Suy niệm tuần IV Thường niên A

Thứ Hai tuần IV Thường niên
Trình thuật giải thoát một người bị quỷ ám là một dụ ngôn sống động làm ta suy nghĩ về chỗ đứng của tiền tài của cải vật chất trong cuộc đời của mình.
Ba lần động từ ‘van xin’ được sử dụng để quy về Đức Giêsu. Trước hết các thần ô uế (đạo binh) khẩn khoản nài xin Đức Giêsu đừng đuổi chúng đi ra khỏi vùng ấy. Quả vậy, trong vùng đất của dân Ghêrasa, đất dân ngoại, các thần ô uế làm chủ. Nên chúng nài xin Đức Giêsu cho chúng nhập vào đàn heo. Đức Giêsu cho phép vì đối với Ngài việc giải thoát một con người, được dựng nên giống hình Thiên Chúa, thì quan trọng hơn là việc mất mát một đàn heo. Hai ngàn con heo lao xuống biển và chết ngộp hết: một thảm kịch cho dân Ghêrasa.
Dân chúng sai một nhóm đại diện đến nài xin Đức Giêsu ra khỏi vùng đất của họ. Họ không sẵn sàng để hy sinh những của cải vật chất như cái giá cho việc giải thoát một con người. Đức Giêsu, đã dạy rằng không được làm tôi hai chủ (Thiên Chúa và tiền của), đối với họ là một kẻ gieo tai họa. Họ chuộng của cải hơn Đức Giêsu: họ nài xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Thật đáng buồn khi thấy Đức Giêsu bị  đuổi ra ngoài cửa. Không thể trách cứ họ: vì họ không biết việc họ làm, bởi lẽ họ là dân ngoại. Cũng đáng buồn khi ngày nay thấy Đức Giêsu bị đừng ngoài cửa trong một vùng đất ‘kitô giáo’, bởi những gia đình kitô, bởi những người tự cho là kitô hữu, nhưng không sẵn sàng yêu mến Thiên Chúa hơn của cải. Tôi có ở trong số những người ấy không?
Sau cùng người bị quỷ ám, một khi đã được chữa khỏi, đã nài xin Đức Giêsu: nài xin được ở với Người. Nhưng Người không chấp nhận; Người sai anh đi về nhà anh. Bởi lẽ không phải tất cả những ai gặp gỡ Đức Kitô đều có cùng một ơn gọi như nhau. Nhưng tất cả đều phải có bổn phận loan báo lòng thương xót của Chúa.
Thứ ba Tuần IV Thường niên
Trước bệnh tật và cái chết, người ta không còn để ý nhiều đến những khác biệt nữa. Ta cảm thấy bình đẳng như nhau: giàu nghèo, quyền thế hay không có địa vị, do thái hay dân ngoại. Đó chính là trải nghiệm của hai nhân vật trong tin mừng hôm nay. Ông Giairô, trưởng hội đường, thấy con gái mình đang chết mà không thể làm gì để can thiệp. Người đàn bà ngoại giáo, đau bệnh xuất huyết, dù đã hao tốn biết bao tiền bạc, nhưng không thể cải thiện tình trạng. Sức khỏe suy yếu, cái chết của một người thân đặt ta trước một sự bất lực, trước sự nhỏ bé, trước những giới hạn của ta. May mắn thay những người ý thức mình chỉ là những tạo vật, thấy mình cần đến Đấng Tạo Dựng nên mình.
Ông Giairô và người đàn bà ngoại giáo biết điều này. Họ tìm đến với Đức Giêsu, mỗi người một cách, thể hiện một cử chỉ đầy sự khiêm tốn. Ông trưởng hội đường sụp lạy dưới chân Thầy; người đàn bà bằng lòng với việc chạm nhẹ vào vạt áo của Chúa. Trong cả hai trường hợp, Chúa động lòng thương vì lòng tin của họ, Ngài muốn củng cố niềm tin ấy. ‘Ai chạm đến Ta? Và người đàn bà muốn ẩn mình trong đám đông, đến trình diện dưới chân Chúa: ‘Đức tin con đã chữa con’. Đức Giêsu nghe biết con bé vừa mới chết, đã nói với ông Giairô: ‘Con bé không chết đâu. Nó ngủ đấy’. Chúa không chỉ bằng lòng đối xử lịch thiệp đối với hai con người tràn đầy thất vọng; Ngài muốn nhiều hơn thế. Ngài muốn họ tin vào Ngài, đấng cứu độ muôn dân. Cả hai cần phải tin, có đức tin. Họ cần phải tin ‘cách ngược dòng’. Bởi lẽ ngay các môn đệ cũng không hiểu tại sao Đức Giêsu có thể được chạm đến bằng cách khác. Và đám đông chế nhạo Chúa khi nghe Ngài bảo con bé đang ngủ.
