VỀ CHỈ DẪN QUAN TRỌNG TRONG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỞI CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM NGÀY 8/9/2023

Header

VỀ CHỈ DẪN QUAN TRỌNG TRONG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỞI CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM NGÀY 8/9/2023

Gm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng
24/07/2024

 
WHĐ (24/7/2024) – Ngày 08/9/2023, nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết thư gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam. Nhằm làm rõ những giá trị tốt đẹp và thực tiễn trong Bức Thư của Đức Giáo Hoàng, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức buổi Hội thảo vào ngày 23/7/2024 với chủ đề: “Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam”.

Hình: BTGCP

Hội thảo do Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức, Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tôn giáo; các nhà quản lý nhà nước về tôn giáo; các Đức Giám mục gồm: Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục phó Giuse Đặng Đức Ngân, Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long, Đức Giám mục Đaminh Đặng Văn Cầu, Đức Giám mục Giuse Trần Văn Toản; cùng một số linh mục và tu sỹ.

Hình: BTGCP

Hội thảo có 20 bài tham luận. Sau đây là nguyên văn bài tham luận của Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, với chủ đề: Về chỉ dẫn quan trọng trong đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ngày 8/9/2023”:

 

BÀI THAM LUẬN

Về chỉ dẫn quan trọng trong đồng hành cùng dân tộc

của Giáo Hội Công giáo Việt nam trong Thư của Giáo Hoàng Phanxicô gởi

Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ngày 8/9/2023

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy sự quan trọng của các chỉ dẫn trong việc đồng hành cùng dân tộc của Giáo Hội Công giáo Việt Nam.

Trong bài tham luận này, tôi xin trình bày về ba điểm quan trọng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập trong thư này:

1) Việc đồng hành cùng dân tộc

2) Thế nào là người Công giáo tốt

3) Thế nào là người Công giáo Việt Nam tốt

 

I. VIỆC ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

1/ Trong bức thư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc một điều thật quan trọng khi nói: “Anh chị em là con cái của Hội Thánh và đồng thời là công dân Việt Nam”. Và rồi sau đó ngài còn nhấn mạnh: “Như vậy, các tín hữu Công giáo… sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt”.

Cách nói “là con cái của Hội Thánh và đồng thời là công dân Việt Nam” hay “căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt” đang diễn tả một định hướng quan trọng của Giáo lý Công đồng Vatican II. Định hướng này đã được xác định rất rõ trong những lời đầu tiên của Hiến chế Mục vụ “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” của Công đồng Vatican II, ban hành ngày 07/12/1965:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Vì thế, cộng đoàn ấy nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại”(Trích Hiến chế Mục Vụ số 1).

2/ Vào ngày 01/5/1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp lần đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, đã dựa trên Giáo lý của Công Đồng Vatican II để đưa ra một định hướng cụ thể cho đời sống đức tin của Cộng đoàn Tín hữu Công giáo tại Việt Nam, trong một Thư Chung gởi toàn thể Cộng đoàn Tín hữu Công Giáo Việt Nam.

Trước khi trình bày Đường Hướng Mục vụ “HỘI THÁNH TRONG LÒNG DÂN TỘC”, Thư Chung 1980 đã đúc kết lại ý tưởng chủ đạo về sứ mạng của Hội Thánh Công giáo trong thế giới:

“Tóm lại, sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” rằng : “Con người là con đường của Hội Thánh”. Nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người (ĐCCCN 14)[1]. Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì “dù tin hay không tin, con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lí, vì họ cùng chung sống trong thế giới này” (MV 21,6)”. (Trích Thư chung 1980)

Tiếp đến, Thư Chung 1980 đã trình bày Đường hướng Mục vụ “HỘI THÁNH TRONG LÒNG DÂN TỘC” với khẳng định :

– “Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội Thánh như vừa nói ở trên, chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây : Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam” (Trích Thư chung 1980, số 8).

– Tiếp đến, Thư Chung 1980 đã khai triển: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước, Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính :

– Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

– Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc” (Trích Thư chung 1980, số 9).

3/ Đáp lại thư của Đức Giáo Hoàng, ngày 04/10/2023, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã nhắc lại lời khẳng định của Đức Giáo Hoàng về việc Giáo Hội Việt Nam đang đi đúng theo đường hướng của Giáo Hội hoàn vũ; Đức Tổng giám mục viết :

“Dân Chúa tại Việt Nam hân hoan đón nhận Thư của Đức Thánh Cha với lòng biết ơn sâu đậm vì Đức Thánh Cha đã yêu thương khích lệ đoàn con ở xa đang sống và làm chứng cho Tin Mừng trên quê hương chúng con.

Qua Thư này, Đức Thánh Cha đã khẳng định con đường chúng con đang đi là đúng Phúc Âm và giáo huấn của Hội Thánh, nhất là đúng với hướng dẫn của Đức Thánh Cha, đó là loan báo Tin Mừng yêu thương bằng sự dấn thân phục vụ những người bé mọn và khổ đau”. (Trích thư gởi Đức Giáo Hoàng ngày 04/10/2023).

