Khóa họp của các tổ chức giúp Giáo Hội Đông Phương (ROACO)

Trong số những quốc gia và miền được Đức Thánh Cha thường xuyên kêu gọi các tín hữu quan tâm cầu nguyện và trợ giúp bằng mọi cách có Ucraina và Thánh Địa. Đây cũng là những vùng được coi là trọng tâm của khóa họp năm nay của Liên tổ chức trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là ROACO, từ ngày 24 đến 27/6/2024 tại Roma.
 

Giuse Trần Đức Anh, O.P

 ROACO là từ viết tắt từ tiếng Ý: “Riunione Opere Aiuto Chiese Orientali”. Tổ chức này được thành lập năm 1968 dưới sự điều động của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Bộ này không có phương tiện tài chánh riêng, nhưng liên kết sự cộng tác của 28 cơ quan bác ái Công Giáo, trong đó có Hội hiệp sĩ Thánh Mộ, hiệp hội Đức trợ giúp Thánh Địa, Hội hiệp sĩ Malta, Caritas Đức, Misereor, Missio, Renovabis, Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, tổ chức Thụy Sĩ tên là Bêlem trợ giúp trẻ em, v.v.

 Được mời tham dự cũng có các vị Sứ thần Tòa Thánh, và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở các nước liên hệ, các vị lãnh đạo của Bộ các Giáo Hội Đông phương, các đại diện của Bộ ngoại giao và Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bộ hiệp nhất các tín hữu Kitô, các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và Hội Thánh Nhi.

 Khóa họp năm ngoái

 Khóa họp thứ 96 hồi năm ngoái, đã tiến hành từ ngày 19 đến 22/6 tại Nhà dòng La San ở Roma.

 Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và cũng là Chủ tịch khóa họp Roaco, đã chủ sự Thánh lễ khai mạc chính thức lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 20/6 và trong lễ, mọi người đã cầu nguyện cho hòa bình, và các ân nhân còn sống và đã qua đời của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

 Phiên họp đầu tiên đã được dành để bàn về tình hình Giáo Hội tại Thánh Địa, với bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, người Philippines, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem, Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, và tu huynh La San Peter Bray, Phó chưởng ấn đại học Công Giáo Bêlem. Các tham dự viên được thông báo về kết quả cuộc lạc quyên trong Giáo Hội để trợ giúp Thánh Địa hồi năm trước đó.

 Cuối buổi sáng ngày họp đầu tiên ấy (20/6/2023), Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đến gặp gỡ và phát biểu tại Hội nghị: ngài trình bày về hoạt động của Tòa Thánh liên quan đến Ucraina, Trung Đông và Etiopia.

 Ban chiều cùng ngày, Hội nghị bàn về tình trạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, với bài trình bày của các vị sứ thần Tòa Thánh tại hai nước liên hệ. Sau cùng là tình tình xã hội, chính trị và tôn giáo tại Eritrea do Đức Tổng Giám Mục Menghesteab Tesfamariam ở thủ đô Asmara của nước này trình bày.

 Thứ Tư ngày 21/6 được dành để lắng nghe 30 bạn trẻ, thuộc Công Giáo Đông phương từ 13 nước đến Roma từ 16 đến 23/6, để suy tư về đề tài “Giáo Hội chia sẻ hành trình với người trẻ: những tác nhân trẻ phục vụ công ích”. Họ có dịp làm quen, cầu nguyện chung, suy tư về những yếu tố liên quan đến đề tài và chia sẻ với đại hội Roaco về cách thức thăng tiến công ích trong đó người trẻ giữ vai chính.

 Khóa họp thường niên luôn kết thúc với cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha.

 Huấn từ của Đức Thánh Cha

 Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22/6/2023 dành cho các tham dự viên, Đức Thánh Cha cho biết ngài cảm thấy khó thở vì hậu quả của việc đánh thuốc mê trong 3 tiếng đồng hồ chiều ngày 7/6 trước đó để phẫu thuật ở bụng dưới. Vì thế, ngài không đọc bài diễn văn dọn sẵn, nhưng trao cho mọi người để đọc sau và ngài chỉ nói ít lời chào thăm họ.

Trong diễn văn trao tay, Đức Thánh Cha ca ngợi lòng quảng đại liên đới của các tổ chức bác ái và khẳng định rằng “Lòng quảng đại liên đới thường là câu trả lời cụ thể duy nhất đối với bất công và đau khổ đang đè nén bao nhiêu người. Tôi cám ơn các bạn vì đã tận tụy đối với một tình liên đới chân thực, giúp chữa lành những vết thương và như một sự vuốt ve trên khuôn mặt người đau khổ. Một sự vuốt ve mang lại hy vọng trong cơn lốc của những xung đột”.

 “Ngày nay, thật là kinh khủng sự tương phản đối với ý định của Thiên Chúa: ý định hòa bình, huynh đệ và hòa hợp cho tất cả mọi người. Ý định Chúa mời gọi hãy ngưng đánh nhau và tốt hơn hãy liên kết sức mạnh để chiến đấu chống nạn đói và bệnh tật”.

