Andrea Tornielli
Theo Tổng biên tập Vatican News, chuyến tông du đến Mông Cổ của Đức Thánh Cha là cuộc viếng thăm mà ngài “rất mong muốn”, vốn đã nằm trong các chương trình chưa thực hiện được của Thánh Gioan Phaolô II, sau sự hiện diện của các nhà truyền giáo vào đầu những năm 1990 đã làm sống lại một cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Cộng đoàn sẽ được chào đón Người Kế Vị Thánh Phêrô giữa lòng châu Á là một Giáo hội “nhỏ về số lượng, nhưng sống động trong đức tin và lớn lao trong đức ái”. Đức Thánh Cha sẽ gặp không chỉ 1.500 người Công giáo của đất nước, nhưng tất cả dân tộc “cao quý” và “khôn ngoan” với truyền thống Phật giáo vĩ đại.
Ông Tornielli đưa ra những câu hỏi mà gần đây có nhiều người đặt ra về chuyến tông du này: Tại sao Đức Thánh Cha đến Mông Cổ? Tại sao ngài lại dành 5 ngày để thăm một nhóm nhỏ người Công giáo? Liệu “địa chính trị” có liên quan đến chuyến tông du, vì quốc gia này giáp Nga và Trung Quốc?
Tổng biên tập Vatican News trả lời: “Thực tế lý do thúc đẩy cuộc hành hương đến vùng ngoại vi châu Á không liên quan gì đến ‘địa chính trị’, và chắc chắn không phải là điều ưu tiên trong triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô”. Theo ông Tornielli, không chỉ Đức Thánh Cha Phanxicô mà trước ngài Thánh Giáo hoàng Phaolô VI cũng đã chứng tỏ điều này: Vào ngày 30/11/1970, Thánh Phaolô VI tông du đến quần đảo Samoa ở Thái Bình Dương. Trong Thánh lễ tại làng Leulumoega Tuai, trên bờ biển phía tây bắc của đảo Upolu, Đức Giáo Hoàng khẳng định không phải vì thích du hành, nhưng chính vì sự quan tâm mà ngài đến đây với mọi người. Ngài nói: “Tôi đến đây vì tất cả chúng ta đều là anh chị em, hay đúng hơn vì anh chị em là những người con của tôi, và tôi như là một người cha gia đình, gia đình này là Giáo hội Công giáo”. Và Thánh Giáo hoàng nhấn mạnh thêm rằng ngài đến để tỏ cho mọi người thấy tất cả đều được yêu thương. Ngài đặt câu hỏi: “Anh chị em có biết ‘Giáo hội Công giáo’ có nghĩa là gì không? Có nghĩa là Giáo hội được lập nên cho toàn thể vũ trụ, cho tất cả mọi người. Mọi người thuộc mọi quốc gia, chủng tộc, tuổi tác hay trình độ học vấn, đều có chỗ trong Giáo hội”.
Tổng biên tập Vatican News kết luận: “Giáo hội là nơi dành cho mọi người. Giáo hội, nơi ưu tiên không phải là con số và nơi không có ai là người xa lạ, bất kể họ thuộc ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc hay quốc gia nào. Đó là Giáo hội dành cho mọi người mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến ở Lisbon. Chưa đầy một tháng sau Đại hội Giới trẻ Thế giới, Giám mục Roma lại lên đường, để nói với ‘anh chị em Mông Cổ’ rằng ngài ‘rất vui được đến giữa anh chị em như người anh em của tất cả mọi người’”.