Trong một tuyên bố gửi cho hãng tin Ecclesia, các Giám mục Bồ Đào Nha viết: “Như chúng tôi đã tái khẳng định nhiều lần trong suốt quá trình lập pháp hiện đã kết thúc, với việc hợp pháp hóa an tử, nguyên tắc cơ bản về quyền bất khả xâm phạm sự sống con người bị phá vỡ và những cánh cửa nguy hiểm mở ra cho việc mở rộng các tình huống trong đó một người có thể yêu cầu trợ tử.”
Các Giám mục hiểu rằng, với việc hợp pháp hóa thực hành “an tử”, “sự sống con người không được bảo vệ nhưng bị tấn công nghiêm trọng vào giá trị và phẩm giá của nó.” “Cái chết hiện được trình bày như một giải pháp cho sự đau đớn và đau khổ, thay vì thúc đẩy việc chăm sóc giảm nhẹ nhân đạo cho đến khi kết thúc cuộc đời một cách tự nhiên.” Các ngài lặp lại lời kêu gọi các gia đình và chuyên gia y tế, những người phải luôn được đảm bảo quyền phản đối vì lương tâm, dứt khoát từ chối những khả thể được mở ra bởi việc hợp pháp hóa thực hành an tử.”
Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha nhận định rằng hợp pháp hoá an tử và trợ tử là “một bước thụt lùi rõ ràng về mặt văn minh.” Các ngài hy vọng việc này có thể bị thu hồi và “sự sống con người, vốn là món quà vô giá, một lần nữa sẽ được coi trọng và bảo vệ trong tất cả các giai đoạn của nó.”
Tuyên bố của các Giám mục cũng nói: “Chúng tôi chia sẻ nỗi buồn được Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ vào ngày 13/5, sau khi quốc hội xác nhận cho phép hỗ trợ cái chết về mặt y tế.”
Quốc hội Bồ Đào Nha hợp pháp hoá trợ tử
Ngày 12/5, Quốc hội Bồ Đào Nha đã bỏ phiếu cho phép hỗ trợ tự tử về mặt y tế trong một số trường hợp hạn chế. Luật pháp quy định rằng một người yêu cầu trợ tử phải “ở trong tình trạng đau đớn dữ dội, với thương tật nghiêm trọng hoặc mắc bệnh nghiêm trọng và không thể chữa khỏi.”
Một bác sĩ cũng có thể làm cho bệnh nhân chết “an tử” khi “việc trợ tử về mặt y tế không thể thực hiện được do bệnh nhân bị khuyết tật về thể lý.” Trợ tử là việc cung cấp thuốc gây chết người để bệnh nhân có thể tự kết liễu sự sống, trong khi an tử là việc bác sĩ trực tiếp làm cho bệnh nhân “chết cách nhẹ nhàng”.
Luật mới của Bồ Đào Nha, được đa số phiếu thông qua, đảo ngược quyền phủ quyết trước đó của Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, một tín hữu Công giáo. (CSR_1969_2023)