Sống ơn gọi như một bản nhạc

Âm nhạc là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì đòi hỏi cái hay cái đẹp trong đó. Người viết tuy không giỏi nhạc, thậm chí kém về nhạc, nhưng với những người biết nhạc, ai cũng hiểu một bản nhạc để đi vào lòng người phải hội đủ các đ iều kiện như: nhạc lý, giai điệu, nhịp điệu và hòa âm. Phải có tính độc đáo, tính mới lạ và giá trị nghệ thuật hợp với khán thính giả.

   Nếu tác giả viết bài này ví đời sống ơn gọi như một bản nhạc, thì bản nhạc ấy viết về hành trình ơn gọi cũng phải hội đủ những điều kiện của một bản nhạc hay.

  Với những điều kiện thiết yếu, dựa trên bản nhạc căn bản và ca trưởng tài tình là thầy Giêsu để họa theo. Người viết là một người đang trên hành trình khám phá và bước theo nhạc trưởng Giêsu trong hành trình sống ơn gọi; mạo muội viết bài này với chút cảm nhận riêng của cá nhân, để truyền tải những âm điệu “thăng trầm” trong đời thánh hiến phần nào giúp các bạn trẻ hiểu về ơn gọi tu trì.

   Một bản nhạc mà cứ đều đều từ đầu đến cuối sẽ tạo cảm giác tẻ nhạt, buồn chán. Ngược lại, nếu trong bản nhạc có cao trào, có êm ái, có sâu lẳng,… hay nói rõ đã là nhạc phải có lúc lên lúc xuống, giống như 7 nốt nhạc thì thật tuyệt vời. Điều đó, đòi hỏi người nhạc sĩ phải biết vận dụng tài tình giai điệu, hứng khởi, kết hợp với hòa âm nhịp nhàng mới “sinh ra bản nhạc”đi vào lòng người và diễn đạt hết nội dung mình muốn chuyển tải.

   Cũng vậy, sống ơn gọi tu trì là sự hòa nhịp, chứ không phải lúc nào cũng bình bình, hay cứ cao trào. Nếu cứ bình thường ngày nào cũng như ngày nào thì sẽ dẫn đến sự buồn chán, không muốn cố gắng vươn lên. Tình trạng nhạt nhẽo sẽ là cớ gây cho đương sự “buông tay” hay muốn “rẽ lối”. Nhưng nếu lúc nào cũng cao trào như “diều gặp gió” bay cao bay xa nâng mình lên và không biết Thầy Chí Thánh Giêsu ở đâu thì hỏng bét đời tu rồi!

   Tác giả muốn nói cuộc sống của đời tu như bản nhạc với những nốt trầm, bổng, khi “thăng lên” lúc “gián xuống” thi thoảng lại có nốt lặng (nghỉ) lấy hơi…  Bởi vậy, cần lắm sự kết hợp, tận dụng mọi thời cơ, mọi dịp tốt-xấu… để giúp mình nhiệt tâm theo Chúa, bước đi với Ngài. Hầu lý tưởng và ý nghĩa đời tu thêm mãnh liệt, nổi bật hơn vàcho mọi người thấy tại sao tôi lại chọn sống tu trì?

  Intro một bản nhạc lúc đầu luôn tạo sự hướng khởi, do phối khí hòa âm, nó làm cho người nghe miên man khúc dạo đầu. Nhưng đó cũng là sự mở lối cho ca sĩ hát đúng nhịp, “đi đúng tông”. Ơn gọi cũng vậy, lúc khởi đầu nó tha thiết và hấp dẫn lắm.

   Nhớ cái ngày đó, là một chú giúp lễ thấy dáng các sơ – các thầy “xúng xính” trong bộ tu phục, đi đứng nghiêm trang… ôi! Sao đẹp thế- sao thánh thiện thế!. Làm nhóm lên trong tâm hồn Cậu Bé ước mơ, phải chi mình được như các đấng!

