NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 55: NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐỌNG LẠI

 
Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 55: Những ấn tượng đọng lại

TGPSG — Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội (TGTTXH) năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đang có nguy cơ bùng phát mạnh trong cộng đồng. Vì thế, từ số lượng thành viên tham dự đến các hoạt động tổ chức đều hạn chế tối đa để đảm bảo an toàn phòng dịch theo đúng quy định. Nhưng những khó khăn đó không làm giảm đi nhiệt huyết của các thành viên truyền thông và chất lượng nội dung của buổi cử hành.

Ngày TGTT cũng là ngày Bổn mạng của Ban TT TGP Sài Gòn. Chương trình quan trọng đã  được thiết kế ngắn gọn nhất có thể với bốn nội dung quan trọng: Nhìn lại các hoạt động mục vụ của Truyền thông TGP năm vừa qua; Học hỏi sứ điệp truyền thông; Huấn từ của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Tổng GP Sài Gòn và Nghi thức tuyên hứa – nhận chứng chỉ của các tân thành viên truyền thông. Mỗi nội dung đều đem lại những cảm xúc tích cực và tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng tất cả những người tham dự.

1. Nhìn lại các hoạt động mục vụ của Truyền thông TGP năm vừa qua

Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn với biến cố chấn động toàn cầu: Covid -19. Nhiều hoạt động của TT GP đã phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Tuy vậy, những hoạt động cần thiết cũng đã được cử hành. Những khóa đào tạo mới vẫn được mở ra và cho kết quả tốt đẹp. Những tác phẩm được xuất bản tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Các hoạt động chăm sóc mục vụ dành cho các thành viên truyền thông như Thánh lễ thứ Ba đầu tháng, thăm hỏi, họp mặt… thực sự ấm áp và có ý nghĩa, giúp mọi người kết nối chặt chẽ hơn với nhau hơn trong tinh thần một đại gia đình.

Video clip về hoạt động TT năm qua vừa đủ để cử tọa nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của truyền thông TGP trong một năm. Qua đó, người tham dự đánh giá được sự dấn thân, cống hiến hết mình của các anh chị em, từ đó ý thức hơn vai trò và trách nhiệm thành viên TT TGP của mình. Chị Maria Thanh Hoa – một tân thành viên khẳng định “sẽ tích cực cộng tác để góp phần vào sự phát triển của TT TGP”.

2. Học hỏi sứ điệp truyền thông

Đây là phần hấp dẫn, được chờ đợi và vô cùng sôi nổi trong chương trình với phần thuyết trình và giao lưu của hai nhà báo Công giáo tài năng và nhiều kinh nghiệm: Hoàng Mạnh Hà và Trần Nguyên.

Nhà báo Hoàng Mạnh Hà là cựu trưởng ban Kinh tế báo Pháp luật Tp HCM, sáng lập viên tạp chí Công giáo Đồng hành, chủ biên Tạp chí Business Forum. Còn nhà báo Trần Nguyên là cựu phóng viên báo Tuổi trẻ, hiện là Trưởng đại diện phía Nam của tạp chí Tia sáng.

Được mời trình bày đề tài “Từ Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico nhân ngày Thế giới Truyền thông Xã hội “Hãy đến mà xem”(Ga1,46) liên hệ đến quá trình tác nghiệp của nhà báo và giới truyền thông”, nhà báo Hoàng Mạnh Hà đã thu hút sự chú ý của các tham dự viên bằng lối dẫn chuyện rất duyên và những câu chuyện thực tế đầy cuốn hút.

Mở đầu phần thuyết trình, chủ biên Tạp chí Business Forum chia sẻ: lâu nay những người làm báo chân chính vẫn nghiêm ngặt tuân thủ nguyên tắc theo sát sự thật, tôn trọng sự thật. Khi được biết đến sứ điệp truyền thông năm nay, ông rất bất ngờ và cảm thấy thú vị với những chỉ dẫn của Giáo hội qua bốn từ ngắn gọn mà đầy đủ: Hãy đến mà xem.

Đến tận nơi để xem biết sự thật sẽ giúp nhà báo khám phá ra nhiều góc khuất của cuộc sống, viết nên những câu chuyện sống động, tạo nên những kết thúc có hậu cho nhiều câu chuyện đời. Nhà báo Hoàng Mạnh Hà đã kể về một nữ phóng viên có tiếng với sự dấn thân mạnh mẽ để tìm hiểu sự thật. Con mắt tinh tế, trái tim nhạy cảm khiến người làm báo chân chính dễ phát hiện ra tính vấn đề nơi mỗi con người hay sự việc xung quanh. Kín đáo theo dõi nhân vật, kín đáo thâm nhập vào môi trường nhạy cảm hay nguy hiểm… để có thể phản ánh đúng sự thật là việc mà các nhà báo vẫn thường làm. Không chỉ thế, các nhà báo – sau khi kết thúc bài báo hay phóng sự – thường vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các nhân vật của mình, thậm chí trợ giúp cho họ những khi cần thiết. Nữ nhà báo trong câu chuyện của nhà báo Mạnh Hà đã nhận được nhiều mến phục từ đồng nghiệp bởi những câu chuyện dấn thân, sống chết với nghề báo như thế.