Những lúc hoạn nạn khổ đau có thể biến thành những thời điểm của ân sủng. Chúng tách ta ra khỏi những chắc chắn giả tạo của mình, khỏi niềm tin quá lớn vào chính mình và vào những phương thế nhân loại. Chúng nhắc nhớ ta tình trạng tạo vật của mình, là con cái Thiên Chúa, những kẻ được cứu. Chúng có thể thức tỉnh niềm tin và sự phó thác của ta. Chúng giúp ta không chỉ tìm để được sự cứu chữa từ Chúa, mà còn đưa ta vào trong thánh ý Chúa, trong bàn tay của Cha.
Theo nghĩa đó, lời Chúa Giêsu nói với đứa con gái nhỏ của ông Giairô ‘Hãy chỗi dậy’ là lời mời gọi vượt lên trên sự kiện phép lạ được thực hiện cho cô bé. Lời ‘Hãy chỗi dậy’ còn ngỏ với chính chúng ta nữa: ‘Hãy hiến dâng cho Thiên Chúa chính mình anh em, là những người sống đã từ cõi chết trở về, và dùng chi thể anh em như khí cụ để làm điều công chính phục vụ Thiên Chúa’ (Rm 6,13).
Năm Lẻ
Chạm đến ngài với lòng tin
Các bài đọc hôm nay cho ta thấy tầm quan trọng và thiết yếu của việc liên hệ với Đức Giêsu.
Thư Do thái dùng hình ảnh mang tính thể thao để miêu tả tình trạng hiện thời của chúng ta. Chúng ta cùng ở trong vận động trường, cuộc so tài, có sự hiện diện của các khán giả, nghĩa là các thánh, những người đã đạt đến mục tiêu và đang dõi mắt nhìn chúng ta từ thiên đàng. Chúng ta được khuyến khích chạy ‘nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất’. Đó là nền tảng. Khi chúng ta nghĩ đến gương mẫu của các thánh, các vị tử đạo và nhất là của Đức Giêsu trong cuộc thương khó, cái chết và cuộc phục sinh của ngài, mọi khó nhọc chỉ còn là điều nhỏ. ‘Anh em hãy nghĩ tưởng đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công của những người tội lỗi’.
Nhìn thẳng vào Đức Giêsu là phương cách thứ nhất để liên hệ với ngài. Còn cách thứ hai: hãy thưa với ngài, cầu xin ngài can thiệp khi ta gặp khó khăn và biểu lộ quyền năng ngài ra khi ta đau yếu, như ngài đã làm cho Ông Giairô, ‘ông sụp lạy van xin rằng: Con gái tôi đang hấp hối. Xin Thầy đến đặt tay trên nó và nó được khỏi và được sống’. Hay như người đàn bà đau bệnh kia. Xấu hổ vì căn bệnh của mình, nhưng muốn Đức Giêsu cứu chữa nên tìm mọi cách để chạm đến ngài cho dù cách kín đáo: ‘Miễn sao tôi chạm đến áo ngài…’ Nhưng Đức Giêsu dừng lại nơi việc động chạm này, để nói rằng không đơn thuần việc chạm đến áo chữa lành bà, nhưng chính nhờ lòng tin: ‘Ai chạm đến Ta?…Hỡi con, đức tin con đã chữa con’.
Khi nhìn lên Đức Giêsu, chúng ta hãy nhìn với lòng tin; khi thưa với ngài, chúng ta hãy thưa với lòng tin; chúng ta chạm đến ngài với lòng tin. Ngài sẽ biến đổi chúng ta, sẽ trao ban chính ngài cho ta, sẽ làm cho ta nên giống ngài và cho ta có khả năng giúp đỡ kẻ khác.
