Suy niệm loan báo Tin Mừng (24.10.2019 – Thứ Năm Tuần 29 TN)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Suy niệm loan báo Tin Mừng (24.10.2019 – Thứ Năm Tuần 29 TN)

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

BÀI ĐỌC I: Rm 6, 19-23

Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Suy niệm

Các bài đọc Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay cung cấp cho chúng ta một chủ đề chung: sự tự do Thiên Chúa ban cho mỗi người, việc sử dụng tự do của chúng ta, và những trách nhiệm từ việc sử dụng này. Bài đọc thư gửi các tín hữu Rôma vạch ra một lằn ranh rõ rệt giữa một đời sống làm nô lệ tội lỗi và một đời sống dưới quyền lãnh đạo của Chúa Kitô. Bài đọc cũng chỉ ra điểm cuối của mỗi con đường. Kết quả cuối cùng của nếp sống tội lỗi là sự chết, và sự chết biểu thị sự chia cắt vô phương trở lại. Sự chia cắt này là số phận tự gây ra cho mình của những người cố chấp gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời họ. Viễn cảnh được Phaolô trình bày hoàn toàn tương ứng với viễn cảnh của Tin Mừng. Cùng với viễn cảnh đen tối của việc từ khước Tin Mừng và hậu quả là án phạt, cũng có chân trời rộng mở của sự sống đời đời được đặt nền móng trong Đức Giêsu Kitô. Đối với Phaolô, một chiến binh già với nếp sống nghiêm ngặt tuân giữ các giới luật tôn giáo như là con đường dẫn đến cứu độ, điều quan trọng là phải không ngừng nhấn mạnh rằng sự hiệp thông với Thiên Chúa nhờ con người Đức Giêsu Kitô là một món quà được ban không. Không ai có quyền đòi hỏi điều gì từ Thiên Chúa. Cứu rỗi là một ân sủng, và loài người được mời gọi đón nhận và làm cho nó lớn lên.

Bài Tin Mừng của Luca tuy vắn gọn nhưng gói ghém một sứ điệp rung động,với những cung giọng và hình ảnh quá mạnh mẽ khiến không một người nghe nào có thể dửng dưng. Trước hết, nó chuyển tải một cảm giác cấp bách đòi hỏi mỗi người phải có một lập trường. Sự tỏ lộ của Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu Kitô đã đốt lên một ngọn lửa trong lịch sử của loài người và của mỗi cá nhân. Trong Kinh Thánh, lửa biểu trưng cho lời của Đức Chúa được công bố bởi vị ngôn sứ (x. Gr 5:14; 23:29; Hc 48:1). Nó được liên kết với hình ảnh của cái búa, khi đập vào đá (x. Gr 23:29) thì hàng ngàn tia lửa loé ra. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất” (Lc 12:49). Trong bài đọc này, điểm nhấn được đặt vào những câu trả lời tương phản nhau mà con người và sứ điệp của Đức Giêsu khơi dậy: sự chia rẽ, không chỉ giữa những người xa lạ mà cả giữa những thành viên trong cùng một gia đình. Ở đây chúng ta nhớ lại lời tiên tri của ông già Simêon rằng đứa trẻ (Giêsu) này sẽ trở thành một dấu chỉ sự chống đối (x. Lc 2:34). Nhưng hình ảnh của lửa cũng được Kinh Thánh dùng để nói đến một sứ điệp an ủi: “Ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì” (Is 43:2). Ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa bằng nước, nhưng Đức Giêsu sẽ làm phép rửa bằng lửa (x. Lc 3:16). Chính dưới hình lưỡi lửa mà Chúa Thánh Thần sẽ hiện xuống trên Hội Thánh tụ tập ở phòng trên vào ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2:2-4). Lửa cũng được dùng làm hình ảnh diễn tả cuộc phán xét của Thiên Chúa. Mọi sự sẽ được thử luyện trong lửa để tách vỏ trấu ra khỏi hạt lúa. Từ đó có lời khuyên dạy của Thánh Phaolô:

Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa. (1 Cr 3:10b-15)