 “Anh chị em thuộc tổ chức ROACO, anh chị em dấn thân vào thửa đất khô cằn vì đau khổ để làm nảy sinh những mầm mống hy vọng. Tôi nghĩ đến sự dấn thân gần đây của anh chị em để góp phần chữa lành những vết thương do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, giữa những đau khổ hằng ngày của dân chúng bị thử thách cam go dường ấy. Tôi hy vọng anh chị em có thể thực sự giúp đỡ các dân tộc ấy. Bao nhiêu hứa hẹn đã được đưa ra, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc dùng hệ thống ngân hàng để chuyển các khoản cứu trợ cho các nạn nhân. Tôi cám ơn anh chị em đã dấn thân rất nhiều để cứu giúp Ucraina, để nâng đỡ những người di tản nội địa và người tị nạn…”.

 Khóa họp năm nay

 Khóa họp năm nay, theo chương trình do Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương công bố, sẽ diễn ra tại Hội trường trụ sở Bề trên Tổng quyền dòng Tên, chỉ cách Vatican gần 200 mét: bắt đầu từ chiều thứ Hai ngày 24/6, với cuộc họp của ban lãnh đạo. Sáng hôm sau, ngày 25/6, Đức Hồng Y Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sẽ chủ sự Thánh lễ khai mạc, trong đó, như thường lệ ngài sẽ nhắc nhớ và cầu nguyện cho các ân nhân còn sống và đã qua đời, cũng như cầu nguyện cho hòa bình, phó thác cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa những dân nước đang chịu đau khổ vì chiến tranh, cũng như chính khóa họp này.

 Trong phiên họp đầu tiên, các tham dự viên sẽ đề cập đến tình hình tại Thánh Địa, với các bài trình bày của Đức Tổng Giám Mục Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem, Adolfo Tito Yllana, Cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa Francesco Patton, Sư huynh dòng La San Hernan Santos, Phó chưởng ấn Đại học Bêlem. Ngoài ra, các tham dự viên sẽ được thông báo về kết quả cuộc lạc quyên trong Giáo Hội dịp Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.

 – Ban chiều cùng ngày 25/6/2024, Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh Paul Gallagher sẽ trình bày tổng quát về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh hiện nay, đặc biệt liên quan đến Ucraina, Trung Đông và Etiopia. Sau đó, sự chú ý của mọi người sẽ được chuyển sang miền Karabakh, một lãnh thổ rộng 4.400 cây số vuông với dân số 140 ngàn người, phần lớn là người Armeni, nhưng nằm gọn trong lãnh thổ Azerbaigian, vì thế từ lâu đã có xung đột giữa Armeni thuộc Giáo Hội Armeni Tông truyền và dân Azerbaigian theo Hồi giáo. Từ tháng 9 năm ngoái (2023), quân Azerbaigian tổng tấn công vào miền Karabakh, giải tán các lực lượng Armeni địa phương cũng như Cộng hòa Artsakh do người Armeni thành lập. Người Armeni phải chạy về Cộng hòa Armeni tị nạn.

 Hiện nay đang có sự xung khắc lớn giữa Giáo Hội Armeni Tông truyền và chính phủ Cộng hòa Armeni. Giáo Hội tố giác nhà cầm quyền Armeni đơn phương nhượng bộ những đòi hỏi của Azerbaigian, còn thủ tướng Pasinyan của Armeni thì gọi các Giám Mục là những người khiêu khích, muốn dẫn tới chiến tranh như thời Bizantine xưa kia (Asia News 21/6/2024)

 Khóa họp Roaco cũng quan tâm đến tình hình tại Kabarakh và Armeni, nên đã mời Ông Gevork Gasoyan, đặc trách dịch vụ xã hội thuộc tòa Thượng Phụ Etchmiadzin kiêm đại diện Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Armeni Tông truyền, trình bày thực trạng địa phương.

 – Sang đến thứ Tư 26/6/2024, các tham dự viên khóa họp của ROACO sẽ suy tư về vấn đề “Việc mục vụ cho các tín hữu Công Giáo Đông phương cư ngụ ngoài lãnh thổ của mình: những thách đố và cơ may ngày nay”, với bài trình bày của Đức Cha Borys Gudziak, Tổng Giám Mục giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ, của các tín hữu Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông phương; Đức Cha Frank Kalabat, Giám Mục giáo phận thánh Tôma Tông Đồ của các tín hữu Công Giáo Canđê ở thành phố Detroit bên Hoa Kỳ, cha Éric Millot, Giám đốc Văn phòng di dân và truyền giáo thuộc Hội đồng Giám Mục Pháp, Đức Cha Antoine Audo, Giám Mục giáo phận Alep, Syria, của các tín hữu Công Giáo Canđê; Cha Daoud Boutros Tayegh, Tổng thư ký Hội đồng mục vụ của giáo phận Jounieh bên Libăng, sau cùng là Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria, sẽ trình bày về sự phát triển dự án “các bệnh viện mở”.

 Khóa họp sẽ kết thúc với cuộc họp của ban chỉ đạo để hoạch địch các cuộc hẹn trong tương lai. Sau cùng, sáng thứ Năm ngày 27/6/2024, các tham dự viên sẽ được Đức Thánh Cha tiếp kiến.