Những Khái Niệm Căn Bản Về Ơn Gọi | MSA Vietnam

   Có thể đó là khúc dạo đầu bản nhạc ơn gọi của Cậu đơn sơ và dễ thương như vậy. Khởi tấu bản nhạc đời tu của Cậu chan chứa tình yêu ngây ngất và sự nhiệt tâm của một Cậu học trò ở nông thôn, với quyết lặp lại lời thánh Phaolô: “tôi sống là sống cho đức kitô”. Ấy thế nhưng, bản nhạc không phải lúc nào cũng cần sự diễn tả mạnh mẽ, mà có lúc đã xuống cái nốt trầm thấp ơi là thấp!

    Lúc khởi đầu, Cậu ngây ngất như được đưa lên đến 9 tầng mây của những tháng ngày chập chững bước vào nhà dòng.

 Nhưng… rồi, nhiều lúc Cậu lại “khăn gói” muốn rẽ bước bởi những khô khan, hụt hẫng trong đời sống đạo đức; những trái ý, ghanh đua không lành mạnh trong đời sống huynh đệ nơi cộng đoàn…

    Cậu tự vấn, đời tu cũng có chuyện không ngờ như thế này như thế kia!

    Mỗi khi có ý định “cuốn gói” thì ca trưởng kiêm giáo sư nhạc sĩ Giêsu lại thầm thì : “ơn gọi như một bản nhạc mà con!” Sự trầm lắng của bản nhạc không phải là không “phô diễn ca từ”, mà nó “trầm” để đẩy lên “cao trào” của dòng nhạc sau đó. Sự hụt hẫng, khô khan, khó khăn đó là thời gian giúp cho đời tu trầm lắng lại, để thấm thía giá trị của sự thanh luyện giúp khám phá ra con người giới hạn”, và là cái thứ “bình sành dễ vỡ” trong cuộc sống trần gian. Và dần dà,Cậu đã khám phá thêm một chút, một chút về “bản nhạc ơn gọi” từ đó Cậu đã hiểu và cảm được giá trị của  “nốt trầm” trong đời tu.

    Bản nhạc hay, không chỉ dừng lại ở nhịp điệu bình bình, hay đều đều lúc trầm – lúc cao, mà nhạc sĩ còn tạo thêm sự sinh động bằng “nghịch phách, đảo phách”. Đời tu của Cậu cũng thật bất ngờ khi có “nghịch phách”; Một biến cố như cái tên gọi “nghịch phách” đó chính là “làn sống xanh mang tên người Ấy” xuất hiện.

   Người Ấy đã đến và thiêu đốt trái tim Cậu. Cậu bị ngẩn ngơ chỉ vì “một nụ cười mà người Ấy mang đến”. Có lúc Cậu lo sợ “đứt gánh giữa đường” do hình ảnh lung linh của người con gái “Ấy” bởi,“đêm đêm khi lật từng trang kinh, trang nào cũng thấy bóng hình của Cô”. Sự đảo lộn này một  phen làm cậu như muốn quay lưng trở lại cuộc sống đời thường, muốn xây mộng ước “một túp lều tranh hai quả tim vàng”.

     Thầy Giêsu lại xuất hiện thật đúng lúc, Người bảo này Con: “đảo nhịp là khó xử lý, Con cần bình tâm (bình tĩnh) dùng khả năng lí trí để xử lý, dùng con tim cảm nhạc chưa đúng đâu”. Và … “con nên nhớ rằng NGƯỜI Ấy  không thuộc về con”. Con biết người Ấy là của Ta và Con cũng là của Ta mà!“Ta đã khắc tên các con trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16a).Ta đã chọn các con giữa muôn người.

     Mặc dầu Cô ấy và Con thương nhau nhưng Con phải suy cho kỹ – xét cho cùng. (cô Ấy là một người cũng đang theo đuổi ơn gọi nhé mọi người). Bản nhạc gặp phải đoạn “đảo phách”!