Thứ tư Tuần IV Thường niên
Năm Chẵn
Đức Giêsu vui vẻ trở về làng quê của mình. Trong hội đường là nơi người ta thường nghe giải thích Kinh Thánh, hôm nay Người đứng lên làm việc đó. Người thực hiện với lòng đơn sơ và sâu xa, với uy quyền. Những người nghe Người nói đều kinh ngạc. Họ không hiểu làm sao một đứa trẻ, một thiếu niên, một người thợ mộc mà họ quen biết nhiều năm qua lại có thể là một ngôn sứ được. Là một trong những người đồng hương với họ, nên không thể được!
Đức Giêsu cũng ngạc nhiên vì sự thiếu lòng tin của họ nên Người không thực hiện phép lạ tại đây.
Trong con người, vì ảnh hưởng của tội, có một sự mù quáng lạ lùng và đồng thời có một nghiêng chiều về sự kiêu căng, thường được che đậy dưới chiêu bài đi tìm sự công chính và bình đẳng.
Chúng ta rất khó chấp nhận sự khác biệt. Người khác ta, nhất là nếu ở bên cạnh ta, làm cho ta sợ. Khi nó ở xa, thì dễ dàng chấp nhận. Còn kẻ giống ta và là người cận thân của ta, thì lại không có thể hơn ta được.
Thời đại của ta đang sống trong những điều trừu tượng cũng như những tuyên bố rõ ràng làm ta yên lòng: những quyền lợi của con người, sự bình đẳng mọi người, công bình cho kẻ bị áp bức, khước từ mọi hình thức phân biệt chủng tộc…Bởi vì, sự bùng nổ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, của lòng đố kị, bạo lực xuất phát từ nơi nào và lúc nào mà ta ít quan tâm nhất! Bởi lẽ trong mỗi con tim đều có chứa sẵn tiềm lực của sự phân biệt chủng tộc. Những tuyên bố văn hoa từ môi miệng chúng ta nói lên những xác tín tinh thần của ta luôn ẩn giấu phía sau trong lòng ta một ngoại trừ nào đó. Ta yêu thương mọi người, dĩ nhiên là thế; ta tôn trọng mọi người, dĩ nhiên là thế…nhưng trừ hai, ba người bên cạnh ta không ‘đáng’ để ta thương! Những ngoại trừ giống như quả bom nổ chậm một ngày nào đó sẽ phá hủy những xác tín của ta.
Vì thế nên Chúa không bao giờ nói: Hãy yêu thương tất cả mọi người. Nhưng lại nói: Hãy yêu người cận thân của ngươi. Nghĩa là ở bên cạnh ngươi, là người gặp trên đường, ở trong cùng một thành phố với ngươi. Người có vẻ khác biệt với ngươi, không suy nghĩ giống như ngươi, làm cho ngươi chán ngấy…Ta phải thú nhận cách khiêm tốn rằng con tim của ta có khuynh hướng phân biệt đối xử, và ta phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc này. Khi ta yêu thương từng người một, những người cận thân với ta, trái tim của ta sẽ nở ra và dần dần mang chiều kích toàn cầu.
Năm Lẻ
Cần vượt lên trên lòng tự ái để nhận ra sự giúp đỡ của người khác
Đức tin cần thiết để Chúa có thể hành động cách tự do và tặng ban tràn trề hồng ân của Ngài: vì sự thiếu lòng tin của những người đồng hương, Đức Giêsu không thể thực hiện việc diệu kỳ nào. Họ đã không tin vào ngài vì ngài là một người thuộc bọn họ, chẳng có gì khác thường cả, họ quá biết ngài.
Bài đọc 1 nhắc ta nhớ rằng cả chúng ta cũng dễ dàng dừng lại ở những cái bề ngoài đối nghịch mà không nhận ra được sự can thiệp của Thiên Chúa. Thử thách xảy ra cho mọi người, cả những người tin và những kẻ không tin, nhưng chúng ta có cảm nghĩ là lẽ ra không nên xảy ra cho những người tin, hoặc nếu có thì chỉ xảy ra một vài loại thử thách nào đó thôi. Chúng làm cho chúng ta ngã lòng và vất vả lắm ta mới nhận ra được bàn tay của Thiên Chúa.
