Thánh Địa không có người hành hương và rất nghèo

Hani al-Hayek, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Di sản Văn hóa của Nhà nước Palestine, cho biết tình hình kinh tế của người dân, đặc biệt là ở Bêlem và Giêrusalem, rất bi đát do chiến tranh đang ngăn cản các cuộc hành hương. Đồng thời, các gia đình ra đi để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, điều này sẽ đồng nghĩa với việc dân số Kitô giáo trong khu vực sẽ giảm thêm.
 

Vatican News

Bên cạnh cuộc chiến bom đạn còn có cuộc chiến khác mà thường dân phải trả giá đắt. Đó là cuộc chiến gây ra những ảnh hưởng kinh tế đối với người dân Palestine do không có nguồn thu nhập. Phần lớn người dân Palestine ở Bêlem và Giêrusalem làm việc trong lĩnh vực du lịch khách sạn. Do đó, việc đình chỉ các chuyến hành hương và đình chỉ giấy phép xuất cảnh đối với người đi làm ở Israel đã khiến phần lớn người dân rơi vào tình trạng nghèo đói.

Ngành du lịch tại Thánh Địa gặp khó khăn

Chia sẻ với báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Di sản Văn hóa của Nhà nước Palestine cho biết: “Du lịch là nguồn thu nhập chính của người Palestine, nhưng cuộc tấn công của Israel vào Gaza, Bờ Tây và Libăng từ ngày 7/10/2023 đang tác động khủng khiếp đến nền kinh tế ngành du lịch và người lao động. Cả lượng khách đến từ nước ngoài và du lịch trong nước đều ghi nhận sự sụt giảm hoàn toàn. Các ước tính của chúng tôi cho biết rằng chúng tôi đang mất hơn 2,5 triệu đô la doanh thu mỗi ngày; riêng Bêlem mất 1,4 triệu. Ít nhất 12.000 nhân viên hoạt động du lịch đã bị sa thải, tại Bêlem ít nhất 6.000 nhân viên du lịch khách sạn mất việc. Nhưng cần phải bổ sung thêm hàng ngàn công nhân vào số này, những người mà chúng ta có thể định nghĩa là các ngành công nghiệp liên quan, thương nhân, tài xế taxi và nghệ nhân chế tạo các đồ vật tôn giáo bằng gỗ ô liu”.

Số Kitô hữu trong vùng suy giảm

Hậu quả, theo ông Hani al-Hayek, là nhiều gia đình rời bỏ Palestine để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái họ. Vì phần lớn người lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch và hành hương là Kitô hữu, cuộc di cư này sẽ bao hàm sự giảm bớt hơn nữa số Kitô hữu trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Di sản Văn hóa của Nhà nước Palestine cho biết thêm rằng Bộ của ông đang hợp tác với các cộng đồng Kitô giáo nghiên cứu các dự án sẽ hỗ trợ người dân khởi động lại hoạt động sau khi chiến tranh kết thúc. Những người hành hương Kitô giáo chiếm 70% tổng số người hành hương đến thăm Palestine, do đó họ là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch trong khu vực.