Lễ Giáng Sinh hãy còn khá xa,
Vậy mà hai chị em Tuyết- Ly đã lên đường để thi hành sứ vụ mục vụ cho Mùa Giáng Sinh theo như lời mời của Cha Quản Xứ Dom Phan Văn Dũng thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Bão nối liền bão – biển động, nước lớn tàu không dám ra khơi, e rằng chương trình Giáng Sinh năm nay không thể thực hiện được nên chị em xuất hành trước dự định.
Đây là mùa Giáng Sinh thứ II chị em dòng Mến Thánh Gía Qui Nhơn hiện diện nơi điểm cuối của Giáo Phận Qui Nhơn giáp với biển đông. Vùng truyền Giáo xa xôi nhìn từ bản đồ của Giáo Phận ,Giáo xứ Lý Sơn thuộc hạt Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý về hướng Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, nằm trong huyện đảo Lý Sơn.
Rời nhà mẹ Hội dòng lúc 4h30 chiều thứ hai 19.10.2020, hai chị em nghỉ đêm tại cộng đoàn Mai Trinh Quảng Ngãi để không bị lỡ chuyến tàu trưa hôm sau trước khi những cơn bão được dự đoán đổ bộ vào đất liền.
Khởi hành từ cộng đoàn Mai Trinh ra bến tàu Sa Kỳ đi Lý Sơn sau hơn 45 phút xe taxi, anh tài xế cho biết đoạn đường này bình thường chỉ đi trong 30 phút, vì hôm nay mưa lớn nên phải chạy chậm hơn.
Và hơn một tiếng đồng hồ ngồi trong nhà chờ tàu, nhiều cảm giác đan xen của sự lạ lẫm, ngôn ngữ khó hiểu với những ánh mắt nhìn từ người địa phương dành cho hai con người hơi khác người- có giọng nói “là lạ” chào hỏi làm quen với cụ ông, cụ bà và các phụ nữ bế con nhỏ ngồi cạnh, dõi mắt nhìn xa xăm về hướng tàu từ đảo vô. Họ đang chờ đợi người thân ra đón vì họ là những bệnh nhân trở về từ Sài Gòn, Đà Nẵng ; họ phải ở nhà trọ cả tuần rồi vì không có tàu ra…rồi cảnh chen chúc nhau đứng dưới mưa để xếp hàng xuống tàu với tay xách nách mang, tay bồng tay bế con; mấy cụ ông,cụ bà lụm khụm một mình lê bước sau ca phẫu thuật để xuống boong tàu thật thương tâm. Tuổi của quý ông bà ở đất liền đi viện đã khó khăn huống chi phải di chuyển bao nhiêu phương tiện thế này mới đến được nơi chữa bệnh đáng tin cậy ở các thành phố lớn… người đàn ông trung niên thêm vào giữa cuộc chuyện trò “ ở đây bệnh gì cũng phải vào đất liền, chứ ở trên đảo không chữa được, có vết thương chút xíu “khâu vài mũi kim” nhưng càng điều trị càng bị viêm nhiễm…” thật dễ thương cho những người dân quê chất phát,dù không quen biết nhưng trước sự thật tình- thăm hỏi, quan tâm của chúng tôi nên họ cũng thật lòng chia sẻ.
Và , ấn tượng nữa là hình ảnh chú Khương, người tín hữu của họ đạo đưa “ bà xã” đi mỗ khối u ở đại tràng từ Đà Nẵng về, nhìn thấy hai chị em, chú chạy lại chào và ra tay nghĩa hiệp giúp chị em các thủ tục xuống tàu…
Vì ngược gió, tàu lại chạy chậm nên giờ cập bến cũng khá muộn so với dự định.
Những cuộc vật lộn với sóng to, biển động của những người đầu tiên di chuyển bằng đường biển trên con tàu 2 tầng mà ai nấy đều lắc lư, ngột ngạt vì đủ thứ mùi của súc vật,đồ vật và con người… (ai đã từng say xe – cảm giác say tàu còn hơn hơn nhiều ) cũng đến hồi kết thúc.
Đặt chân lên đất, Thầy Phó tế giúp xứ Lý Sơn -Phanxicôxavie Lương văn Tây đã chờ sẵn bên chiếc taxi, nhưng khi xuống tàu đưa dù cho hai chị em ( lúc ấy mưa lớn) thì nhiều người lên trước đã vào ngồi kín xe thầy gọi. Thầy lúng túng, ngại ngần – chúng tôi hiểu ý – không sao Thầy ơi, chúng ta là người mạnh khỏe cả, chờ tí cũng được, trên tàu toàn là người già, người bệnh và sản phụ,
Dạ, nếu các chị thông cảm như thế thì tốt quá- em ngại lắm luôn,không nỡ kêu họ xuống…! thế là hai chị em phải đứng dưới mưa chờ xe trả khách xong mới quay trở lại – mất thêm cả tiếng đồng hồ nữa. Ở đây vậy đó, các chuyến tàu ra vô toàn là người bệnh – Thầy Tây như thêm lời để thanh minh …Tôi học được nơi đây sự chân tình và thân thương gần gũi ;“đi ra” mới thấy sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Gía còn quá mênh mông, bao la.
Liên tiếp những ngày sau đó là mưa bão, khí không lạnh nhưng gió đâu mà cứ như muốn thổi bay bất cứ cái gì kể cả người và vật, cây cối xung quanh nhà lúc nào cũng ngã nghiêng.
Cơn bão số 8 đi qua, trời quang trở lại -chị em bắt đầu vào công việc, người tập kịch, người tập múa. Có chút khó khăn bởi “ngôn ngữ khó hiểu” nhưng dần cũng quen và hiểu được nhau, cả Sơ cả cháu tích cực nhiệt tình trong các lần diễn tập.
Chương trình tập luyện vào những buổi tối lặng gió, ban ngày chúng tôi tranh thủ đi thăm viếng, cuộc sống của người dân chủ yếu là đánh bắt trên biển, trồng tỏi, trồng hành ; năm nay mưa gió kéo dài làm cho những luống hành, luống tỏi trơ vơ mấy cái ngọn không thể thu hoạch được gì.
Lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt những ngư dân đánh cá, họ chỉ là những người đàn ông ốm nhom đen đuổi đứng trên chiếc thuyền chòng chành kéo những cuộn lưới dài vung ra biển… Một cảm giác thương thương vì sự nguy hiểm đến với họ cứ đeo đuổi trong tim. Những cặp mắt ngây ngô hồn nhiên của đám trẻ chơi trên bãi cát nhìn theo chúng tôi trong tiếng cười,tiếng nói gì đó mà mình hiểu là tiếng chào thân thương.Ở đây, người ta nghèo về vật chất nhưng lại giàu tình thương mến.Có lẽ nhờ vậy nên người dân ở đây luôn cảm được sự bình yên và đầy tình làng nghĩa xóm.Cửa nhà thờ, nhà xứ , nhà dân không cần đóng mà vẫn không hề bị mất, bị trộm cái gì.
Một điều thú vị nữa chúng tôi chứng kiến là sự thân thương của một gia đình có ngày “ giỗ cha”. Mọi người trong nhà xứ được mời tham dự giỗ…
Đến nơi, những tấm chiếu đã được trãi sẵn, cỗ tiệc được dọn trên những chiếc chiếu kéo dài dưới chân tủ thờ ra đến hiên nhà. Gia chủ mặt áo dài khăn đóng màu đen cùng với Cha xứ thắp hương tưởng nhớ người quá cố trước khi vào tiệc.
Một nhà có giỗ, cả xóm cùng sẻ chia.Chung quanh câu chuyện trong làng, trong nước, đông tây giữa bữa cỗ, nghe đâu cơn bão số 9 sắp vào, một người đàn ông than thở “ lại thất nghiệp nữa đây, phải chấp nhận bao thiệt hại không tránh khỏi … ”! Người khác ngắt lời, dù thất nghiệp,dù có thiệt hại, nhưng nó chưa đến, hiện tại – chúng ta vẫn được bình yên, anh có xem thông tin về bão lũ đã càn quét Miền Trung, bây giờ lại tiếp tục cơn bão nữa gió giật mạnh hơn, di chuyển nhanh hơn… Chúng ta thất nghiệp, hy vọng chúng ta có bị ảnh hưởng nhiều nhưng không đến nỗi cơ cực như đồng bào mình ở Miền Trung…
Một tuần đã trôi qua, “đi ra” để thấy được cuộc sống còn bao cơ cực của đồng bào mình; ra khỏi nơi an toàn, tiện nghi để hiểu nỗi lòng của những người cha, người mẹ một đời lao nhọc lo cho cuộc sống gia đình, con cái; các thanh niên, trẻ nhỏ ở những vùng lũ hay trên đảo này phải chịu bao nhiêu thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa ở các thành phố trên đất liền. Mỗi người một nỗi niềm,mỗi người một hoàn cảnh giữa bao câu chuyện đời thường làm cho lòng cứ trào dâng niềm xót xa.
Vài hình ảnh người dân trên đảo chuẩn bị phòng bão lốc mái nhà
Việc chuẩn bị cho bão đến chưa được bao lâu, những cơn mưa phùn mang gió đến và thổi mạnh liên hồi khiến chúng tôi khiếp sợ, cửa nhà đóng kín nhưng gió vẫn cứ rít từng cơn tưởng chừng như muốn lôi cả mái nhà xứ. Lại từng cơn sóng mạnh từ biển thổi từng đợt nước mặn tung vào nhà, tung trên các đám hành tỏi làm cho cây lá như vừa bị dội những tia thuốc “diệt cỏ”.
Người dân đi mót lại những cây hành còn sống sót
Chẳng biết nói gì, chẳng có thêm lời gì để động viên những người dân bị thiên tai bão tố đe dọa, bao thiệt hại vì thương tích do bão để lại…tôi chỉ biết thầm nguyện xin Chúa thương đến con người mọi nơi, xin cho thời tiết thuận hòa để người người nhà nhà được bình yên vui sống. Xin cho có nhiều tâm hồn quảng đại “ lá rách đùm lá nát ” rộng ta chia sẻ để người dân trên đảo giảm bớt bao cơ cực của cái nghề ngư dân, nông dân trên quê hương thân thương. Xin cho Đức Giêsu Thánh Thể luôn trở nên nguồn ủi an và niềm tin tưởng phó thác vào sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời dương thế của mỗi người. Xin Mẹ Maria rất thánh Mân Côi luôn đồng hành với dân tộc chúng con trong mọi biến cố vui buồn, thử thách. Xin Mẹ tiếp tục cầu bầu cho dân tộc chúng con, để dù trong hoàn cảnh nào anh chị em chúng con sẽ không bao giờ đánh mất niềm hy vọng vào Chúa. Amen
Nt. Anna Lê Tuyết
(Dòng MTG Qui Nhơn)
Cơn bão vừa dứt mấy cha con đi ra thăm anh chị em xung quanh
Và đây vài hình ảnh mái ngói nhà thờ giáo xứ Lý Sơn bị cơn bão Molave tàn phá
Vài hình ảnh nhà dân bị lốc mái.