Rõ ràng lửa mà Đức Giêsu đem đến trần gian có liên hệ với phép rửa. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, hay khi Người chịu nạn, lửa mà Người đem đến, nghĩa là ơn của Thần Khí, sẽ cháy lên. Với hai hình ảnh Người sử dụng, Đức Giêsu mô tả cả mầu nhiệm Vượt Qua và kết quả mầu nhiệm này đem lại cho chúng ta. Trên thực tế, ông Gioan Tẩy Giả đã loan báo rằng Đấng sẽ đến sau ông thì cao trọng hơn ông, và ông không xứng đáng cởi dây dép cho Người. Nếu ông làm phép rửa bằng nước để dọn đường cho Chúa, mời gọi dân chúng sám hối và hoán cải, thì Con của Đấng Tối Cao đến để làm phép rửa bằng Thánh Thần và lửa, để mọi tạo vật nhìn thấy ơn cứu độ và các kỳ công của Thiên Chúa. Sự ứng nghiệm lời hứa này được Luca mô tả trong sách Công Vụ Tông Đồ, với câu chuyện về Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần, quà tặng của Chúa Phục Sinh, ngự xuống trên Hội Thánh dưới hình các lưỡi lửa, đổ tràn trên Hội Thánh sức mạnh ngôn sứ để bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

Hẳn là Luca đã từng chứng kiến nhiều cảnh xung đột gia đình trong các chuyến đi truyền giáo của ông trên khắp thế giới, có nhiều cơ hội thường xuyên cùng rao giảng Tin Mừng với Phaolô cũng như với các đồng nhiệp khác. Nhiều cuộc xung đột như thế xảy ra trong các hội đường, như được kể trong sách Công Vụ, do việc một số người chấp nhận Tin Mừng và một số khác từ chối Tin Mừng. Hiển nhiên là có các thành viên trong cùng một gia đình tham dự các nghi thức trong các hội đường. Điều này làm ta nhớ lại một lời dạy khác của Đức Giêsu, khi Người đòi hỏi các môn đệ một tình yêu lớn hơn tình yêu họ dành cho những người thân thích của họ. Lý do rất đơn giản: Đức Giêsu là suối nguồn tình yêu. Chính Người dạy chúng ta tình yêu đích thực, tình yêu hiến mạng sống mình vì người mình yêu. Tình yêu chỉ vì những mối liên hệ gia đình thì rất dễ tan vỡ. Mặt khác, khi tôi trở thành môn đệ Đức Giêsu, tôi không chỉ học biết yêu thương gia đình tôi một cách chân thật, tôi còn học biết từ bỏ tính tham lam và giả đạo đức, mọi thói ích kỷ và kỳ thị, mở lòng tôi ra cho tình huynh đệ đại đồng, chân thành và yêu thương đón nhận những người khác với tôi về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, màu da, địa vị xã hội – những người trước kia vốn là người xa lạ với tôi. Nhưng điều này có thể gây thù nghịch về phía những gia đình và cộng đoàn nào không thích sự khác biệt và từ chối chấp nhận những gì có thể nguy hại cho các truyền thống và các niềm tin của họ. Họ không hiểu lối sống mới này – một cuộc cách mạng thực sự, cả về thiêng liêng và xã hội – và họ từ chối nó. Như chính Đức Giêsu nói: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16:16).

Hòa bình là tiếng thường xuyên được dùng trong các bài giảng của Đức Giêsu (x. Mt 5:9) cũng như trong các phản ứng của Người, ngay cả khi đối diện với sự khiêu khích và bạo lực. Đức Giêsu là Thái Tử Hòa Bình; Người là “bình an của chúng ta” (Ep 2:14). Những người được Đức Giêsu kêu gọi phải quyết định các cam kết của mình nằm ở đâu. Lửa mà Đức Giêsu mang tới sưởi ấm con tim, đặc biệt con tim của những người không biết mình phải đi đâu. Xin Người cùng đi với chúng ta, như Người đã cùng đi với các môn đệ trên đường Em- mau nhưng họ không biết là Người, mãi cho tới cuối cùng, sau một ngày mệt mỏi và chán nản, họ hỏi nhau, “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:32). Và đó là một khởi đầu mới, sự đổi mới của một ơn gọi mà bất chấp sự dao động của các tông đồ, Chúa đã không bao giờ rút lại. “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11:29).

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng