Valentina Alazraki và Philip Pullella là hai nhà báo kỳ cựu, đã từng tháp tùng nhiều chuyến tông du của các Giáo hoàng. Bà Valentina Alazraki người Mexicô, từ năm 1979, khi đó còn rất trẻ, đã cùng tháp tùng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trên chuyến bay đến Puebla, Mêxicô, và đã tặng ngài chiếc mũ rơm rộng vành sombrero của Mexicô. Trong khi ông Philip Pullella, người Mỹ gốc Ý, là nhà báo thâm niên của hãng tin Reuter tại Roma.
Trong bài nói chuyện với các nhà báo hiện diện, Đức Thánh Cha diễn tả: “Với việc trao huân chương cho hai nhà báo Valentina và Philip hôm nay, cách nào đó, tôi bày tỏ lòng quý mến đối với tất cả cộng đồng nhà báo; để nói rằng Giáo hoàng yêu mến quý vị, dõi theo quý vị, quý trọng quý vị và xem quý vị thật đáng quý.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: báo chí không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mạng. Giống như bác sĩ, các nhà báo có sứ mạng nghiên cứu và làm việc để chữa lành những cái xấu của thế giới qua việc giải thích thế giới và làm cho nó bớt trong bóng tối. Tuy nhiên, cũng có nguy cơ là nhà báo để mình bị tin tức nghiền nát thay vì có khả năng mang lại cho nó một ý nghĩa. Do đó, Đức Thánh Cha khuyến khích các nhà báo gìn giữ và trao dồi ý thức về sứ mạng của họ. Và ngài khai triển điều này qua ba động từ: lắng nghe, đào sâu và kể lại.
Trước hết là lắng nghe với tư cách của nhà báo nhưng cũng với tư cách của Giáo hội, đặc biệt trong tiến trình Thượng hội đồng về hiệp hành. Việc lắng nghe luôn cần sự kiên nhẫn để hiểu nhân vật chính của câu chuyện. Đồng thời nghe cũng luôn đi đôi với nhìn về những sắc thái, cảm xúc đối với những gì tận mắt chứng kiến. Đức Thánh Cha nhắc rằng: để báo chí nghe và nhìn tốt thì cần phải có thời gian, không phải mọi thứ đều có thể trao đổi qua email, điện thoại hoặc màn hình. Ngài nhắc lại sứ điệp cho Ngày Thế giới truyền thông năm nay rằng: “chúng ta cần những nhà báo sẵn sàng ‘mòn đế giày’, rời khỏi toà soạn, bước đi trên các ngả phố, gặp gỡ mọi người để xác minh một số tình huống trực tiếp.”
Động từ thứ hai là đào sâu. Nó là hệ quả của việc nghe và nhìn. Mọi tin tức, mọi sự kiện chúng ta nói đến, mọi thực tế mà chúng ta mô tả đều cần phải được nghiên cứu thêm. Trong thời đại mà hàng triệu thông tin có sẵn trên mạng và nhiều người hình thành quan điểm của họ dựa trên mạng xã hội, nơi mọi sự bị đơn giản hoá và tạo nên sự đối lập, thì đóng góp quan trọng nhất mà một nền báo chí tốt có thể tạo ra là sự đào sâu.
Cuối cùng, động từ thứ ba là kể lại. Đức Thánh Cha nhắc rằng: Kể có nghĩa là không đặt bản thân lên trước, cũng không đứng lên làm phán xét, nhưng có nghĩa là “để cho mình bị đụng đến và đôi khi bị tổn thương bởi những câu chuyện mà chúng ta gặp, để có thể kể lại chúng một cách khiêm tốn cho độc giả của chúng ta.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “vui lòng hãy nhớ rằng Giáo hội không phải là một tổ chức chính trị”, với cánh tả và cánh hữu trong đó, như xảy ra trong các quốc hội. Giáo hội cũng không phải là một đại công ty đa quốc gia tìm cách bán tốt hơn các sản phẩm của họ. Giáo hội không tự xây dựng trên các dự án của chính mình. Nhưng Giáo hội, bao gồm những người nam và người nữ tội lỗi như bao người khác, được khai sinh và tồn tại để phản chiếu ánh sáng của Một Đấng Khác. Giáo hội tồn tại để “mang Lời của Chúa Giêsu đến với thế giới và làm cho cuộc gặp gỡ hôm nay với Đấng hằng sống trở nên có thể, biến mình thành trung gian của vòng tay thương xót của Người dành cho tất cả mọi người.”