Suy niệm loan báo Tin Mừng (26.10.2019 – Thứ Bảy Tuần 29 TN)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Suy niệm loan báo Tin Mừng (26.10.2019 – Thứ Bảy Tuần 29 TN)

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

BÀI ĐỌC I: Rm 8, 1-11

Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Đức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Điều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9


Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Suy niệm

Lời dạy của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng một câu chuyện được một vài người kể lại cho Người về những người Galilê bị Philatô sát hại khi họ dâng lễ hi sinh tại Đền Thờ. Không những vụ tàn sát này diễn ra trong khuôn viên Đền Thờ, mà cảnh máu người hòa lẫn với máu các con vật hi tế càng khơi dậy sự ghê tởm và giận dữ. Không rõ tại sao họ kể lại câu chuyện này cho Đức Giêsu. Có lẽ vì Đức Giêsu là người Galilê và họ muốn cảnh báo cho Người, giống như sau đó ít lâu về vụ Hêrôđê Antipas muốn giết Người. Hoặc cũng có thể họ muốn đe dọa Người rằng nếu Người bị tố cáo với chính quyền Rôma, Người cũng sẽ phải chịu chung số phận như thế. Hoặc cũng có thể họ chỉ truyền tai nhau một ít lời đồn về các thảm kịch của những người khác; như lời thánh vịnh nói, những kẻ vui mừng vì những khốn khổ của người khác sẽ phải tủi hổ.

Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu gợi ra một cái gì nghiêm trọng hơn: sự phán xét đồng tình đối với số phận của những nạn nhân, cho rằng họ đáng phải chết thảm như thế khi đang cầu nguyện, và hành động tàn bạo của người Rôma là một phán quyết của Thiên Chúa đối với những người bị sát hại. Đức Giêsu không bình luận về sự kiện, nhưng Người rút ra một bài học từ thái độ của những người thuật lại vụ việc đó. Người nói rằng không ai được phép cắt nghĩa những đau khổ, bệnh tật, tai nạn hay thảm kịch của những người khác như là do Thiên Chúa trừng phạt vì các tội lỗi của họ, nhưng mỗi người phải coi tội lỗi của họ như là nỗi bất hạnh ghê gớm nhất và phải thật lòng ăn năn sám hối. Không ai được phép xét xử và phân biệt giữa “người tốt” và “người xấu”. Chỉ một mình Chúa biết sự thật trong lòng con người.

Ngay khi nghe câu chuyện này, Đức Giêsu lập tức bác bỏ ý kiến cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa trọng tội và cái chết thảm. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng vụ thảm sát không nhất thiết cho thấy đây là vì các nạn nhân đã phạm một trọng tội kín ẩn nào đó. Đúng hơn, nó giống như những lời cảnh báo để nhắc nhở chúng ta rằng cái chết luôn luôn có thể đến, cả khi chúng ta ít trông chờ nó nhất. Đó là lý do chúng ta phải làm thức tỉnh nơi mọi người nhu cầu cấp bách của sự hoán cải bên trong, chấp nhận và thực thi hoán cải trước khi quá muộn. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bác bỏ ý kiến cho rằng sở dĩ những người Galilê bị Philatô giết và mười tám người bị tháp Siloê đè chết là vì họ tội lỗi hơn những người khác, rồi Đức Giêsu dạy tiếp rằng nếu những người đang nghe Ngài nói mà không hối cải tâm hồn, họ cũng có thể bị diệt vong giống như thế. Họ phải hối cải không phải vì sự hối cải có thể bảo vệ họ khỏi cái chết, nhưng vì sự hối cải đặt họ vào một tình trạng tốt lành về thiêng liêng và nhân bản để gặp Chúa của sự sống, trong sự thanh thản và bình an hoàn toàn của tâm hồn họ. Cái chết mà sự hối cải giải phóng chúng ta là cái chết đời đời, không phải cái chết của thân xác. Hình dung về Thiên Chúa như là nguồn gốc của cái chết thê thảm của một nạn nhân vì họ phạm trọng tội không phải là hình ảnh đúng về Thiên Chúa Cha được Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta. Người không phải là một Thiên Chúa báo thù kẻ có tội, nhưng là một Thiên Chúa kiên nhẫn luôn luôn hi vọng rằng, khi có đủ thời gian, loài người có thể nhận ra được rằng tình yêu họ nhận được là triệt để như thế nào, và nhận thức này sẽ mang lại hoa trái là tình huynh đệ và tình liên đới mà loài người cần phải thể hiện.