 

II. NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT

Lời chỉ dẫn thứ hai: thế nào là “người Công giáo tốt”? Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Đức ái và lòng yêu thương nhân loại là thước đo lòng tin của người Công giáo Việt Nam”. Ngài nói:

“Đức tin của Hội Thánh Công giáo trên quê hương của anh chị em được sinh ra và lớn mạnh qua bao thế hệ, đã đặt nền tảng trên giới răn: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37-38). Quả vậy, đức ái là thước đo của đức tin, và đức tin là linh hồn của đức ái, và chớ quên rằng lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là hai mặt của cùng một đồng tiền.” (Trích thư của Đức Giáo Hoàng).

Thật vậy, có thể nói “Đạo Công giáo là đạo yêu thương”, dựa trên những xác định của Kinh Thánh:

– Khi nói về “Thiên Chúa mà người Công Giáo tôn thờ”, Kinh thánh đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. (Trích Kinh thánh Tân ước, thư thứ nhất của Thánh Gioan, chương 4 câu 16) (1Ga 4,16).

– Và 2 giới răn lớn nhất đã được Chúa Giêsu nhắc đến: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ” Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Trích Kinh thánh Tân ước, Phúc âm theo Thánh Mát-thêu chương 22, từ câu 37 đến 39).

 

III. NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TỐT

Lời chỉ dẫn thứ ba là thế nào là “người Công giáo Việt Nam tốt”. Để đức ái trở thành thước đo của đức tin của người công giáo Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu Công giáo thực hiện giới răn “bác ái yêu thương” với 3 khía cạnh:

– Với những công việc yêu thương cụ thể;

– Trong tương quan yêu thương đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ;

– Trong tương quan đối thoại, tôn trọng với chính quyền.

1/ Trước hết, thực hiện giới răn “bác ái yêu thương” với những công việc yêu thương cụ thể

Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại Thư gửi Diognetus, một bản văn từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, cho thấy rằng dấu ấn cuộc sống của người Kitô hữu ngay từ ban đầu là “ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế”.

Đồng thời, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh một điểm quan trọng về “bác ái” đó là tính cụ thể, chứ không phải là lý thuyết: “Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể, nghĩa là phải có một quyết định hành động cụ thể cho con người, như đã được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt qua và được Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử, vì “trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu … được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ”. Chính tinh thần này đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công giáo của anh chị em có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19”(Trích thư của Đức Giáo Hoàng).

Thật vậy, trong thời đại dịch Covid, các tín hữu công giáo của 27 giáo phận trong cả nước đã chia sẻ lương thực cho người dân trong lúc giãn cách xã hội, đặc biệt các linh mục tu sĩ tình nguyện (riêng ở TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.000 tu sĩ) nhiệt tình quảng đại vào tâm dịch để phục vụ bệnh nhân trong lúc nguy tử.

Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đã có trên 20.000 y bác sĩ cùng hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội chi viện cho miền Nam chống dịch; trong đó, có khoảng 2.000 linh mục, tu sĩ, chức sắc, chức việc[2].

Riêng các nữ tu công giáo đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc giáo dục trẻ em mầm non. Họ duy trì lớp mẫu giáo miễn phí, tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, xóa mù chữ, và mở các cơ sở dạy nghề cho giới trẻ. Đồng thời, các nữ tu cũng tham gia chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em và phụ nữ, mở các phòng khám từ thiện, và hỗ trợ xây dựng các cơ sở y tế cộng đồng. Qua những hoạt động này, họ góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng[3].

Vào ngày 12/3/2024 vừa qua, tôi nghe một đoạn tin trong chương trình “Nền kinh tế Phanxicô” trên đài Vatican News Tiếng Việt. Đoạn tin nói về câu chuyện của chị Linh, 38 tuổi, một giáo dân ở quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ về “Hội Chị em nội trợ thông minh” tại giáo xứ của chị, hưởng ứng chương trình của Hội Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh.

Chúng ta nghe nói “điện thoại thông minh”, “đô thị thông minh”, ở đây là “Người nội trợ thông minh”. Giữa năm 2018, nhóm “Người nội trợ thông minh” đầu tiên ra đời do Hội Phụ Nữ Phường Thới An, quận Q.12 (TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, toàn quận đã có 20 nhóm ở 11 phường với 350 thành viên[4].

Những công việc thông minh “mà chị em nội trợ làm” là những công việc rất cụ thể lo cho sức khỏe của gia đình và cộng đồng, như bảo quản thực phẩm an toàn, hay quyết tâm góp phần vào việc bảo vệ môi trường qua phân loại rác, việc sử dụng những “túi xách đi chợ” không phải là plastic, nhưng là bằng những chất liệu có thể tiêu hủy được.

Những hình ảnh này đang nói lên cách sống động: “đức bác ái” của người công giáo mà Đức Giáo Hoàng nhắc nhở phải là “những công việc yêu thương cụ thể’. Ở đây, cùng với những người dân khác, những người phụ nữ công giáo nội trợ góp phần yêu thương vào việc chăm lo sức khỏe và đời sống của gia đình và phường khóm.