Người làm báo nếu không “đến mà xem” sẽ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, gây hại cho người khác và hạ thấp uy tín của bản thân và của cả tòa soạn. Một câu chuyện đáng tiếc mà nhà báo Hoàng Mạnh Hà gửi đến người nghe là chuyện một phóng viên làm phóng sự nhưng không trực tiếp tiếp xúc, lấy thông tin từ doanh nghiệp mà chỉ xin tài liệu báo cáo từ bộ phận thanh – kiểm tra, dựa vào tài liệu báo cáo ấy mà làm thành phóng sự. Phóng sự được đăng tải đã gặp phải phản ứng từ phía doanh nghiệp, khiến tòa soạn phải đăng tin cải chính và xin lỗi doanh nghiệp. Sự chủ quan hay lười biếng kiểu này không thể chấp nhận đối với nghề báo.

Ngoài ra, nhà báo luôn cần trình bày ý tưởng với tòa soạn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của tổ chức trước khi thực hiện những phóng sự mang tính nhạy cảm hay nguy hiểm. Tự mình “độc lập tác chiến” sẽ dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm cho bản thân. Đã có những nhà báo phải chịu cảnh tù đày vì sơ suất kiểu này.

Kết thúc phần trình bày, nhà báo Hoàng Mạnh Hà một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của sứ điệp “Hãy đến mà xem” đối với những người làm truyền thông nói chung, truyền thông Công giáo nói riêng.

Nhà báo Trần Nguyên được mời trình bày một đề tài khá nóng nhưng cũng bị xem là khá kén người nghe: vấn đề bản quyền trong truyền thông. Cựu phóng viên báo Tuổi trẻ đã khiến hội trường như nóng lên bởi cách đặt vấn đề rất thông minh của anh xoay quanh cuốn sách “Sứ điệp các loài hoa” của Linh mục Anthony Nguyễn Ngọc Sơn – một cuốn sách bị vi phạm bản quyền cách nghiêm trọng. Vi phạm bản quyền ở Việt Nam là chuyện cơm bữa, cả vô tình lẫn cố ý. Đã có luật bản quyền, nhưng điều đó không hề làm giảm đi tình trạng vi phạm. Thực tế là chưa có nhiều người ý thức về vấn đề bản quyền dẫn đến vi phạm một cách khá phổ biến. Trên YouTube, Facebook, các banner quảng cáo… tràn lan chuyện trích dẫn văn – thơ – nhạc – họa mà không hề dẫn nguồn. Người dùng nghiễm nhiên xem đó như là tài sản chung, ai xài cũng được. Chính tư duy đó khiến cho việc vi phạm bản quyền ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trưởng đại diện của tạp chí Tia sáng cũng chia sẻ với tất cả cử tọa một “phát hiện” khá thú vị: chính Giáo hội Công giáo rất tôn trọng bản quyền. Mỗi khi đọc Lời Chúa, câu đầu tiên luôn là câu khẳng định bản quyền thuộc về ai: “Trích Phúc âm theo Thánh…”. Truyền thống rất đẹp đó đã có từ đầu Công nguyên chứ không phải đợi đến sau này.

Kết thúc phần chia sẻ, nhà báo Trần Nguyên nhắn gửi đến những người làm truyền thông “chủ động tìm hiểu về bản quyền, có ý thức về bản quyền, tôn trọng bản quyền bằng cách ý thức dẫn nguồn mỗi khi trích dẫn, sử dụng tác phẩm hay tài sản trí tuệ của người khác”.

Phần giao lưu trực tiếp của cử tọa với hai nhà báo diễn ra khá sôi nổi trong khoảng thời gian hạn chế. Có 4 câu hỏi được đặt ra lần lượt từ bốn người tham dự về các vấn đề được nhiều người quan tâm: [1] Cơ chế nào đảm bảo an toàn cho thành viên truyền thông của các giáo xứ? [2] Làm cách nào để bảo vệ bản quyền các sản phẩm trí tuệ của các dòng tu trước thực tế bị vi phạm khá phổ biến hiện nay? [3] Thách đố của thời đại đối với người làm truyền thông? [4] Kinh nghiệm nào cho những “tân binh” truyền thông khi bắt đầu sứ vụ?