Thánh Kinh dạy ta biết vượt lên trên những hoàn cảnh xem ra nghiệt ngã, để có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đấng muốn thực hiện và do đó ngài cần chúng ta mở lòng ra để cho ngài hành động. ‘Hỡi con, chớ khinh thường khi Chúa sửa dạy con và đừng chán ngán khi ngài khiển trách. Vì Chúa sửa dạy ai mà ngài yêu mến và đánh đòn kẻ mà ngài chọn làm con’, sách Châm Ngôn đã viết như thế. Tác giả thư Do thái nhắc lại điều này để dạy dỗ các tín hữu: ‘Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi cay đắng hơn là niềm vui’. Nói đến đau bệnh, những nghịch cảnh trong tương giao giữa người với người, nói đến thất bại trong những việc làm cho Chúa, nếu chúng ta chỉ nhìn cái vẻ bề ngoài thì chúng ta kém lòng tin. ‘Ngài đánh đòn kẻ Ngài chọn làm con’. Đó là cách liên hệ với Chúa mà ta cần phải nhận biết. Và như thế sẽ thay đổi tất cả. Thử thách được soi sáng từ bên trong và thay vì chỉ xem như là nguyên nhân gây đau khổ, trở nên cơ hội tạo quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa: Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta. Khi ta bị thử thách ta thường nghĩ: Thiên Chúa bỏ rơi ta, không còn nghĩ đến ta nữa, đã để chúng ta rơi vào tình cảnh không đáng có của những người làm con…và sự thật thì ngược hẳn lại. Thay vì than trách chúng ta nên bằng lòng vì Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta: ‘Chúa sửa dạy ai mà ngài yêu mến và khiển trách ai mà ngài chọn làm con’. Quả khó thật, luôn luôn cần bắt đầu lại để nhận ra trong cơn thử thách sự can thiệp tích cực của Chúa. Đây là một hành động đức tin vì vẻ bên ngoài không nói lên sự thật nhưng lời Chúa và Thánh Thần Chúa trong ta mở lòng ta và làm cho ta hiểu rằng Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống chúng ta một cách trìu mến và mạnh mẽ khi ta gặp thử thách.
Tác giả thư Do thái nhận xét rất thực tế: ‘Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ hơn là nguồn vui’. Lòng tự ái, ở đây không phải đau khổ là đáng kể nhưng lòng khiêm tốn: nếu có ai đó chỉ cho ta thấy khuyết điểm của mình, chúng ta buồn vì chỉ nghĩ đến nhận xét của người kia mà không nghĩ đến cái khuyết điểm của mình. Cần vượt lên trên lòng tự ái để nhận ra sự giúp đỡ của người khác. Ông Socrate đã nói: đỉnh cao của hạnh phúc là không có khuyết điểm và không làm điều gì xấu, nhưng ông còn thêm ngay sau đó, hạnh phúc cho người được sửa dạy khi sai lỗi vì họ có thể sửa chữa.
Thánh Kinh còn đi sâu hơn nữa: chúng ta hạnh phúc vì Thiên Chúa sửa dạy chúng ta không phải chỉ vì là cơ hội để ta tiến triển mà còn vì mối quan hệ của ta với Chúa được chặt chẽ hơn. Thư Do thái đã viết về Đức Giêsu, cho dù là người con toàn hảo, đã muốn học vâng phục trong mọi sự ngài chịu, muốn nhìn nhận giá trị của sự giáo dục khắc khổ, cần thiết cho chúng ta. Ngày nay, khi chúng ta sống những khoảnh khắc của việc giáo dục khắc khổ này, chúng ta được liên kết với ngài cách đặc biệt và chúng ta có thể tiến triển nhiều trong tình yêu của ngài. Thử thách là động lực của hy vọng, thử thách là phương tiện để yêu mến: đó là những viễn ảnh cần ghi nhớ trong những khó khăn lớn nhỏ của cuộc đời, sẽ nuôi dưỡng lòng can đảm và đức tin của chúng ta. Xin Chúa mở mắt chúng ta để biết nhận ra sự quan tâm hiền phụ của ngài đối với chúng ta.
