GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ …

Tục ngữ Việt Nam, ai ai cũng nghe, cũng biết : Gần mực thì đen – gần đèn thì rạng !

          Cũng chả có gì khó hiểu với câu tục ngữ đó :”Gần mực thì đen” tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. “Gần đèn thì rạng” tức là nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa ra hào quang rực rỡ hơn người khác.

          Xã hội bây giờ có rất nhiều điều tiêc cực, sự ảnh hưởng một cách nhanh chóng và sâu rộng của các nền văn minh trên thế giới có tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, tiếc rằng họ lại không biết cách chọn lọc, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Chúng ta dễ bị tác động bởi những điều mới lạ mà không giữ được phẩm chất đạo đức con người. Các tệ nạn lan rộng trong phạm vi cả nước vì lối sống vô trách nhiệm, buông thả của một số người. Ma tuý, cờ bạc, rượu chè và mới đây là thuốc “lắc” ở vũ trường tạo thành một cơn lốc, kéo theo những con người thiếu ý chí, nghị lực, thiếu hiểu biết vào vòng xoáy bất tận của những văn hoá phẩm đồi trụy, của các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc,…

          Bên cạnh đó, câu tục ngữ cũng muốn nhắc nhở hơn về ý chí của mỗi người. Chúng ta không phải ai cũng được lựa chọn cho mình môi trường sống tốt đẹp. Cuộc sống đôi khi  muốn thử thách nên đã cố tình đặt ta vào những hoàn cảnh sống éo le. Song môi trường sống chỉ là bước cần, không phải bước đủ, cái quan trọng vẫn là nội tâm của mỗi người. Người xưa có câu: “ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, ý muốn nói môi trường sống không tốt cũng không thể khiến con người trở nên xấu đi nếu họ có một ý chí vững mạnh, một nhân cách tốt. 

          Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn “đèn” để người khác được soi tỏ, tránh xa “mực” và cố gắng khổng để cho nó ảnh hưởng đến mình.

           Ngày hôm nay, ta thấy Phêrô cùng các môn đệ thân tín nhìn thấy vinh quang được Thiên Chúa tỏ bày nơi Chúa Giêsu. Vinh quang Thiên Chúa đã phủ lấp cuộc đời Chúa Giêsu bởi cung cách vâng phục. Các môn đệ gần Chúa để cuọc đời các Ngài được rạng ngời như Chúa.

  Trong thư gửi giáo đoàn Philipphê, Thánh Phaolô đã vẽ cho ta khuôn mặt của Thầy Giêsu :

Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa,

nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được

chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

Song Ngài đã hủy mình ra không,

là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,

trở thành giống hẳn người ta;

đem thân đội lốt người phàm,

Ngài đã hạ mình thấp hèn,

trở thành vâng phục cho đến chết,

và là cái chết thập giá! (Pl 2, 6-8)

          Và hình ảnh Giêsu ấy được ngôn sứ Isaia vẽ qua khuôn mặt của “người tôi tớ đau khổ”.“Người tôi tớ đau khổ”  đã phải chịu đau khổ cùng cực.

          Hình ảnh “người tôi tớ đau khổ” trong Isaia là biểu tượng của Israel, nhưng nay thể hiện nơi Chúa Giêsu. Ngài là Đấng vô tội, nhưng phải gánh lấy tội trần gian, thí mạng cho loài người để họ được chữa lành và được tha các tội lỗi. Chúa Kitô là Israel mới, là ánh sáng cho muôn dân. Ngài đem lại ơn cứu độ cho nhiều người bằng cách thí mạng sống của mình để đền tội cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu Kitô, mang thân phận của người tôi tớ đau khổ.

           Vậy, động lực để Chúa Giêsu có thể can đảm đón nhận Thập giá một cách can trường như vậy là vì tình yêu. Chính vì tình yêu, Ngài đã biến cây thập giá, vốn vẫn được coi là một nhục hình mà con người dựng nên đã hành hạ nhau, lại trở nên phương tiện để cứu độ con người. Con Thiên Chúa đã đón nhận thập giá để chúng chia khổ đau với nhân loại, để chuộc lại lỗi lầm của con người, để nên phương dược chữa lành cho chúng ta.

          Từ đây, thánh giá không còn là một nhục hình nữa, nhưng là một biểu tượng của tình yêu. Hàng năm, ngày 14 tháng 9, Giáo Hội dành riêng ngày này để ‘suy tôn thánh Giá’. Khi tôn vinh thập giá, Giáo Hội không có ý tôn vinh sự đau khổ, nhưng là tôn vinh Đấng đã chịu treo trên cây Thánh Giá. Thập Giá Đức Kitô mãi mãi vẫn là một lời mời gọi đầy yêu thương cho tất cả chúng ta. Thập giá cũng nhắc nhở chúng ta ý thức hơn khi gặp phải những thử thách trên đường đời. Chúa Giêsu đã để lại gương mẫu cho chúng ta noi theo.

          Vấn đề quan trọng và chính yếu nhất đời KItô hữu đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu. Và khi sống như vậy, ta cũng sẽ được Chúa Cha nói  như đã nói về Chúa Giêsu : “Đây là Con Ta yêu dấu ! Đẹp lòng Ta mọi đàng.”

          Nhớ lại câu nói cửa miệng của Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông khi bước vào Thánh Lễ : “Anh em thân mến ! Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta biến đổi cuộc đời nên một như Đức Kitô. Nếu chúng ta tham dự Thánh Lễ mà không biến đổi cuộc đời nên một như Đức Kitô thì Thánh Lễ chúng ta tham dự ra vô ích …”

          Chính Thánh Lễ, qua Thánh Lễ và với Thánh Lễ, chúng ta được kết hiệp mật thiết và biến đổi nên giống như Chúa hơn. Khi ta gần Chúa ta kết hiệp với Chúa ta nên giống Chúa vì gần đèn thì rạng là như vậy. Những ai xa Chúa thì cuộc đời xem chừng khó mà rạng được nhất là khi ai nào đó theo vật chất, danh vọng và quyền lực.

          Trong cuộc sống, chúng ta biết khiêm tốn đón nhận thập giá như phương tiện nên ơn cứu độ cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta cũng biết cảm thông hơn với nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại và nhất là nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn.

Lm. Anmai, CSsR