Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Khi ta cầu nguyện, Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho ta theo đúng ý Thiên Chúa

Sáng thứ Tư, ngày 06 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 20.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, Đức Thánh cha đi xe chào thăm các tín hữu và lên tới thềm Đền thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến, lúc quá 9 giờ, với phần lắng nghe Lời Chúa, qua đoạn thư thánh Phaolô gởi tín hữu Roma (8,26-27):

“Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ mười hai này có tựa đề là: “Chúa Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta”. Chúa Thánh Thần và kinh nguyện Kitô giáo”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!

“Hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, không những qua Lời Chúa và các bí tích, nhưng còn được biểu lộ qua kinh nguyện, và đây là điều chúng ta muốn suy tư hôm nay. Chúa Thánh Thần đồng thời là chủ thể và là đối tượng của kinh nguyện Kitô giáo. Nghĩa là, Người là Đấng ban kinh nguyện và là Đấng được ban qua kinh nguyện. Chúng ta cầu nguyện để nhận lãnh Chúa Thánh Thần và chúng ta nhận Chúa Thánh Thần để có thể cầu nguyện đích thực, nghĩa là như con cái Thiên Chúa, chứ không phải như người nô lệ.

Cầu xin Chúa Thánh Thần

Trước hết, chúng ta phải cầu nguyện để lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Về điểm này, có một lời rất rõ ràng của Chúa Giêsu trong Tin mừng: “Vì thế, nếu các con là những người xấu xa, mà còn biết cho con cái mình những điều tốt lành, thì Cha các con ở trên trời càng ban Thánh Thần cho những người cầu xin Người!” (Lc 11,13). Trong Tân ước, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần luôn ngự xuống trong lúc cầu nguyện. Người ngự xuống trên Chúa Giêsu khi chịu phép rửa ở sông Giordan, trong khi “cầu nguyện” (Lc 3,21); và ngự xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần, trên các môn đệ, trong khi “họ kiên trì và đồng tâm cầu nguyện” (Cv 1,14).

Đó là “quyền năng” duy nhất chúng ta có trên Thánh Thần của Thiên Chúa. Trên núi Sinai, các ngôn sứ giả của Baal múa máy, cầu xin lửa từ trời xuống trên lễ vật hy tế của họ, nhưng không có gì xảy ra; Elia bắt đầu cầu nguyện và lửa từ trời xuống thiêu huỷ lễ toàn thiêu (Xc 1 V 18,20-38). Giáo hội trung thành noi gương đó: Giáo hội luôn cầu xin Chúa “hãy đến!” mỗi khi hướng về Chúa Thánh Thần. Giáo hội làm như vậy nhất là trong thánh lễ khẩn xin Chúa Thánh Thần xuống, như sương mai và thánh hóa bánh và rượu cho hy tế Thánh Thể.

Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện

Nhưng cũng có một khía cạnh khác, quan trọng và khích lệ hơn đối với chúng ta, đó là: Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta kinh nguyện đích thực. Thánh Phaolô khẳng định rằng “Thánh Thần đến giúp sự yếu đuối của chúng ta; thực vậy, chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho thích hợp, nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu với những tiếng rên xiết không thể đè nén nổi, và ai thăm dò các tâm hồn thì biết Thánh Thần muốn gì, vì Người chuyển cầu cho các thánh theo ý định của Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).

Quả thực, chúng ta không biết cầu nguyện. Lý do của sự yếu đuối này trong kinh nguyện được bày tỏ trong quá khứ bằng một từ, được dùng ba cách khác nhau: như tĩnh từ, như danh từ và như trạng từ. Thật dễ nhớ, cả người không biết tiếng Latinh, cũng nên giữ trong tâm trí, vì nguyên nó chứa đựng toàn thể cuốn tiểu luận. Loài người chúng ta, như tục ngữ vẫn nói, “chúng ta vì xấu xa nên cầu xin không đúng cách, và xin điều xấu” (mali, mala, male petimus), chúng ta cầu xin những điều sai lầm (mala) và một cách không đúng (male). Chúa Giêsu nói: “Các con hãy tìm kiếm Nước Trời trước tiên và phần còn lại sẽ được ban thêm cho các con” (Mt 6,33); trái lại, chúng ta tìm kiếm trước tiên những điều dư thừa, nghĩa là tư lợi của chúng ta và chúng ta hoàn toàn quên cầu xin Nước Thiên Chúa”.

Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta yếu đuối

Đúng vậy, Chúa Thánh Thần đến cứu giúp chúng ta trong sự yếu đuối, nhưng Ngài làm điều càng quan trọng hơn nhiều: Chúa làm chứng rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và Ngài đặt trên môi chúng ta tiếng kêu: “Abba, Lạy Cha!” (Rm 8,15; Gl 4,6). Kinh nguyện Kitô giáo không phải là người từ một đầu dây điện thoại nói với Thiên Chúa ở đầu bên kia. Không phải vậy, chính Thiên Chúa cầu nguyện trong chúng ta! Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, nhờ Thiên Chúa.

Chúa Thần là Đấng Bào Chữa

Chính trong kinh nguyện mà Chúa Thánh Thần tỏ mình ra như là “Đấng Bào Chữa”, nghĩa là trạng sư bênh vực chúng ta. Người không cáo buộc chúng ta trước mặt Chúa Cha, nhưng bênh vực chúng ta. Đúng vậy, Người thuyết phục chúng ta về điều này: chúng ta là những người tội lỗi (Xc Ga 16.8), nhưng Người làm điều đó để chúng ta có thể nếm hưởng niềm vui của lòng thương xót của Chúa Cha, không phải để phá hủy chúng ta với những mặc cảm tội lỗi vô bổ. Cả khi con tim chúng ta trách cứ mình về điều gì, Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng: “Thiên Chúa lớn hơn con tim của chúng ta” (1 Ga 3,20).

Chúa Thánh Thần dạy cầu nguyện

Chúa Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta, nhưng Người cũng dạy chúng ta chuyển cầu cho các anh chị em chúng ta; Người dạy chúng ta kinh nguyện chuyển cầu. Kinh nguyện này đặc biệt làm hài lòng Thiên Chúa, vì là kinh nguyện nhưng không và vô vị lợi nhất. Khi mỗi người cầu nguyện cho tất cả mọi người, như thánh Ambrosio dạy, thì tất cả cùng cầu nguyện cho mỗi người; kinh nguyện được nhân lên nhiều. Và đó là một công tác rất quý giá và cần thiết trong Giáo hội, đặc biệt trong thời kỳ chuẩn bị Năm Thánh: liên kết với Đấng Bào Chữa, chuyển cầu cho các thánh theo ý định của Thiên Chúa”.

Không bao giờ như lúc này, “Thánh Thần và Hôn Thê cùng nhau kêu lên Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin hãy đến!” (Xc Kh 22,17).

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý, lần lượt các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ đến từ một số trường ở Pháp, như Học viện Fénélon ở Paris và Học viện thánh Giuse ở thành phố Reims, đồng thời, ngài nhắn nhủ rằng trong thời gian chuẩn bị Năm Thánh hiện nay, chúng ta hãy học cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để Người soi sáng cho chúng ta những phương thế hầu trở nên những thừa sai đích thực về hy vọng cho các anh chị em chúng ta”.

Với các tín hữu thuộc Anh ngữ, Đức Thánh cha nhắc đến cách riêng các tín hữu hành hương đến từ Anh, Ghana, Malaysia, Philippines và Mỹ. Ngài cũng chào các linh mục đến từ Anh và xứ Wales đang kỷ niệm thụ phong linh mục.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng trong những ngày này, chúng ta hãy nhớ đến tất cả những người đã qua đời, nhất là các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân của những bất công và tai ương.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các tham dự viên khóa họp, do Đại học Giáo hoàng Thánh Giá của Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức, các chủng sinh của Giáo phận thánh Marco Argentanoo-Scala và nhiều nhóm khác. Ngài nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, các đôi tân hôn và nói rằng: “Tôi khuyến khích tất cả hãy sống đời sống thường nhật qua lòng trung thành với Tin mừng, được đức tin và đức cậy nâng đỡ”.

Đức Thánh cha không quên nhắc nhở các tín hữu cầu nguyện cho Ucraina đau thương, các nạn nhân chiến tranh ở Palestine, Israel, Liban, Myanmar, Sudan, cũng như các nạn nhân bị lụt ở thành Valencia, bên Tây Ban Nha.