Thứ năm Tuần IV Thường niên
Lần đầu tiên Đức Giêsu sai các tông đồ đi loan báo tin mừng. Người muốn họ trải qua kinh nghiệm, dưới sự hướng dẫn của Người, kinh nghiệm của những người chài lưới người. Người nghĩ rằng họ đã hiểu được điều mà Người chia sẻ với họ không chỉ nhằm cho họ mà thôi.
Giáo huấn mà họ đã lãnh nhận không chỉ dành cho một nhóm nhỏ ưu tiên. Một ngày nào đó họ sẽ phải ‘đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật’ (Mc 16,15)
Việc rao giảng tin mừng này cần phải xuất phát từ con tim tràn đầy, từ nhu cầu muốn chia sẻ ‘sự phong phú’ mà họ đã lãnh nhận. Bởi lẽ họ không phải là những tuyên truyền viên mà là những chứng nhân. Họ không phải là những người làm công ăn lương mà là những người tình nguyện: ‘Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy’ (Mt 10,8).
Chính đó là lý do Chúa nhấn mạnh về sự khó nghèo: một áo choàng, một đôi dép, một cây gậy đi đường. Họ được mọi người đón tiếp không phải vì quần áo tươm tất, nhưng vì niềm tin mà họ chứng tỏ qua lời nói và lối sống.
Về việc họ sinh sống, nơi mỗi thành thị luôn có một tín hữu cung cấp cho. Chỉ cần một người là đủ rồi, không cần phải đi từ nhà này sang nhà khác. Đừng để rơi vào cám dỗ làm người khách vinh dự mỗi ngày một nhà. Điều này có thể làm họ sai trệch sứ vụ của mình. Ta luôn bị cám dỗ được nuông chiều…và nếu không có ai nghe chúng ta, thì sao: cần phải giũ bụi chân và ra đi đến làng khác.
Cám dỗ lớn nhất của chúng ta ngày nay trong việc loan báo tin mừng là dựa quá nhiều vào những phương tiện hơn là vào nội dung, vào việc trình bày làm vui lòng người khác hơn là sự xác tín nội tâm. Đức Giêsu không lên án các phương tiện, nhưng nhắc nhở chúng ta rằng đức tin, lòng quảng đại, sự quên mình, niềm tin cá nhân của người tông đồ là con kênh qua đó họ rót vào các tâm hồn sứ điệp của Thiên Chúa.
+++
‘Khi thấy mình đã gần đất xa trời, vua Đavít truyền dạy Salômon con mình rằng: Cha sắp bước vào đoạn đường mà mọi người trên đời phải đi qua; con hãy can đảm lên, và sống cho xứng bậc nam nhi. Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp và chỉ thị của Người, như đã ghi trong luật Môsê’ (1V 2,1-3)
Như trong cuộc sống mỗi người, cũng đã xảy ra như thế đối với Đavít, giây phút phải rời bỏ tất cả mọi sự. Thật đẹp khi Kinh Thánh thuật lại cho ta thái độ của con người Đavít trong thời khắc rất quan trọng của cuộc ra đi.
Trong những lời cuối cùng của mình, ông cho thấy mình đang sống không phải trong một thảm cảnh nhưng trong một cuộc xuất hành, con đường của mọi người.
Lúc này ông hướng tất cả về đứa con trai, thấy mình có trách nhiệm để lại những lời khuyên mà trong tình cảnh như thế thật hết sức quan trọng, đòi hỏi con phải có sức mạnh tâm hồn, mạnh mẽ xứng đáng là một nam nhi. Và căn tính cho con mà Đavít yêu cầu là tuân giữ lề luật Thiên Chúa, đi trong đường lối những huấn lệnh của Người.
Đavít không đòi hỏi con mình tuân theo lề luật cách bó buộc vì là luật nhưng vì nó đến từ Thiên Chúa và nếu ta tự do sống trong tình yêu Thiên Chúa, nó sẽ dẫn đưa ta đến những điều tích cực. Nên Đavít đề nghị để con thành công theo những lời Thiên Chúa hứa.
