Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ: Hoàn cảnh của các Kitô hữu tồi tệ hơn trên toàn thế giới

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ công bố phúc trình “Bị bách hại hơn bao giờ hết – Phúc trình về các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin 2022-2024”, và cho biết hoàn cảnh của các Kitô hữu tồi tệ hơn trên toàn thế giới.
 

Vatican News

Khoảng thời gian tham chiếu của phúc trình là từ mùa hè 2022 đến 2024. Tổng cộng có 18 quốc gia được phân tích, từ Nicaragua ở châu Mỹ Latinh đến Myanmar ở Viễn Đông, đến Burkina Faso ở Tây Phi.

Phúc trình nhấn mạnh rằng việc bách hại các Kitô hữu đã trở nên tồi tệ hơn trên khắp thế giới. Tại các quốc gia châu Phi được khảo sát, Hồi giáo cực đoan là nguyên nhân làm gia tăng đàn áp. “Tâm điểm bạo lực của phiến quân Hồi giáo” là Tây Phi, chứ không phải Trung Đông nữa.

Tài liệu viết: “Cuộc di cư ồ ạt của các cộng đoàn Kitô giáo, gây ra bởi các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo, đã gây bất ổn cho họ và tước đoạt các quyền của họ, đặt ra câu hỏi về sự tồn tại lâu dài của Giáo hội”.

Việc bách hại các Kitô hữu cũng gia tăng ở các quốc gia quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria.

Sau 18 năm, lần đầu tiên một phân tích mới được đưa ra, đó là tình hình của các Kitô hữu ở Nicaragua. Đây là hậu quả của các biện pháp đàn áp cực đoan được thực hiện đặc biệt đối với các đại diện giáo sĩ địa phương, những người bị ảnh hưởng bởi sự giam giữ hàng loạt và trục xuất khỏi đất nước. Phúc trình bao gồm những lời chứng trực tiếp từ những người sống sót sau các cuộc tấn công chống Kitô giáo và thông tin chi tiết về các vụ việc.

Các chủ đề khác được phân tích là sự di dời của các cộng đoàn Kitô sau các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ nữ- đặc biệt là các cuộc hôn nhân cưỡng bức và cải đạo -, bắt cóc và đe dọa các linh mục và xuất bản sách học đường có nội dung xúc phạm Kitô giáo.

Pakistan và Ấn Độ được phân tích đặc biệt về sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công bạo lực do cáo buộc báng bổ ở Pakistan và việc giam giữ hơn 850 người theo luật chống cải đạo ở Ấn Độ.

Trong phúc trình, Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự cải thiện nhẹ, trước hết là do “các biện pháp được thực hiện để tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican”.