ĐHY Parolin: Toà Thánh hiện diện tại LHQ 60 năm qua để bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm

Kỷ niệm 60 năm Toà Thánh hiện diện tại Liên Hiệp Quốc trong tư cách quan sát viên, ngày 30/9/2024, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Gia ở New York và có cuộc gặp gỡ các đại diện thường trực, các đại sứ tại tổ chức quốc tế.
 

Vatican News

Giảng trong Thánh lễ, sử dụng cách diễn đạt khó quên của Thánh Phaolô VI, Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Liên Hiệp Quốc vào năm 1965, Đức Hồng Y Parolin nói với tư cách là “chuyên gia về nhân loại”, trong 60 năm qua, Toà Thánh luôn bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền của mỗi người, bắt đầu từ quyền sống. Toà Thánh lên tiếng cho công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị lãng quên: những người di cư và tị nạn. Một hoạt động luôn được thực hiện theo con đường của Chúa Giêsu, đó là phục vụ.

Đức Hồng Y cũng nhắc lại ơn gọi và sự dấn thân này của Toà Thánh tại buổi gặp gỡ các đại diện thường trực, các đại sứ, tại hội trường của Nhà thờ. Ngài nhấn mạnh, chức năng “quan sát viên” không có nghĩa là Toà Thánh quan sát diễn biến các sự kiện một cách “thụ động và không cam kết”. Toà Thánh cũng không bao giờ tự cho mình là một thực thể chính trị tìm kiếm quyền lực và ảnh hưởng. Toà Thánh đã và tiếp tục là tiếng nói đạo đức ủng hộ hoà bình, công lý và nhân phẩm.

Trích lời Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, một lần nữa, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói: là “chuyên gia về nhân loại”, Tòa Thánh, trong tư cách là một thực thể tôn giáo và ngoại giao, Tòa Thánh kết nối những chia rẽ và thúc đẩy sự hiểu biết qua các ranh giới văn hóa và ý thức hệ, liên tục nhấn mạnh rằng tiến bộ thực sự chỉ có thể đạt được khi các chiều kích tinh thần và đạo đức của sự hiện hữu con người được công nhận và tôn trọng.

Cuối cùng, Đức Hồng Y mời gọi các đại diện thường trực, các đại sứ tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục hướng tầm nhìn về một thế giới, trong đó hoà bình và nhân phẩm không chỉ đơn giản là những khát vọng, nhưng là một thực tế mà tất cả đều trải qua. Ngài nói: “Chúng ta làm việc không mệt mỏi để xây dựng những nhịp cầu hiểu biết, hàn gắn những chia rẽ và tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới. Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu chúng ta cùng nhau nói chuyện và bước đi, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp lại”.