Thư Đức Biển Đức XVI nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật thánh Gioan Phaolô II

Thư Đức Biển Đức XVI nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật thánh Gioan Phaolô II

Năm Thánh 2000: Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Hồng y Ratzinger | Vatican News

Hôm 15/5/2020 vừa qua, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã công bố lá thư nhận được từ Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng, cử hành vào ngày thứ Hai, 18/5 này.

Lá thư của Đức Biển Đức XVI đề ngày 04/5, kể lại cuộc sống và trọng tâm triều đại Giáo hoàng của thánh Gioan Phaolô II, mà ngài đã chia sẻ sâu đậm những cơ cực và hy vọng của một trong những triều đại Giáo hoàng dài nhất trong lịch sử Giáo hội, và đã đón nhận gia sản của triều đại ấy khi trở thành Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ.

Tình trạng thê thảm của Giáo hội

Đức Biển Đức XVI nhận định rằng triều đại của thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng bắt đầu giữa lúc Giáo hội đang ở trong một tình trạng thê thảm, “những quyết định của Công đồng được trình bày cho thế giới như một cuộc tranh luận về chính đức tin, dường như tước đoạt khỏi Công đồng sự cương quyết không thể sai lầm và kiên cường. Cảm tưởng của người ta bấy giờ là không còn cái gì là chắc chắn, tất cả được mang ra thảo luận, và sau đó cảm tưởng ấy càng bùng lên, qua cách thức áp dụng việc cải tổ phụng vụ. Sau cùng, dường như phụng vụ trở thành điều người ta có thể tự sáng chế”.

Triều đại của Đức Gioan Phaolô II đã mang lại sự vững chắc trong đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô cho Giáo hội thời đó, bị bệnh hoạn vì sự không chắc chắn và những nghi ngờ của mình”.

Lòng khiêm tốn của Đức Gioan Phaolô II

Trong thư, Đức Biển Đức XVI kể lại một giai thoại chứng tỏ lòng khiêm tốn của Đức Gioan Phaolô II. Thánh nhân rất muốn thực hiện mong ước của thánh nữ Faustina và thiết lập lễ kính lòng thương xót. Sau vài cuộc tham khảo ý kiến, Đức Gioan Phaolô II nghĩ đến việc lập lễ này vào Chúa nhật thứ hai Phục Sinh, nhưng Bộ giáo lý đức tin do Đức Hồng y Ratzinger làm bộ trưởng nêu ý kiến tiêu cực, vì Chúa nhật thứ hai sau Phục sinh có một ý nghĩa phụng vụ rất cổ kính và không thể thay thế bằng điều gì khác. Đức Biển Đức XVI viết:

“Chắc chắn là điều không dễ đàng đối với Đức Thánh cha chấp nhận câu trả lời của chúng tôi. Dầu vậy, ngài đón nhận câu trả lời tiêu cực của chúng tôi với tất cả sự khiêm tốn, kể cả câu trả lời tiêu cực lần thứ hai”. Sau cùng, Bộ đã thỏa thuận, chấp nhận đề nghị của Đức Gioan Phaolô II nhưng không thay đổi các văn bản phụng vụ của Chúa nhật thứ hai Phục Sinh.

Đức Biển Đức XVI cho biết, ngài có ấn tượng rất mạnh vì sự “khiêm tốn của vị đại Giáo hoàng này, đã bỏ ý kiến người rất muốn, vì không được sự chấp chuẩn của các cơ quan chính thức mà ngài phải tham khảo theo các qui tắc đã được thiết định”. Vị Giáo hoàng cải tổ Giáo hội đã biết cư xử như vị Giáo hoàng vâng phục Giáo hội.

Đức Biển Đức XVI cũng nhận định rằng những sự kiện trên đây cũng tỏ lộ ý nghĩa sâu xa của Lòng Chúa Thương Xót, đó là: “Sự ác sẽ không đạt được chiến thắng chung kết. Mầu nhiệm Phục sinh khẳng định rằng sự thiện sau cùng sẽ chiến thắng, và sự sống sẽ chiến thắng sự chết, tình yêu sẽ đánh bại oán thù”.

G. Trần Đức Anh, O.P.