VÍA THẦN TÀI & CHUYỆN LÀM TÔI HAI CHỦ

  Cơm xong, Cha Quản Hạt quẹt quẹt cái điện thoại. Mắt cũng mờ do tuổi già sức yếu. Nhìn mãi thì ra được đó là ông Thần Tài. Kèm theo hình ảnh đưa cho coi đó thì Cha nói : “Nhà đó đó ! Trên thờ Chúa dưới Thần Tài”

          Có lẽ Cha Quản Hạt mới thấy lần đầu nhưng bỉ nhân thấy nhiều.

          Gia đình đạo đức, ngày nào bà cũng đến nhà thờ dự Lễ. Nhà có quán cà phê khá nhộn nhịp. Bên trên bàn thờ Chúa, ở dưới ông Thần Tài tổ chảng ngồi kề ông Địa.

          Chắc có lẽ hôm nay ngày mà người ta gọi là vía Thần Tài nên ai nào đó gửi hình nhà con cái trong giáo xứ có đạo thờ ông Thần Tài.

          Điều tra ra thì thấy Thần Tài xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng của người Trung Hoa du nhập vào Việt Nam từ rất lâu, có thể do các thương nhân người Việt buôn bán với Trung Quốc, bởi đa phần chỉ có những ai kinh doanh buôn bán mới biết tới Thần Tài và thờ Thần Tài. Ngày nay được phát triển mở rộng do ai cũng phải lo kinh tế, cũng phải đi làm để có thêm thu nhập, lo cho cuộc sống gia đình, những cán bộ công chức Nhà nước cũng được phép kinh doanh nên các gia đình cũng thờ Thần Tài.

          Ở nhiều truyền thuyết, Thần tài hóa thành gia nhân tên Như Nguyệt của Lái buôn Âu Minh. Từ khi Như Nguyệt tới ở, Âu Minh làm ăn thuận lợi, ngày càng phát đạt. Sau đó, vào một ngày tết, Như Nguyệt làm sai lời Âu Minh và bị đánh. Như Nguyệt sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Từ đó trở đi, Âu Minh làm ăn thua lỗ, sa sút rồi phá sản. Từ đó, người ta lập ban thờ Thần tài ở góc nhà, hướng ra cửa. Cũng từ truyền thuyết này mà người ta kiêng kị trong ba ngày Tết sẽ không quét nhà, hót rác, vì lo Thần Tài sẽ biến mất, việc làm ăn trong năm mới sẽ không được thuận lợi, kém may mắn.

          Với rất nhiều người đang kinh doanh buôn bán thì ngày vía Thần tài là ngày cực kỳ quan trọng, bởi ngày này không chỉ là ngày cảm ơn Thần tài đã phù hộ độ trì cho gia chủ trong năm qua, mà nó là ngày mong muốn đổi vía may mắn, vía Thần tài để cầu mong có thể làm ăn buôn bán thuận hòa, phát tài phát lộc.

          Ngày vía Thần tài là ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng.

          Thông thường vào ngày vía Thần tài này, người ta thường mua vàng để mong cầu may mắn, tài lộc cho công việc kinh doanh buôn bán của mình. Chính vì thế ngày này mà giá vàng thường cao hơn giá vàng thường ngày 1 chút, tuy nhiên mọi người cũng không nên quá sùng tín rủ nhau đi mua vàng ngày này, gây những nhiễu loạn thị trường vàng.

          Thờ Thần Tài để công việc hanh thông, được may mắn trong việc kinh doanh buôn bán, gặp được người sẵn sàng trợ giúp cho mình, sự nghiệp được thuận lợi, phát triển.

          Và như vậy, ta thấy những ai thờ Thần Tài thì họ dựa vào Thần Tài trong đời sống, trong công việc làm ăn của họ.

          Bản thân tôi, tôn trọng tín ngưỡng của mọi người vì đơn giản mỗi người đều có tự do tín ngưỡng cho mình. Họ tin ai thì họ theo và họ thờ người đó, đơn giản là vậy. Nên chăng mình tôn trọng niềm tin và tín ngưỡng của người khác và không phê phán cũng như lên án những ai chạy theo Thần Tài.

          Với Thần Tài, người Kitô hữu được mời gọi xác định rõ ràng về niềm tin của mình. Dứt khoát và rõ ràng rằng khi đã tôn thờ Chúa thì chắc chắn không được tôn thờ tiền bạc của cải như Chúa nói. Đã hơn một lần Chúa nói : Anh em không được làm tôi 2 chủ !

          Sức mạnh của Tiền Bạc thật là khủng khiếp. Chúa Giêsu đã so sánh nó với một ông chủ có khả năng cạnh tranh với chính Thiên Chúa. “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13). Việc tôn thờ tiền bạc không xứng hợp với việc phụng sự Thiên Chúa. Chúa đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó”.

          Nhìn cho kỷ, ta thấy Chúa Giêsu không lên án tiền bạc. Người không khinh chê của cải đời này. Chính Người đã phải lao động vất vả để sinh sống và nuôi sống cha mẹ mình. Khi ra rao giảng công khai, Người đã phải sống nhờ vào lòng tốt của kẻ khác, của bạn bè. Tiền của cần cho cuộc sống. Nó cần cho ta làm điều thiện và cho xã hội xây dựng các công trình công ích như nhà thương, nhà trường, nhà tình thương, nhà nuôi người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, xây dựng đường sá, cầu cống, nhà máy điện, Nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ… Chúng ta cần tới tiền bạc nhưng phải giữ sự thanh thoát đối với nó. Ta sẽ không để cho của cải chóng qua làm chủ ta nếu ta thường xuyên nghiền ngẫm lời cảnh cáo sau đây của Chúa Giêsu: “Được cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình thì nào có lợi chi!” (Mt 16, 26).

          Thật vậy, ta thấy của cải vật chất là cần thiết nhưng rồi của cải tự nó không mang lại hạnh phúc cho con người. Nó phải là một phương tiện, một người tôi tớ. Nhưng khốn thay, tên đầy tớ này rất có uy quyền, rất dễ trở thành ông chủ của con người, để con người phục dịch nó với bất cứ giá nào. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đó là trật tự phải tôn trọng. Nhưng đây không phải là vấn đề thời gian sau trước nhưng là vấn đề giá trị mà khi cần phải chọn lựa, ta phải biết đâu là thiết yếu đâu là thứ yếu.

          “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi”. Sống theo ưu tiên đó, chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Tìm kiếm sự công chính, tức là nổ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa. “Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những nhu cầu vật chất mà Chúa Giêsu đề cập đến như: thức ăn, áo mặc, đây là những nguyên do lo lắng của dân ngoại, nhưng không của con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hứa với “những người công chính” là Thiên Chúa sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày.

          Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

          Mỗi người chúng ta có quyền tự do chọn Thiên Chúa hay chọn Thần Tài. Sự chọn lựa ấy tự mỗi người chúng ta chọn lựa và đáp trả.

Lm. Anmai, CSsR