2/ Thực hiện giới răn “bác ái yêu thương” trong tương quan yêu thương đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ

– Trong thư, Đức Giáo Hoàng đã viết: “Trong Thư Mục vụ năm nay, các Giám mục của anh chị em đã nhắc nhở và thúc đẩy anh chị em tham gia vào đời sống cộng đoàn qua việc yêu thương nhau, chân thành lắng nghe và thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất”.

– Tiếp đến, Đức Giáo Hoàng khuyến khích: “Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo hãy luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình”.

Vào ngày 16/03/2024, báo Tuổi Trẻ Online có đăng một bài báo mang tựa đề “Trời như đổ lửa bỗng mát dịu với bình nước đá dưới giàn hoa xanh” như sau: “Bình nước đẹp trước nhà thờ Mạc Ty Nho trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng với sự trang trí tinh tế.

Theo linh mục quản xứ, bình nước này đã tồn tại hơn một năm. Ban đầu, lo ngại về việc thùng xốp có thể làm tan đá đã khiến việc trang trí trở nên khó khăn. Vì thế, quyết định được đưa ra để tạo ra một không gian trưng Tết tươi sáng, không chỉ làm cho bình nước trở nên hấp dẫn hơn mà còn để kéo dài thời gian giữ lạnh của nước.

Sau kỳ nghỉ Tết, bình nước đá được trang trí thêm để trông bắt mắt hơn, giúp giảm thiểu tình trạng tan đá và tạo ra một không gian đẹp mắt hơn. Cộng đồng cũng đã hỗ trợ việc dọn vệ sinh, chuẩn bị nước và phục vụ mọi người qua các buổi sáng và tối. Điều này đã tạo ra một không gian ấm cúng và hợp tác giữa cộng đồng trong việc chăm sóc cho nhau.

Linh mục quản xứ chia sẻ với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng: mặc dù việc làm chiếc bình nước này có thể mệt mỏi đối với một người, nhưng với sự hợp tác của nhiều người, nó trở nên dễ dàng hơn. Ông hy vọng rằng tinh thần yêu thương này sẽ lan tỏa ra xa hơn trong cộng đồng. Đồng thời, ông cũng đã nảy ra ý tưởng về việc trồng một giàn hoa giấy để tạo ra một không gian đẹp mắt hơn, nhấn mạnh vào sự tương tác giữa con người và thiên nhiên trong môi trường thành phố nóng bức”[5].

3/ Điểm thứ ba, Đức Giáo Hoàng nhắc các tín hữu Công giáo thực hiện giới răn “bác ái yêu thương” trong tương quan đối thoại, tôn trọng với chính quyền. Trong thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam như đã nêu trên, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến việc thực thi bác ái qua hành động đối thoại và tôn trọng:

Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, và được củng cố bằng các chuyến thăm thường niên của phái đoàn Toà Thánh cũng như các cuộc họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Toà Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.

Đây là kết quả của một quá trình đối thoại lâu dài, vượt qua những khác biệt và nghi kỵ, để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh nghĩa tình nhắm đến thiện ích chung của đồng bào, là con người, anh chị em, trong đất nước của chúng ta.

 

Để kết luận:

Tôi muốn lập lại một câu nói nổi tiếng trong Thông Điệp “Sự Phát triển của các dân tộc”, năm 1967, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Phát triển là một tên gọi mới của Hòa Bình”

Thực vậy, ý tưởng cuối cùng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến trong thư là hy vọng rằng việc thực hiện các chỉ dẫn này sẽ giúp phát triển đất nước Việt Nam và Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Việc này được coi là một bước quan trọng trong việc đẩy mạnh hòa bình và phát triển trong khu vực.

Ngài đã viết thật tha thiết: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”.

Cuối cùng là lời cầu chúc thật tốt đẹp: “Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hoá, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa”.

Cám ơn quý vị đại biểu.

Ngày 23.07.2024

Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Giáo phận Phan Thiết
Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

_______

[1] Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” (Redemptor Hominis) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 04/03/1979, số 14.

[2] x. Đồng bào Công giáo đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch; https://baochinhphu.vn/dong-bao-cong-giao-dong-gop-tich-cuc-vao-cong-tac-phong-chong-dich-102305701.htm ; [ngày 17/12/2021]

[3] x. Nữ tu Anne-Marie Trần Thị Lý fmm, Vai trò của nữ tu công giáo với công tác xã hội, từ thiện; Vietnam Women’s Union – https://wwu.vm>images_upload>files_275.pdf

[4] Giúp chị em trở thành người nội trợ thông minh – Ngày 07/11/2022 – https://www.phunuonline.com.vn/giup-chi-em-tro-thanh-nguoi-noi-tro-thong-minh-a1477287.html

[5] x. Trời như đổ lửa bỗng mát dịu với bình nước đá dưới giàn hoa xanh; https://tuoitre.vn/troi-nhu-do-lua-bong-mat-diu-voi-binh-nuoc-da-duoi-gian-hoa-xanh-20240315185116612

error: Nội dung được bảo vệ!!