Thứ sáu Tuần IV Thường niên
Bài đọc I trình bày lý tưởng kitô giáo: sống trong đức bác ái, đức thanh tịnh, khó nghèo, vâng phục. Lý tưởng kitô giáo không chỉ dành cho ai được mời gọi sống đời thánh hiến. Đời thánh hiến căn tính hóa những phận vụ này; tuy nhiên Đức Kitô mời gọi mọi người thực hành những nhân đức trên.
Đức bác ái. Anh em hãy kiên trì trong tình yêu huynh đệ. Hãy nhớ đến những kẻ tù đày như thể anh em là bạn đồng hành của họ, và đến những kẻ đau khổ, vì anh em đang sống trong một thân xác hay chết. Đức ái là biểu hiện tình yêu Thiên Chúa đã lãnh nhận, trao ban, một tình yêu quảng đại, thường hằng.
Đức thanh khiết. Tác giả nói điều này cho những người sống đời gia đình: ‘Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình’. Đức  khiết tịnh của những tu sĩ là dấu chỉ, sự trợ giúp, sức mạnh cho những người khác.
Đức khó nghèo. ‘Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ’. Một tinh thần khó nghèo diễn tả lòng tin tưởng vào Thiên Chúa: ‘Đến nổi chúng ta tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì’.
Sau cùng, đức vâng phục. ‘Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo…Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ…như thế họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở. Bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em’.
Hãy cầu xin Chúa ơn sống sung mãn lý tưởng đời sống kitô giáo này và giúp những người quanh ta cùng sống trong niềm vui và can đảm.
Thứ bảy tuần IV Thường niên
Luôn là niềm vui khi nghĩ rằng Đức Giêsu đã trao ban mẹ ngài làm mẹ của ta: điều này làm cho ta cảm thấy biết bao dịu ngọt và can đảm trong đời sống thiêng liêng. Hôm nay ta kết thúc thư do thái và ta gặp thấy một giáo huấn hết sức quan trọng mà ta có thể đón nhận như đến từ Đức Maria, chính Mẹ cũng nói những điều ấy cho ta.
‘Nhờ Đức Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa’. Linh hồn chúng ta phải luôn sống trong tâm tình ngợi khen và cảm tạ và do đó ta cần phải ý thức những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa không ngừng ban cho ta nhờ Đức Giêsu.
Một khi tin tưởng điều đó, lòng tri ân sẽ thúc đẩy ta thực hiện trong niềm vui những lễ tế khác mà tác giả thư khuyến dụ. ‘Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế’. Đó là hy lễ của tình bác ái huynh đệ, rộng mở lòng cho người khác để làm điều tốt, giúp đỡ, chia sẻ với họ những điều mình có. Bằng cách đó chúng ta tiếp tục hy lễ của Đức Giêsu trong thực tế đời sống của mình, vì chính ngài tiếp tục lễ dâng của ngài nơi ta.
‘Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa’. Đôi lúc thật khó mà phục tùng, nhưng đó chính là con đường của đức ái và hiệp nhất đích thực, không có con đường nào khác. Thái độ sâu thẳm bên trong của sự vâng phục này chính là sự vâng phục Thiên Chúa, qua những vị lãnh đạo mà Ngài chọn.  Nếu ta sống như thế, Thiên Chúa của sự bình an sẽ làm cho ta nên hoàn thiện trong mọi điều thiện hảo nhờ Đức Giêsu, Chúa chúng ta, bằng cách thi hành nơi ta thánh ý của ngài. Cũng như chính ngài đã thi hành thánh ý Chúa Cha, ta cũng có thể thi hành thánh ý Cha nhờ ngài, tìm gặp bình an, niềm vui và đức ái toàn thiện.
Trong tất cả những điều đó Đức Maria là vị hướng đạo chúng ta, mẹ luôn dâng lên Thiên Chúa một hy lễ ngợi khen, mẹ yêu thương hết mọi người, luôn là người tôi tớ khiêm nhu của Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa.