Suy cho cùng, đây chính là cái nhìn mà dụ ngôn này gợi ra, là luận điểm thần học được chuyển thể thành câu chuyện về một ông chủ vườn với cây vả và người thợ làm vườn của ông. Thất vọng vì không thu hoạch được trái vả nào từ cây vả mà ông đã chăm sóc nhiều năm, người chủ vườn quyết định chặt nó đi thay vì để nó choán đất trong vườn. Nhưng ngạc nhiên thay, người thợ làm vườn của ông đã can thiệp, anh ta xin ông cho thêm thời gian chăm sóc cây vả và bón phân cho nó, hi vọng nó sẽ ra quả. Đức Giêsu không đưa ra kết luận cho câu chuyện, nhưng Người gợi ý rằng ông chủ đã bỏ quyết định chặt cây vả, mở ra một con đường hi vọng. Nếu chúng ta thấy mình được phản chiếu trong hình ảnh cây vả, tin tốt lành cho chúng ta là thời gian mà Chúa Trời còn để cho chúng ta sống là cơ hội để cho ân sủng của Người hoạt động và tạo ra những kết quả nơi chúng ta, đó là sự bình an, niềm vui, sự công chính và tình yêu. Mặt khác, nếu chúng ta thấy mình được phản chiếu trong hình ảnh của người thợ làm vườn, nó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta phải cầu thay nguyện giúp và có những cố gắng để giúp những người khác ăn năn hối cải. Là cộng đoàn Hội Thánh, hiển nhiên chúng ta được kêu gọi có một cam kết hai chiều: thứ nhất, không ngừng hoán cải bản thân mình, ngày càng trở nên trong sáng trước Lời Thiên Chúa và dễ dạy với Thần Khí tình yêu ban sự sống; và thứ hai, làm việc cho sự hoán cải của thế giới, không bao giờ làm lu mờ khuôn mặt từ bi và nhẫn nại của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng chỉ muốn cứu thoát chứ không muốn kết án. Kinh nghiệm cho thấy rằng các trái tim của người ta thường đáp ứng một cách quảng đại khi họ cảm thấy mình được tin tưởng; chúng ta không chinh phục người ta cho tình yêu Thiên Chúa bằng sự sợ hãi, giam hãm họ trong những nỗi bất hạnh của họ. Ước mong rằng khoa sư phạm này hướng dẫn hoạt động truyền giáo của chúng ta mà không giảm thiểu giá trị ngôn sứ sắc bén của nó hay sự hiểu biết thâm sâu về bản tính con người và nội dung ơn cứu độ.

Hình ảnh cây vả trồng trong vườn nho có lẽ gợi ý rằng Nước Thiên Chúa (vườn nho) thì rộng lớn hơn Ítraen hay Giêrusalem (cây vả), và Đức Giêsu là Đấng Mêsia, người làm vườn của Thiên Chúa, đã đến để tìm trong Thành Thánh những hoa trái của nó là lòng thương xót, sự công chính và trung thành. Đây là những hoa trái Thiên Chúa ưa thích, những hoa trái mà “ông chủ vườn” mong đợi. Nhưng thời gian đang cạn dần và quyết định chặt bỏ cây vả đã được ông chủ tính đến, vì ông không thấy cây ra trái. Đây cũng là ý nghĩa của câu chuyện về cây vả không có trái của Máccô (Mc 13:28) và của Mátthêu (Mt 21:18-22; 24:32), với kết luận là cây vả bị nguyền rủa.

Nhưng điều ngạc nhiên là trong dụ ngôn của Luca, chính người làm vườn can thiệp với ông chủ vườn, xin ông kiên nhẫn thêm với cây vả của ông, nghĩa là xin ông dủ lòng thương Giêrusalem. Và cho rằng như thế vẫn chưa đủ, người thợ làm vườn còn tự nguyện làm bất cứ điều gì mình có thể để cái cây rất quí này sinh hoa trái. Bởi vì, như lời ngôn sứ Êdêkien tuyên bố trong câu đáp Allêluia hôm nay, Thiên Chúa không vui khi kẻ ác phải chết; trái lại, Người muốn họ ăn năn hối cải, bỏ đường gian tà và nếp sống tội lỗi của họ. “Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?” (Ed 33:11). Đáng tiếc là người ta đã không đón nhận lời mời gọi, không lắng nghe những lời cảnh cáo, không hiểu những dấu chỉ, không chấp nhận giờ của ân sủng. Nhưng trước khi thảm kịch cuối cùng của Giêrusalem xảy ra, chính Cây Sự Sống là Đức Giêsu đã chấp nhận bị chặt đi để sau cùng, gốc rễ mọi sự dữ được nhổ sạch và Cây ấy được trồng trong trái tim chúng ta, và sống mãi muôn đời bằng nhựa sống của Thánh Thần.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng