Điểm đầu tiên: Cái nhìn quan tâm của Chúa Giêsu dành cho người mù. Khi đến hồ Silôác, Chúa thấy người mù. Các môn đệ cũng thấy anh nhưng dừng lại ở việc đặt ra những câu hỏi liên quan đến tội, bị Thiên Chúa phạt, tù nhân của một cái nhìn loại trừ. Trái lại, Chúa thấy trong anh một người anh em cần được giải thoát, được cứu độ.
Đức Thánh Cha nhận xét: “Trong văn hoá thành kiến, Chúa Giêsu bác bỏ hoàn toàn cách nhìn này. Vì thế Người khẳng định: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội, là nguyên nhân của bệnh tật. Đây là những lời giải thoát, đón nhận và cứu độ. Ngày nay, thật không may, người ta chỉ quen quan tâm đến vẻ bề ngoài. Nhưng Tin Mừng dạy chúng ta cần phải quan tâm đến những người bệnh, người yếu đuối. Bởi vì họ có thể là những người ở trung tâm cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu, Đấng mở ra sự sống và đức tin, xây dựng tương quan huynh đệ và liên đới”.
Về điểm thứ hai, Đức Thánh Cha đề cập đến việc Chúa Giêsu chữa cho anh mù được sáng mắt với câu Tin Mừng “để công trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi anh” (Ga 9, 3). Ngài nói rằng Chúa Giêsu không dửng dưng trước đau khổ của anh mù. Vì thế Chúa cũng mời gọi chúng ta hành động ngay lập tức, để xoa dịu, an ủi và chữa lành vết thương cho người bệnh.
Theo Đức Thánh Cha, ở đây có một sự nghịch lý: Anh mù gặp Chúa Giêsu, Đấng là Ánh Sáng thế gian, thì được sáng mắt; trong khi chúng ta gặp Chúa Giêsu, chúng ta vẫn bị mù, không có khả năng nhìn thấy. Để khắc phục điều này, cần phải nhìn thế giới và anh chị em với cái nhìn của Chúa Giêsu.
Điểm sau cùng, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể hài lòng vì được chiếu sáng, nhưng chúng ta phải là những chứng nhân của ánh sáng. Trong khi người Pharisêu khép mình trong các truyền thống và sự cứng nhắc, lên án người mù là ‘tội nhân’, thì anh mù với sự đơn sơ tuyên xưng ‘Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được’, và anh trở thành chứng tá của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu trong cuộc sống qua việc chào đón và tình huynh đệ dành cho người khác”.