đó góp ghém thần thái của chị ca trưởng cũng như ca đoàn.
   
Bài hát ấy ngày hôm ấy được gợi lên hình ảnh của hạt lúa Phaolô Bùi Văn Đọc. Khi Đức Tổng nằm xuống, Đức Tổng như hạt lúa gieo vào lòng đất với tất cả tài đức, trí khôn ngoan và đặc biệt với con người “vui vẻ” của Đức Tổng mà Chúa ban cho. Nụ cười ấy, con người ấy và tấm lòng bao dung của Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc còn mãi trong tâm trí của nhiều người.
          Vâng ! Con người được ví như hạt lúa gieo vào lòng đất để sinh hoa trái.
          Bài hát khá quen thuộc Thân Lúa Miến mà cộng đoàn hay hát thật dễ thương : “Chúa ơi ! Thân con là thân lúa miến, gieo vào lòng đời (gieo vào lòng đời và mục nát với thời gian), bông lúa vàng kết thành tấm bánh …
 
         Và bỗng dưng bài hát này được ghép lời như sau :
          Chúa ơi ! Thân con là thân con gái, đi về nhà chồng và mục nát với chồng con …
          Chúa ơi ! Thân con là thân trai tráng, đi về nhà vợ và mục nát với vợ con …
          Chúa ơi ! Thân còn là thân tu sĩ, đi vào nhà dòng và mục nát với bề trên …
          Nếu hiểu mục nát theo nghĩa tiêu cực thì nó sẽ khác và ở đây ta không bàn hay suy nghĩ đến nghĩa tiêu cực. Ở đây, ta dừng lại để nghĩ đến nghĩa tích cực của mục nát : mục nát với chồng, với vợ và với bề trên …
          Phận là con người, ai ai trong con người đều có cái tôi và đau đớn thay là cái tôi lại quá lớn để rồi không ai nhường ai khi chung đụng. Có khi là trước khi cưới nhau về thì thề non hẹn biển trong đời sống hôn nhân gia đình hay cũng như “Chính Thầy đã chọn anh em” trong đời tu. Có nhiều người than thân trách phận và bi đát nhất là kéo nhau ra tòa ly dị và không tiếc những lời nói mỉa mai nhau dẫu trước kia ca tụng nhau. Có trường hợp biết mình sai, biết cái tôi của mình quá lớn nhưng thật sự lớn quá nên không nhường nhau và cuối cùng là ly dị.
          Mừng kỷ niệm ngân khánh hôn phối của một gia đình, Cha Xứ ca tụng tình yêu bền vững 50 năm của ông bà. Cha nói rằng đời tu nhẹ hơn vì có khi Cha Sở và Cha Phó sống chung với nhau vài năm hay Cha Xứ ở chỗ nào đó ít năm cũng đổi đi. Gia đình thì đổi đi đâu bây giờ ? Vợ chồng ngày nào cũng đụng mặt nhau. Nếu như thương nhau đủ và “nhốt” cái tôi của mình lại thì gia đình mới hạnh phúc hay nói cách khác là mỗi người phải biết tự hủy, phải biết mục nát cái tôi, cái kiêu ngạo trong mình để nuôi dưỡng gia đình mình.
          Thật sự thì đời sống cộng đoàn tu không hề đơn giản. Ở những dòng tu “hở” xem ta cũng dễ thở hơn vì có khi ít năm thì thay đổi. Những dòng kín hay Đan Viện thì coi như chết chắc vì có lời khấn vĩnh cư. Dù muốn dù không, dù ghét dù thương thì phải sống chung với nhau cho đến chết theo lời khấn.
          Ai ai trong phận người đều mang một chút gì đó của sự kiêu ngạo, của ta đây để rồi nếu như ai nào đó không biết kìm chế thì tính xấu và cái tôi dễ bộc lộ cũng như bộc lộ mọi lúc mọi nơi. Ngược lại, ai nào đó cố thủ trong con người của mình và không chết đi cho cái tôi của mình thì dần dần cũng được bộc lộ ra bên ngoài dù người đó đã đi tu chục hai chục năm.
          Người đi đầu trong tự hủy phải chăng đó là con người mang tên Giêsu. Phận là phận của một vị Thiên Chúa nhưng con người Giêsu ấy lại từ bỏ vinh quang để mặc kiếp phàm hèn như con người ngoại trừ tội lỗi.
          Đức Giêsu vẫn nhiều lần bị giằng co trước cái chết nhục nhã cũng như những cơn cám dỗ đi kèm. Để vượt qua thử thách, vượt qua cám dỗ, Chúa Giêsu bám chặt vào Chúa Cha và cầu nguyện với Chúa Cha.
          Người Kitô hữu khi được mời gọi đi theo Chúa thì cũng đồng nghĩa là phải sống tự hủy như Đức Kitô. Đức Kitô đã tự hủy để cứu con người và mang con người đến vinh quang. Hạt giống mục nát Kitô đã sinh hoa trái cho Thiên Chúa.
          Mỗi người chúng ta, mỗi ngày được mời gọi mình đã sống mục nát với chồng mình chưa, với vợ mình chưa ? Người tu thì được gọi mình đã mục nát với những ước muốn, những tham vọng của đời mình chưa ?
          Khi và chỉ khi mình mục nát như Đức Kitô thì cuộc đời mình mới có nghĩa. Ngược lại, với hạt lúa trơ trọi không mục nát thì cứ mãi mãi không làm gì cả.
          Khi nhìn hạt lúa, khi nhìn cái chết của những người đi trước, ta được mời gọi cũng mục nát đời mình như Chúa mời gọi. Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi.
          Thế đó ! Lòng chỉ để gió cuốn đi thôi nhưng đó là cung cách của con người tự hủy. Tự hủy để làm gì em biết không ? Tự hủy để mang nhiều hoa trái cho đời như Chúa mời gọi.
          Mỗi ngày ta hãy mục nát với vợ của ta.
          Mỗi ngày ta hãy mục nát với chồng ta
          Mỗi ngày ta hãy mục nát với bề trên của ta
           Và mỗi ngày, ta hãy mục nát với đời, với người và với Chúa để sinh hoa quả cho đời.
           Ngày mỗi ngày, ta nhìn lại đời ta và cố gắng luyện tập để từ bỏ cái tôi, cái ích kỷ, cái tự ái trong con người của mình để mình sống nhân hậu hơn với anh chị em đồng loại. Những mong ta đừng sống cao ngạo và ích kỷ như hạt lúa trơ trọi không thối đi.

Người Giồng Trôm