     Tâm trí, cõi lòng Cậu rối bời như tơ nhện, lộn xộn như đống lục lạp muôn màu sắc, ngổn ngang như bầy kiến vỡ tổ… Cậu ăn không ngon, ngủ không yên“tiếng sét ái tình” làm tim Cậu tan nát, “bỏ không đành và vấn vương càng không được”. Trằn trọc băn khoăn, Cậu không thể tự mình giải quyết được điều chi – bèn đi thưa chuyện với ca trưởng đại tài: “ Lạy Chúa, con phải làm gì, phải làm sao, làm như thế nào? Khi tâm hồn con cảm thấy không khả thi, nó đang rối bời, từ nhịp đập trái tim cho đến lý trí của con nó không hoạt động đúng tần suất… chắc Chúa buồn con lắm phải không Chúa! Con đã trót lời thề hứa cùng Ngài. Nhưng Chúa ơi, Ngài biết con yêu cô Ấy phải không? Từ lúc nào không hay, Con đã dành tình cảm, sự quan tâm hay ngay cả suy nghĩ hoạt động của đều đổ dồn về cô Ấy.Con không hiểu tại sao?

   Con đã từng quen, từng tiếp xúc với bao nhiêu người con gái. Họ cũng đẹp, cũng duyên dáng, thông minh…nhưng con đã gạt bỏ được để bước theo Ngài cho đến lúc này. Vậy mà, bổng dưng Chúa đưa cô Ấy đến bên con, làm con xao xuyến, muốn dành trọn tình yêu cho cô Ấy.

   Con luôn tin những gì xảy ra trong mỗi ngày là món quà Chúa gửi đến cho con. Như thế Chúa đưa cô Ấy đến bên con có phải Chúa đang thử thách con không? Con không biết mình phải làm gì bây giờ luôn đó, Chúa ơi! Chúa lo liệu cho con đi vì con yêu cô Ấy thật rồi!

   Giờ đây trước nao núng của cõi lòng, trước sự nặng nề của tâm trí. Con xin Ngài sai Thánh Thần Chân Lý đến soi sáng cho con để con biết phải làm sao cho đúng con đường Chúa đặt để nơi con. Để con được hạnh phúc thật, sống chuỗi ngày vui tươi chứ đừng đế con èo ọt, khô khan, trống rỗng như thế này! Lạy Chúa “điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện”. Xin Chúa nâng đỡ người Con thương và cho Cô Ấy cũng đi đúng con đường của Chúa muốn,sống hạnh phúc với kế hoạch Chúa đã chuẩn bị từ thuở đời đời”Amen.

   Sau nhiều lần thầm thì, tâm sự với những giọt lệ lãng mạn đầy trữ tình, cùng những  xót xa như thế với Giáo sư Giêsu, Ngài đã đến bên Cậu cắt nghĩa để Cậu hiểu thêm về “bản nhạc ơn gọi” với “nghịch phách, đảo phách”. Cậu đã học, đã cảm nếm sự sinh động của tình yêu, tình yêu đã cho Cậu một lời cầu nguyện đầy tâm tình qua phách “nghịch-đảo” như thế. Nhờ vậy Cậu đã được ban thêm sức mạnh và can đảm diễn tả được cảm xúc của mình, tuy có phần căng thẳng, bối rối về sự vấn vương. Nhưng Chúa đã giúp Cậu chuyển hóa tình yêu thật đẹp MÌNH dành cho Người ấy, biết nghĩ đến hạnh phúc Cô Ấy đang có không phải là MÌNH mà là Anh Cả Giêsu.

  Cám ơn Chúa cho Con biết bám víu vào Chúa, cậy dựa vào Chúa… biết nhận thật con người hèn kém bất lực của mình…Cậu lại tiếp tục cầu xin cho mình xác tín như thánh Phêrô: “nếu không yêu Đấng con trông thấy thì làm sao con có thể hiểu và yêu Đấng vô hình”. Và …

   Lạy Chúa, Con hiểu rằng Chúa cũng yêu và muốn Con yêu cô Ấy như Chúa đã yêu. Con cũng cảm được rằng Chúa yêu Con gấp mấy triệu lần Con yêu cô Ấy. Chúa cho con cảm nghiệm chút tình yêu dành cho con người để Con biết thăng hoa, chuyển hóa, cảm sâu tình yêu Chúa dành cho Con và cho mọi người trong hành trình ơn gọi của Con.

   Vậy đấy, trong đời tu cần tình yêu của sự thấu hiểu giữa chúng ta và Thiên Chúa các bạn à!