+++
Chứng nhân cho Đức Kitô
Các môn đệ ra đi và ‘diễn đàn’ vắng. Thánh Mátcô lấp đầy bằng 2 đoạn chuyển tiếp: ý kiến của Hêrôđê về Đức Giêsu và việc sát hại Gioan Tẩy Giả. Đoạn này được đặt giữa việc sai các môn đệ ra đi và việc họ quay về, mang ý nghĩa rõ rệt: dấu chỉ tiên báo về sự đối nghịch và cái chết chứng tá của Đức Giêsu và các môn đệ Ngài. Đoạn tin mừng này thuật lại cái chết của Gioan Tẩy Giả. Sử gia Flavio Giuseppe ghi rõ: ‘Vì sợ rằng ảnh hưởng lớn của ông Gioan có thể thúc đẩy dân bạo loạn, Hêrôđê nghĩ tốt hơn hết là cất ngay ông ta đi trước khi rắc rối xảy ra vì có nguy cơ không làm chủ được tình thế. Và như thế, vì tính đa nghi của Hêrôđê mà Gioan đã bị tống giam trong ngục Macheronte và bị chém đầu tại đây’.
Khi các ngôn sứ ‘đặt ngón tay trên vết thương’ và đi vào tận cốt lõi của vấn đề, thường thì họ sẽ bị loại trừ ngay không chút đắn đo. Đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên dĩa, ngay trong bữa đại tiệc, xem chừng ra hơi khác thường. Suy nghĩ cho kỹ đi, không phải là một ‘dĩa’ (món ăn) hiếm thấy đâu: có biết bao cái đầu bị chém ngay trong các bữa ăn trưa, ăn tối…!
Đuợc đặt sau việc sai Nhóm Mười Hai, đoạn văn này báo trước thân phận của nhà truyền giáo, của người chứng nhân cho Đức Kitô. Cái chết của Gioan báo trước cái chết của Đức Giêsu và của những người được sai đi. Điều khác biệt giữa cái chết do nguyên nhân tự nhiên và cái chết vì đạo nằm ở chỗ: cái thứ nhất là kết thúc còn cái thứ hai là mục đích của cuộc sống. Vị tử đạo làm chứng ngay trong cái chết và vượt trên cái chết, tình yêu nguyên lý của sự sống.
Bữa tiệc trong cung điện của Hêrôđê làm đối trọng với bữa tiệc Chúa Giêsu chuẩn bị trong hoang địa được diễn tả trong đoạn tiếp sau (Mc 6,30-44). Bữa thứ nhất nhắc nhớ sự sinh vào Nước Trời qua cái chết; Bữa thứ hai tiên báo cái chết của Chúa, như là hồng ân của sự sống. Các gia vị trong bữa tiệc của Hêrôđê là giàu sang, quyền thế, kiêu căng, mưu mô, hận thù và bất công và kết thúc là cái dĩa ghê rợn với cái đầu mới bị chém. Lịch sử thế giới không gì khác hơn là một biến thiên đơn điệu đến mức buồn nôn của những món ăn độc hại như thế.
Bữa tiệc của Đức Giêsu ngược lại mang hương vị giản đơn của bánh, của tình yêu tự trao ban và nẩy nở qua những chia sẻ của tình huynh đệ.
+++
Đức Giêsu chỉ dạy cho các môn đệ của Ngài sau khi họ đi rao giảng trở về. Người ta thường quan tâm đến điều ‘họ đã làm và đã dạy’. Bởi lẽ người tông đồ phải truyền đạt cách trung thành lời đã được trao phó và qua cung cách sống làm chứng cho chân lý họ giảng dạy. Họ đã lao nhọc nhiều và giờ đây cần phải được nghỉ ngơi. Đức Giêsu bảo họ: ‘Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’.
Nhưng họ cần học những bài học khác. Đặc biệt là người tông đồ không phải là một công nhân, làm theo giờ quy định, với những kỳ nghỉ và phần thưởng có sẵn. Không, người tông đồ là một thiện nguyện viên, một người hiến thân hoàn toàn. Dân chúng đến và ‘các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa’, thánh sử Mátcô ghi nhận.
Họ cần phải học trước tiên để có cái nhìn của người tông đồ.
