Cô Marie Bouchard chọn phục vụ những người nghèo nhất ở Madagascar

Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22 tuổi đã đến Madagascar tham gia hoạt động tình nguyện kéo dài 10 tháng. Sau khi được đào tạo, cô tham gia chăm sóc y tế cho các trẻ em tại một trung tâm do Hội dòng các Nữ tu Bệnh viện Lòng thương xót điều hành.
 

Vatican News

Marie cho biết, tại Madagascar cô làm nhiều hơn những gì đã học được ở Pháp. Thực tế, cô không chỉ chăm sóc các bệnh nhi, mà còn làm việc như một bác sĩ trong việc kê thuốc, tư vấn sức khoẻ, phụ mổ, khâu vết thương, và cộng tác trong trong khoa sản.

Thiếu nữ 22 tuổi chia sẻ muốn ra đi dành thời gian cho những người thiếu thốn nhất. Để làm được điều này cô không nghĩ đến mình nhiều, không dành thời gian cho đời sống cá nhân. Cô nói: “Trong tuần, tôi làm việc ba lần tại trung tâm y tế, tôi cũng là giáo viên dạy tiếng Pháp cho các trường mẫu giáo và trung học, một tuần hai lần. Mỗi tuần, tôi còn đến thăm các nhà tù dành cho phụ nữ và trẻ em với các tình nguyện viên khác, và chúng tôi cùng nhau chăm sóc thư viện thành phố, nơi chào đón trẻ em từ tiểu học đến sinh viên đại học. Tại đó, sứ vụ của chúng tôi là chào đón trẻ em và giúp đỡ, khuyến khích các em đọc sách. Cũng tại đây, tôi dạy tiếng Anh và cùng với linh mục, tổ chức các buổi gặp gỡ dành cho trẻ em khuyết tật, mỗi tuần một lần. Tóm lại, ở đây tôi bận rộn suốt tuần”.

Cách đây 9 tháng, khi đến đây, Marie Bouchard không nói được tiếng Madagascar, nhưng cô vẫn cố gắng hết sức để hỗ trợ và đồng hành với các bệnh nhân. Cô kể tiếp: “Từ khi bắt đầu sứ vụ và cho đến nay ngôn ngữ luôn là một rào cản. Nhất là các gia đình đến từ khu rừng sâu, họ không thể nói tiếng Pháp, cả tiếng Madagascar cũng khó hiểu. Đối với những người này, cầu nguyện chung và chia sẻ nụ cười giúp chúng tôi hiểu nhau”.

Tuy nhiên, theo tình nguyện viên trẻ người Pháp, từ những điều đơn giản có thể giúp bệnh nhân và gia đình họ yên tâm khi họ muốn trao phó sức khoẻ cho cô. Cô nói: “Bệnh nhân hỏi tôi có phải người Công giáo không. Tôi cố gắng hết sức có thể dùng tiếng Madagascar giải thích cho họ, và ngay lập tức họ cảm động. Khi có một người sắp chết, đôi khi gia đình muốn tôi đến chỉ đơn giản hiện diện và đồng hành với họ”.

Cô cũng nhận ra rằng các bệnh nhân Madagascar thường che giấu nỗi đau. Họ cho rằng không cần phải thể hiện hết cảm xúc của mình. Cô giải thích: “Trong việc hỗ trợ bệnh nhân, văn hóa Madagascar khác văn hoá Pháp. Vì khái niệm về nỗi đau hoàn toàn không giống nhau. Lúc đầu, điều này làm tôi lo ngại, ở đây mọi người sống rất nội tâm, ít bộc lộ cảm xúc. Hơn nữa, niềm tin còn giúp nhiều cho người bệnh: Tôi thấy bệnh nhân thực hành đạo rất tốt, chẳng hạn trước mỗi lần điều trị, mỗi lần băng, mỗi lần tiêm, cả gia đình quây quần bên người bệnh để cầu nguyện. Đây là những khoảnh khắc tôi chia sẻ với họ và tôi rất cảm động”.

Ở Madagascar, 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ, chi phí chăm sóc sức khỏe quá đắt đối với nhiều người và do đó tình hình sức khỏe rất phức tạp. Cô Marie xác nhận: “Từ khi đến đây, tôi giúp đỡ đẻ, có nhiều trẻ đã chết hơn số trẻ còn sống. Thật không may, tôi cũng có cơ hội đồng hành cùng những bệnh nhân sắp chết, những bé gái chết vì bệnh sốt rét hoặc sốt thương hàn. Và ở đó tôi cảm thấy mình có sứ vụ đồng hành”.

Trong khi thi hành sứ vụ tình nguyện này, thiếu nữ 22 tuổi nhớ và ý thức về lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong Ngày Thế giới Bệnh nhân 11/02. Ngài khích lệ mọi người tìm nguồn cảm hứng từ hình ảnh Người Samari nhân hậu. Đó là “khả năng dừng lại, đến gần bên, bày tỏ sự dịu dàng, xoa dịu những vết thương đau khổ của anh chị em”. Ngài nhắc nhở: “Người bệnh, người yếu đuối, người nghèo là trung tâm của Giáo hội và cũng phải là trung tâm của sự chú ý của con người và mối quan tâm mục vụ của chúng ta”.

Đặc biệt trong tháng 7 này, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho việc chăm sóc mục vụ các bệnh nhân, để những người đau khổ, nhờ bí tích Xức dầu bệnh nhân nhận được “lòng thương xót và hy vọng”. Với ý thức này, cô Marie Bouchard cho rằng quyết định làm tình nguyện viên phục vụ những người thiếu thốn nhất là cách đáp lại lời mời gọi của vị cha chung.