Đức Thánh Cha nhắc đến sự dấn thân của hàng triệu tổ chức và liên hiệp tình nguyện trên khắp thế giới, phần lớn trong số đó hoạt động cách âm thầm hoặc không được nhìn nhận tư cách pháp lý.
Theo chương trình Tình nguyện viên của Liên Hiệp quốc, cứ 9 người trên thế giới thì có 1 người làm công việc tình nguyện: tổng cộng có 862,4 triệu tình nguyện viên trên khắp các châu lục và tổng số giờ làm công việc tình nguyện tương đương với 109 triệu lao động toàn thời gian. Tuy nhiên, “phần lớn các hoạt động tình nguyện trên toàn cầu diễn ra một cách không chính thức.” Do đó, các số liệu thống kê chỉ mang tính ước lượng và chưa đầy đủ về những đóng góp của các tình nguyện viên đối với cộng đồng.
Nhiều tổ chức tình nguyện trên thế giới được gợi hứng từ Kitô giáo, và với công việc của mình, họ tìm cách làm chứng cho Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Từ Libăng đến Philippines, từ Mexico đến Ucraina, đến Venezuela và Uganda, Video ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng này cho thấy các tổ chức tình nguyện đứng về phía các nạn nhân của thiên tai, của những người nghèo đang gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, của những trẻ em suy dinh dưỡng, của những người tị nạn chạy trốn chiến tranh, của những người trẻ tuổi và phụ nữ đang tìm kiếm việc làm.
Với lời mời gọi cầu nguyện qua video, Đức Thánh Cha nói rằng:
Thế giới cần những tình nguyện viên và các tổ chức dấn thân vì ích chung. “Dấn thân” là một từ mà ngày nay nhiều người muốn xóa bỏ. Và thế giới cần những tình nguyện viên dấn thân vì ích chung.
Trở thành tình nguyện viên để giúp đỡ người khác là một lựa chọn làm cho chúng ta tự do; giúp chúng ta mở rộng lòng mình với các nhu cầu của tha nhân — đáp lại đòi hỏi của công lý, bảo vệ người nghèo, chăm sóc thụ tạo.
Tình nguyện viên có nghĩa là trở thành những nghệ nhân của lòng thương xót: với đôi tay, với ánh mắt, với sự ân cần lắng nghe, bằng sự gần gũi của chúng ta. Và trở thành một tình nguyện viên có nghĩa là làm việc với những người mà bạn phục vụ. Không chỉ cho họ, nhưng còn với họ. Làm việc với mọi người.
Công việc của các tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận sẽ hiệu quả hơn nhiều khi họ cộng tác với nhau và với các chính phủ. Bằng cách phối hợp với nhau, dù có ít nguồn lực đến mấy, họ cũng cố gắng hết mình và tạo nên phép lạ làm cho nhiều hy vọng trở nên hiện thực.
Chúng ta cần nhân thêm niềm hy vọng! Chúng ta cùng cầu nguyện cho các tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận, và phát triển con người; xin cho họ tìm được những thành viên sẵn sàng dấn thân vì ích chung, và không ngừng tìm kiếm các phương thức hợp tác mới ở cấp độ quốc tế.