Đức Giêsu nhìn dân chúng đến với mình. ‘Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt’. Tinh thần truyền giáo phát sinh từ cái nhìn đối với dân chúng. Một cái nhìn không dừng lại nơi vẻ bề ngoài. Một cái nhìn đoán biết trước những nhu cầu ẩn giấu của họ. Không chỉ là những nhu cầu vật chất, khao khát tình yêu, những khắc khoải kín đáo nhưng còn là nhu cầu về Thiên Chúa, về ơn cứu độ.
Có thể có nhiều cách thức nhìn dân chúng. Nhà kinh doanh nhìn họ như những kẻ tiêu thụ; nhà chính trị nhìn họ như những người ủng hộ hoặc đơn giản chỉ vì một lá phiếu bầu; người buôn bán xem họ như những khách hàng; giới truyền thông nhìn họ như độc giả, thính giả, khán giả; giới người mẫu như những fan hâm mộ…
Tất cả những cái nhìn bề ngoài chỉ xem người khác như cái mang lại tư lợi.
Người tông đồ nhìn ‘con người trong thực thể riêng biết của họ, có riêng lịch sự đời mình và nhất là một lịch riêng cho linh hồn…Con người trong sự thật tròn đầy của đời sống…Con người là con đường của Giáo Hội’ (GP II, Đấng Cứu Chuộc Con Người, 14). Mỗi người có một nhân vị riêng.
Biết bao người trên thế giới ngày nay giống như đàn chiên không người chăn dắt! cho họ bánh ăn, tương đối dễ dàng; phục vụ họ, nhất là khi biết mình sẽ được lãnh nhận lòng biết ơn từ nơi họ, cũng là điều dễ dàng. Nhưng trao ban Thiên Chúa là đặc ân của người biết mình được Thiên Chúa yêu thương và yêu thương người khác trong Đức Kitô. Nghĩa là người, như Đức Giêsu, có cái nhìn của Thiên Chúa.

Thánh Agata
Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa
Lời nguyện nhập lễ nài xin lòng thương xót Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Agata, người đã làm rạng sáng Hội Thánh bằng vinh quang của sự trinh khiết và việc tử vì đạo. Tử vì đạo, tự hiến cho Đức Kitô để đến với Thiên Chúa qua hy lễ đời sống; sự trinh khiết chỉ có ý nghĩa khi được hiến dâng. Không có hiến dâng, có thể nó chỉ là một hình thức ích kỷ: muốn giữ lấy cho mình. Ta gặp nhiều thiếu nữ không muốn hiến dâng mình, họ muốn dành tất cả sự độc lập của họ để hoạch định cuộc sống theo phong cách, theo ý nghĩ, theo ngẫu hứng của riêng họ: trên bình diện thể lý họ là những trinh nữ nhưng là một loại trinh khiết vô nghĩa, chỉ cốt biểu lộ lòng ích kỷ.
Sự trinh khiết kitô giáo khác hẳn: là hiến dâng cho Chúa, từ bỏ chính bản thân mình để sống hoàn toàn cho ngài. Trong bài đọc 1 Phaolô sánh ví cộng đoàn với một trinh nữ dâng hiến cho Chúa và sự trinh khiết được dâng hiến thực sự là hình ảnh của Hội Thánh, mà Chúa muốn phải là trong trắng, không nhăn nheo, không tỳ vết, như Phaolo viết trong thư gởi tín hữu Ephêsô. Trong đoạn thư đọc hôm nay, sự trinh khiết đi đôi với lời khuyên nghịch lại tính kiêu căng, nêu bật điều này là sự trinh khiết không bao giờ nhằm thỏa mãn bản thân mà cần phải được sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Lời khuyên đó là: ‘Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa’. Trong thư gởi Roma ngài giải thích rằng Thiên Chúa đã thực hiện ơn cứu độ nhờ qua đức Kitô chứ không nhờ việc thực thi lề luật. Tuy nhiên không ai có thể tự khoe khoang trước mặt ngài. Tất cả sự hãnh diện, tất cả sự kiêu sa của chúng ta ở trong Chúa. Bất cứ điều gì chúng ta làm một mình, sẽ đầy khuyết điểm, nhưng nếu ta làm trong liên kết với Chúa, sẽ được thực hiện trong tình yêu và tình yêu sẽ hoàn thiện chúng.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê