Giáo hội Sri Lanka tiếp tục tìm công lý cho các vụ đánh bom vào Chúa nhật Phục Sinh 2019

Vatican News –  Giáo hội Sri Lanka tiếp tục tố cáo sự che đậy vụ đánh bom vào Chúa nhật Phục Sinh 2019, làm cho 261 người thiệt mạng, và tìm kiếm công lý cho các nạn nhân bằng cách kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế do Liên Hiệp Quốc đứng đầu.

Chúa nhật Phục Sinh 21/4/2019, 9 kẻ đánh bom tự sát liên kết với nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương National Thowheed Jamath đã làm nổ tung hai nhà thờ Công giáo thánh Sebastiano ở Negombo và thánh Antôn ở Kotahena và nhà thờ Tin Lành Sion ở Batticaloa, và 3 khách sạn sang trọng, giết chết ít nhất 261 người, trong đó có 37 người nước ngoài và làm bị thương khoảng 500 người.

Từ đó, Giáo hội Công giáo đã nhiều lần cáo buộc chính quyền Sri Lanka không đưa ra một giải thích rõ ràng về việc bằng cách nào những kẻ khủng bố có thể thực hiện cuộc tấn công mặc dù đã có tin tình báo cho biết cuộc tấn công sắp xảy ra. Giáo hội cho rằng vụ việc “không hoàn toàn là hoạt động của những kẻ cực đoan, nhưng là một âm mưu chính trị lớn”.

Chỉ tới ngày 12/01/2023, Tòa án Tối cao Sri Lanka mới ra phán quyết buộc cựu Tổng thống Sri Lanka và một số quan chức nhà nước phải bồi thường cho các nạn nhân trong cuộc tấn công vào lễ Phục Sinh 2019.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây dành cho Vatican News, đánh dấu 4 năm thảm kịch, cha Julian Patrick Perera, thư ký nhóm pháp lý của Tổng Giáo Phận Colombo than phiền về thiếu công lý đối với các vụ đánh bom, cho rằng không có cuộc điều tra thích hợp nào được hoàn thành về tất cả vấn đề, dường như có bằng chứng về sự che đậy qua việc loại bỏ một số điều tra viên chủ chốt ra khỏi vụ án. Cha nói: “Chúng tôi xem việc tìm kiếm công lý và tiết lộ sự thật là nghĩa vụ quốc gia mà chúng tôi có thể làm cho đất nước”.

Vì mục đích này, cha cho biết thêm, tại khoá họp 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cha đã tuyên bố các toà án Sri Lanka đã không đưa ra một bản án hình sự nào đối với những kẻ chủ mưu vụ tấn công, và kêu gọi Liên Hiệp Quốc đứng đầu trong vụ điều tra này.

Cha chỉ ra rằng Giáo hội đang tìm kiếm công lý không chỉ cho các tín hữu Công giáo, nhưng còn cho toàn thể người dân Sri Lanka, bởi vì chỉ khi tìm ra được thủ phạm, Sri Lanka mới có thể là một quốc gia tự do. Cha khẳng định: “Các Kitô hữu phải tha thứ, và người Công giáo Sri Lanka muốn tha thứ cho những người đã tấn công vào Chúa nhật Phục Sinh năm 2019, nhưng chúng tôi muốn biết mình phải tha thứ cho ai. Tạ ơn Chúa, chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ, và chúng tôi tiếp tục”.