Nhà báo Hoàng Mạnh Hà cho rằng “cần phải có các chỉ dẫn cụ thể và thống nhất cách thức từ cấp Giáo phận đến các giáo xứ để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho các thành viên truyền thông hoạt động” khi trả lời câu hỏi thứ nhất [1]. Với thắc mắc số [3] – một câu hỏi quá rộng, nhà báo Mạnh Hà đã kể lại câu chuyện “bút chiến” của anh về vai trò của các nhà truyền giáo đối với chữ Quốc ngữ, đó là tập trung khai thác chiều sâu vấn đề. Truyền thông cần tránh đi vào vấn đề quá rộng. Người chủ biên tạp chí Đồng hành cũng cho rằng cần sự quan tâm đúng mực và sự hỗ trợ tận tình từ các linh mục quản xứ đối với các tân thành viên truyền thông trong khi giải đáp thắc mắc số [4]. Riêng vấn đề bản quyền ở câu hỏi số [2], nhà báo Trần Nguyên cho rằng việc ý thức quyền sở hữu bằng việc đăng ký bản quyền là cần thiết và có thể hạn chế được phần nào việc vi phạm. Để có kiến thức về bản quyền trong thời đại công nghệ này là điều dễ dàng.

Phần giao lưu khép lại với nhiều cảm xúc tích cực. Các thành viên tham dự đều cảm thấy hài lòng với những gì mình nhận được trong suốt gần 90 phút học hỏi sứ điệp truyền thông năm nay. Một tham dự viên là nữ tu chia sẻ: “Tôi học hỏi được rất nhiều bài học sâu sắc từ chia sẻ của hai nhà báo. Thật sự thấm thía! Tôi mong sẽ có nhiều chương trình giao lưu thiết thực như thế này trong thời gian tới!”. Chị Maria Thanh Hoa cho rằng “bài học từ thực tế bao giờ cũng có sức hấp dẫn và chạm tới điểm sâu nhất trong trái tim người nghe. Những câu chuyện hai nhà báo chia sẻ giúp cho chúng ta học được rất nhiều về kiến thức, nghiệp vụ báo chí và ý thức về bản quyền. Đó thực sự là những chỉ dẫn quý báu cho người làm truyền thông không chuyên như chúng ta!”.

3. Huấn từ của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Tổng GP Sài Gòn

Vào lúc 10g15, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã giá đến và ban huấn từ với chủ đề Mục tiêu của sứ vụ Truyền thông. Đức Tổng khẳng định cùng cử tọa những giá trị tích cực và nhân văn mà truyền thông đem lại cho cuộc sống qua những câu chuyện phổ biến trên mạng internet gần đây. Ngài nói: Truyền thông Công giáo không phải chỉ đưa thông tin mà còn phải giúp ích cho mọi người hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Người làm truyền thông cần phải xác định rõ mục đích chân chính, cao đẹp của truyền thông, đó là hướng đến lợi ích của người khác. Ngài cho rằng truyền thông là để kiến tạo nên sự hiệp thông giữa Trời và Đất, giữa chính mỗi người với Thiên Chúa và với nhau. Truyền thông, tức “truyền” là phải “thông”, cần loan truyền tình thương của Chúa đến mọi người và để họ cảm nghiệm được tình thương của Ngài. Hơn cả, người làm truyền thông luôn cần truyền thông trong đức ái, tôn trọng sự thật trong tình yêu thương. Đức Tổng kể lại câu chuyện Nhan Hồi – người học trò kiệt xuất của Khổng Tử đã bị hiểu lầm là ăn vụng cơm để nhắc cho người làm truyền thông thái độ thận trọng cần có khi nhìn sự việc và con người, thấy rõ ràng vậy mà câu chuyện chưa hẳn đã như vậy. Nếu không tỉnh táo và thận trọng, nếu không bác ái, từ tâm, người làm truyền thông dễ rơi vào cái bẫy lỗi đức bác ái của chính mình. Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đầy khó khăn hiện nay, người làm truyền thông càng phải động viên giúp đỡ lẫn nhau, và dùng truyền thông để giúp đỡ nhiều hơn cho những người khó khăn trong xã hội.

Đức Tổng Giuse nhắc mọi người liên hệ đến sứ điệp truyền thông năm nay”Hãy đến mà xem” . Ngài nêu câu hỏi: “người làm truyền thông Công giáo đã thực hiện được điều ấy trong sứ vụ của mình hay chưa? Ta đã đến xem, đã lắng nghe, đã thấu hiểu, đã nhìn và đã chạm đến cuộc đời mỗi nhân vật hay chưa?”

Đây là những câu hỏi mà mỗi người làm truyền thông luôn cần tự hỏi bản thân mỗi ngày. “Những lời ấy của Đức Tổng đã đánh động con rất nhiều. Con tự ý thức rằng, bản thân mình vẫn còn nhiều giới hạn, mình vẫn chưa đủ nhiệt thành trong sứ vụ”. Chị Maria Ngọc Tỷ bày tỏ.

4. Trao Chứng chỉ & Tuyên hứa

Kết thúc huấn từ, Đức TGM Giuse đã chủ sự nghi thức Tuyên hứa và trao chứng chỉ cho các học viên của lớp Mục vụ Truyền thông Tổng quan niên khóa 2020-2021. Đây là phần được các tân thành viên mong đợi nhất sau một năm học nhiều gián đoạn vì đại dịch.

Linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền – trưởng ban MVTT – giới thiệu các tân thành viên sắp tuyên hứa với Đức Tổng Giuse, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, khách mời và toàn thể cự tọa. Sau lời giới thiệu của cha đặc trách, nghi thức tuyên hứa bắt đầu. Tất cả các tân thành viên đứng lên, giơ tay phải hướng về hình ảnh Chúa Giêsu thăng thiên trên lễ đài, nói lời tuyên hứa cách dõng dạc, mạnh mẽ và cất cao bài hát  “Dấn thân” đầy quyết tâm.

Nghi thức tuyên hứa kết thúc, lần lượt từng thành viên tiến lên nhận chứng chỉ từ tay Đức Tổng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có người không thể thốt nên lời vì quá nghẹn ngào, xúc động.

Chị Maria Thúy Kiều cho biết: “Khi bài hát tuyên hứa được cất lên, tâm hồn tôi như được nâng lên cao hòa cùng nhịp điệu bài hát. Trong giây phút đó, tôi như được hiệp thông cách mạnh mẽ với Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương, chọn gọi tôi trở thành tông đồ truyền thông cho Người. Tôi sẽ luôn cố gắng, tích cực dấn thân, phục vụ Chúa trong lòng thế giới hôm nay”.

Còn Thầy Joseph Phạm cũng xúc động chia sẻ tâm tình của mình: “Giây phút này thật đẹp, thật tuyệt vời làm sao! Niềm hạnh phúc trào dâng theo từng nhịp hát. Chưa lúc nào tôi thấm thía linh đạo truyền thông như lúc này. Cử chỉ mọi người đưa tay phải của mình ra như muốn truyền đi thông điệp “chúng con xin hứa sẽ sẵn sàng vươn tới những vùng ngoại biên xa xôi, mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Chúng con sẽ truyền đi những thông điệp lòng thương xót của Ngài với cả con tim, sẽ đến để được nghe, được hiểu, được đụng chạm đến nỗi khổ niềm đau của anh em mình. Cánh tay trái đặt lên tim như muốn thể hiện lòng cảm tạ Thiên Chúa vời tất cả tình yêu, vì chính Chúa đã chọn gọi chúng con làm ngôn sứ cho Ngài. Chúng con sẽ thật là thiếu sót, bất toàn nếu làm truyền thông mà không “đến mà xem”.

Sau khi trao chứng chỉ, Đức Tổng Giuse đã dâng lời cầu nguyện cách đặc biệt cho các tân thành viên. Những lời nguyện cầu cũng là những mong ước tốt lành và đầy yêu thương của vị cha chung dành cho con cái mình đã chạm đến trái tim của tất cả các tân thành viên. Khuôn mặt của các thành viên không giấu được sự xúc động.

Anh GB Nguyễn Anh Tài bày tỏ: “Thật sự tôi rất vui mừng và không biết diễn tả như thế nào khi nhận được chứng chỉ từ chính tay Đức Tổng Giuse, vị cha chung kính yêu của toàn thể TGP. Niềm vui đó tôi đã không thể giấu được. Ngay trưa hôm sau, vào lúc 14g, tôi đã mang chứng chỉ vào trình diện cha xứ. Cả hai cha con đều vui mừng và phấn khởi. Cha xứ đã nhắn nhủ, động viên rất nhiều để tôi luôn cố gắng thực hiện thật tốt những gì mình đã tuyên hứa.”

Ngày TGTTXH trôi qua đã tròn một tuần lễ nhưng những dư âm mà buổi cử hành để lại thật sự khó quên đối với các thành viên truyền thông. Những bài học sâu sắc về kiến thức, về nghiệp vụ, về thái độ cần có của người làm truyền thông Công giáo chắc chắn giúp ích rất nhiều cho các tân thành viên trong thực tiễn tác nghiệp thời gian tới.

Lớp Truyền Thông Tổng Quan khóa 12 (TGPSG)