SỰ THINH LẶNG CỦA Ý THỨC VÀ CỦA CÕI LÒNG

SỰ THINH LẶNG CỦA Ý THỨC VÀ CỦA CÕI LÒNG

Trước hết, chính trên bình diện đối thoại nội tâm với chính mình mà con người cố gắng đọc và hiểu lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai của mình, cố gắng phân tích những thất bại và thành công, những ước mơ và thất vọng; những niềm vui nỗi buồn. Tóm lại, cố gắng thống nhất đời sống mình trong thời gian, nếu mình không muốn biến thành một nút chai trôi dạt theo các lớp sóng liên hồi của thời gian đi qua.

Trong sự thinh lặng của ý thức, vang lên một cuộc tranh chấp giữa nhiều tiếng nói, qua đó sẽ xuất phát sự chọn lựa, các quyết định của mình. Nơi ưu tuyển để thực thi tự do. Sự tranh chấp giữa cái tốt nhiều, và cái tốt ít trong chính mình, giữa những giá trị mà mình chọn lựa hay từ chối. Đây là lúc mà mình cố gắng tìm hiểu bí mật về mình , về căn tính đích thực và về vận mệnh của mình.

Ai lẩn tránh vùng thinh lặng này, người ấy đánh mất toàn bộ cuộc sống ý thức và chỉ còn phản ứng một cách hời hợt bằng cảm tính, bằng những cảm xúc ngoài da. Người ấy chiều theo khẩu hiệu, thời trang và dư luậnKhông có nhân vị thực sự nếu không có sự tranh luận nội tâm trong thinh lặng của ý thức.

Thật hoàn toàn giả tạo nếu ta muốn xác định ranh giới  giữa sự thinh lặng của giác quan, sự thịnh lặng tâm lý, sự thịnh lặng của ý thức với sự thinh lặng của cõi lòng. Những tác động qua lại giữa các bình diện ấy thì thật nhiều. Hiểu như thế, thì cuộc đối thoại của con người với ý thức mình dù cần thiết và cảm động đến đâu, cũng không thể đồng hóa với sự thinh lặng của ‘cõi lòng’.

Chúng ta, nhất là những người phương tây, có khuynh hướng đối lập lòng với trí. Trí là lãnh vực của đầu óc, của suy tư, của hiểu biết, của lý luận, của đúng sai. Và lòng là trung tâm của tình cảm.

Thế nhưng ‘lòng’ trong truyền thống Kinh Thánh truyền thống Kitô Do Thái Giáo, và đặc biệt là trong truyền thống tâm linh ở Phương Đông, không chỉ hạn hẹp trong lãnh vực tình cảm mà thôi.

Trong Kinh Thánh, ‘lòng’ là trung tâm của sự sống con người. Đấy là nơi mà đôi khi ta gọi là ‘tâm hồn’  ‘chiều sâu của con người mình’. Nơi ưu tuyển để hội nhập, nơi cắm rễ; qui tụ; hòa hợp mọi khả năng con người, mọi biểu hiện của sự sống và mọi chức năng của thân thể.

Trên hết, ‘lòng’ là nơi mỗi một chúng ta ở gần Thiên Chúa, có thể liên lạc với Đấng cội nguồn Sự Sống. Nó là cánh đồng mà Chúa Giêsu đã nói đến nơi ấy chứa đựng kho tàng Nước Trời (Mt 13, 44).
“Thật vậy, cõi lòng là chủ và vua của toàn bộ của các cơ quan trong thân thể, và khi ân sủng chiếm lấy đồng cỏ của cõi lòng, nó sẽ ngự trị trong mọi chi thể và mọi suy nghĩ, vì đấy là sự hiểu biết đích thực…” (Thánh Macaire, bài giảng XV, 20).

Và suốt lịch sử các tôn giáo, bao nhiêu người nam, nữ đã đi vào thinh lặng của ‘cõi lòng’, đình cao của con người mình, nơi đấy họ cảm nhận được một chiều kích mới của bản thân và của thế giới. Sự thinh lặng đã đưa họ vào một ‘vũ trụ’ mà họ không tạo ra nhưng đã hiện diện trong họ, như là bị chôn vùi. Rồi một hôm, họ bỗng ý thức được.

‘Cõi lòng’ hay tâm hồn có lẽ là ân huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất, và ẩn kín nhất mà Đấng Tác Tạo đã ban cho loài thọ tạo. Như vậy, mọi người dù hữu thần hay vô thần, đều có ‘khả năng nội tâm’ này, và có thể thiết lập tương giao với Thiên Chúa, vì Người đã đặt vào đấy hơi thởi của chính Người.

Trong sự thinh lặng của tâm hồn không phải con người đi bước trước, nhưng chính là Thiên Chúa, nhờ “Thần Khí Người kết hợp với lòng trí chúng ta”. Con người không còn độc thoại với chính mình nhưng có thể lắng nghe Lời của Thiên Chúa. Lời không thể nào diễn đạt bằng tiếng nói, tựa như tiếng reo của một dòng suối. Ở đấy, giống như nhựa cây vươn lên và nuôi sống cây trong thinh lặng, Thần Khí Tác Tạo chạm lấy ‘ cõi lòng’ của tạo vật bằng những can thiệp thật khẽ, mà chỉ có con người thinh lặng mới cảm nhận được.