Theo phúc trình mới của chính phủ Đức, tự do tôn giáo trên thế giới ngày càng bị hạn chế và các tín hữu Kitô là cộng đồng tôn giáo bị hạn chế nhiều nhất.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Phúc trình trên đây do một Ủy ban đặc nhiệm của chính phủ Đức, dưới sự hướng dẫn của ông Markus Gruebel, soạn thảo và công bố hôm 28/10/2020 vừa qua.
Ông nói: “Tự do tôn giáo là nhân quyền căn bản. Hơn 80% dân thế giới tuyên bố mình là người có tôn giáo. Nhưng ba phần bốn trong số tín hữu ấy sống tại một nước, trong đó có sự hạn chế tự do tôn giáo và vũ trụ quan. Các tín hữu ấy bị bách hại, kỳ thị hoặc bị bạo hành. Rất tiếc là trong lãnh vực này, tình thế trở nên đồi tệ hơn so với năm ngoái. Những vụ đe dọa gia tăng.”
Theo phúc trình dài 208 trang, càng ngày càng có những nước ban hành luật chống phạm thượng, chống cải đạo và hạn chế tự do vũ trụ quan. Tại gần 100 quốc gia, có những luật trừng phạt các nhóm tôn giáo, nếu họ tìm cách thuyết phục những người khác xác tín về niềm tin của họ. Tại 12 quốc gia, việc cải đạo như thế có thể bị phạt tử hình.
Theo phúc trình của chính phủ Đức, truyền thông kỹ thuật số (digital) có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực: nó có thể củng cố tự do tôn giáo, nhưng đồng thời gia tăng những lập luận oán ghét đối với những nhóm tôn giáo. Những chủ trương oán ghét như thế đã gia tăng xung đột về những người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.
Phúc trình mới của chính phủ Đức cũng chứa đựng những phân tích về 30 quốc gia, trong đó có sự phát triển đặc biệt đáng lưu tâm trong khoảng thời gian 2018/2019. Trong số này, có một số nước Á, Phi và cả Brazil và Ucraina. Những nước khác như Siria, Yemen hoặc Libya trong đó, dự do tôn giáo và tự do vũ trụ quan bị hạn chế rất nhiều, nhưng sự đi tới các nước này gặp nhiều khó khăn vì chiến tranh tiếp tục kéo dài.
Trong phúc trình, ông Markus Gruebel đặc biệt nói đến các cuộc đàn áp ồ ạt của nhà nước chống lại những người Hồi giáo Uighur bên Trung Quốc. Theo ông, cần có một cuộc điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này. Tại Irak, tình trạng các nhóm tôn giáo thiểu số tiếp tục bấp bênh, hàng chục ngàn Kitô hữu và tín hữu Jeyidi vẫn còn phải sống trong các trại tị nạn. Tại Sudan, phúc trình ghi nhận có diễn biến tích cực: ví dụ chính quyền đã bãi bỏ án tử hình đối với những người bỏ đạo Hồi, và tuyên bố Giáng sinh là lễ nghỉ.
Đức Tổng giám mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, gọi tự do tôn giáo là một “Dự án hòa bình”. Mặc dù Giáo hội Công giáo dấn thân bênh vực các tín hữu Kitô bị áp bức và bách hại, nhưng không phải chỉ giới hạn vào những người ấy, “vì nơi nào các tín hữu Kitô bị xách nhiễu và bách hại thì tất cả tín đồ các tôn giáo khác cũng bị áp bức và bách hại”.
(KNA 28-10-2020)