Lừa dối
Lừa dối là một hiện tượng xấu đang phát triển mạnh trong mọi hình thức. Lời nói lừa dối. Hành động lừa dối. Thái độ lừa dối. Nếp sống lừa dối.
Lừa dối cũng đang lan rộng trong nhiều lãnh vực.
Lừa dối trong lãnh vực chính trị và trong lãnh vực kinh tế, thì đã là tai hại.
Nhưng lừa dối cả trong những lãnh vực cao quý như tình nghĩa, tình yêu, thì đó là thảm hoạ.
Nếu lừa dối lại xảy đến trong lãnh vực tôn giáo, ở những người mang danh thánh thiện, ở những việc gọi là thánh thiêng, ở những nơi gọi là đã thánh hoá, thì quả là quá tồi tệ.
Mình lừa dối người khác. Mình bị người khác lừa dối. Mình tự lừa dối chính mình. Cả ba hình thức lừa dối đó đều đang xảy ra một cách không ngờ, rất phức tạp. Xem như lừa dối đang được coi như chuyện bình thường. Với đà này, đạo đức sẽ đi về đâu? Ở đây tôi xin bắt đầu bằng sự chính mình tự lừa dối mình.
Phép lạ của Thánh PhêRô
Con xin cha giải thích cho con một vấn nạn từ lâu con hay băn khoăn. Qua Kinh thánh thì hầu như tất cả mọi môn đệ của Chúa không được suy nghĩ hay là muốn sự dữ cho người khác.Nhưng, thưa cha, khi con đọc trong sách Công vu tông đồ (5:1-11), con thấy câu chuyện của Khanania và Xaphira bị chết đột ngột trước do lời nguyền phạt và quyền lực của Thánh Phêrô. Sao tội vậy cha! Họ chưa có thời giờ ăn năn hối lỗi mà đã phải chết ngay như vậy? Con không hiểu ý nghĩa trong câu chuyện này thế nào. Xin cha giúp đỡ.
Câu Trả Lời
Khách hành hương đến thăm đại thánh đường Phêrô tại Vatican sẽ thấy phía gian trái, gần cung thánh, có bức tranh sơn dầu lớn do danh họa Rafael vẽ lại câu chuyện được tác giả sách CVTĐ kể trong đoạn 5: 1-11 như sau. Vợ chồng Khanania và Xaphira là người có của, thuộc cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem. Theo thói quen và hầu như là quy luật chung của Giáo hội thời ấy, mọi tín hữu gia nhập cộng đoàn “…không coi bất cứ cái gì mình có là của riêng nhưng là của chung (…) Tất cả mọi người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đặt dước chân các tông đồ”. (CVTĐ 4:32-34). Nhưng vợ chồng Khanania thì đã không thành tâm trong việc này. Ông đã cất dấu của riêng, và chỉ đóng góp một phần. Vợ ông thì còn phạm tội nặng hơn: làm chứng dối với che dấu sự bủn xỉn của chồng. Bởi lời của tông đồ Phêrô, cả hai vợ chồng đều lần lượt ngã lăn ra chết trước sự chứng kiến của cộng đoàn.
Tại sao họ lại bị một hình phạt có vẻ bất công vậy; vì đây là của dâng cúng tự nguyện chứ đâu có phải sở hữu của Giáo hội mà bắt vợ chồng Khanania phải đem nộp hết? Tại sao lại phạt họ nhẫn tâm thế; họ chưa có giờ ăn năn, hối lỗi mà?
Để trả lời, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của đoạn Sách Thánh này. Và để hiểu được ý nghĩa ấy, phải đọc đoạn trích đó trong bối cảnh của sách CVTĐ.
Sách CVTĐ là một tường trình quy mô về cuộc sống và sinh hoạt của Giáo hội sơ khai. Đạo lý của sách ấy được tóm gọn trong 3 điểm căn bản.
1) Hội thánh Chúa Kitô là tập hợp các người đón nhận Tin mừng và quy tụ thành một cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, một lòng một ý trong mọi sự: trong việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng, và ngay cả trong việc chia sẻ của cải vật chất.
2) Cộng đoàn ấy được đặt dưới sự hướng dẫn của các Tông đồ. Các ngài là những người đã được Chúa ủy thác sứ vụ rao giảng, cai quản và thánh hóa đoàn chiên. Sứ vụ ấy được đóng ấn bằng các đặc sủng và quyền năng làm phép lạ.
3) Qua Thánh thần, Thiên chúa hỗ trợ các Tông đồ vượt qua các trở ngại về mọi phương diện để hoàn thành sứ vụ xây dựng Hội thánh. Nghĩa là, qua lời rao giảng và việc làm của các Tông đồ, đặc biệt là các phép lạ, người ta nhận ra sự hiện diện của chính Thánh thần.
Có thể nói đoạn 5: 1-11 trên đây là phản ảnh (bằng phương pháp tiêu cực) về các điểm giáo lý ấy. Thật vậy, chúng ta ghi nhận rằng trong phần cuối của câu của chuyện, tác giả viết: “Toàn thể Hội thánh và những ai nghe kể chuyện này đều kinh sợ” (câu 11). Đây là lần đầu tiên danh từ ‘Hội thánh’ được nhắc đến trong sách CVTĐ. Ý nghĩa tốt đẹp của Hội thánh ấy đang bị làm cho xấu đi bởi những tín hữu chưa sống thực niềm tin và còn “để Satan xâm chiếm tâm lòng” (câu 3).
Vợ chồng Khanania là một ví dụ điển hình của lớp tín hữu ấy. Qua thái độ ham mê của cải, họ làm tổn thương lề luật luân lý của cộng đoàn, đó là, tinh thần chung và lòng tín thác nơi Chúa. Qua việc tự ý nói dối Phêrô, họ “lừa dối Thánh thần” (câu 3), “thách thức Thần khí Chúa” (câu 9), và gây khó khăn cho sứ vụ xây dựng Hội thánh. Có thể nói, thái độ này biểu tỏ một tình trạng tâm hồn chứ không chỉ là một hành động riêng lẻ. Do đó, sự kiện họ bị phạt chết tức khắc nói lên quyền năng mạnh mẽ và dứt khoát của Thánh thần trong việc hỗ trợ các tông đồ vượt qua mọi chướng ngại của thế gian để xây dựng Hội thánh.
Đó là ý nghĩa giáo lý mà tác giả đoạn Sách thánh này muốn đề cập. Vậy, phải đọc câu chuyện vợ chồng ông bà Khanania trong ý nghĩa giáo lý như thế.