TĨNH TÂM MÙA VỌNG: PHÚT HỒI TÂM BÊN CHÚA. Ngày thứ ba. Yêu Thương Và Phục Vụ.

TĨNH TÂM MÙA VỌNG: PHÚT HỒI TÂM BÊN CHÚA.
Ngày thứ ba. Yêu Thương Và Phục Vụ.
Lạy Chúa.
  Hôm nay là ngày kết thúc của tuần tĩnh tâm trong giáo xứ. Vì thế, đây là cơ hội để mọi người chúng con tự duyệt xét lương tâm và khám phá ra những “ rào cản, hố sâu, đỉnh đồi, lồi lõm, quanh co “, lỗi đức trong sạch, thiếu tình bác ái với tha nhân… Những rào cản đó là gì vậy ? Là trong những ngày tĩnh tâm này, tôi nên làm gì để “ tháo cởi “ những rào cản đó ? Tôi nên làm gì để ra khỏi bóng tối tội lỗi và bước vào ánh sáng vinh quang của Đức KiTo.


  Thánh Augustino một nhà thần học lỗi lạc thốt lên : “ Hồn con vẫn luôn khắc khoải một khi chưa nghỉ yên bên Chúa “. Với lời cầu nguyện này, chúng ta đang xin được gặp Chúa ngay trong trung tâm của con người chúng ta, là trái tim, là tâm hồn. Thiên Chúa – Trung Tâm Điểm của mỗi trung tâm điểm – đang ngự ngay đó trong trung tâm của con người. Vâng, Ngài ngự đó từ ngàn đời : ngày hôm kia với các tông đồ, với những nhà đạo đức theo Chúa, ngày hôm qua với các thánh theo chân Chúa và ngày hôm nay với mỗi người chúng ta nơi đây.
  Nhìn lại lòng nhân từ, nhiều lần tôi sẵn sàng tỏ lòng nhân từ với người khác, nhưng chỉ khi nào chương trình của tôi không bị ảnh hưởng đến. Tôi muốn thương người, nhưng theo cách riêng của tôi. Nhưng chưa theo cách của Chúa dạy.
“ Ai là người thân cận của tôi ? “. Hôm nay, Chúa cũng đang hỏi mỗi người trong chúng con : ai là người thân cận của bạn ? Ai là người tốt lành như người Samari nhân hậu này ? Chỉ những người thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa. Giờ này Chúa cũng nói với tôi như nói với những người thông luật anh / chị / em hãy đi và cũng hãy làm như vậy. ( x.Lc 10, 37 ).
  Xã hội Việt Nam hôm nay, có nhiều người rất đáng thương như bị bọn cướp đánh nhừ từ, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Là Ki tô hữu, tôi phải làm gì ?
  Xã hội hôm nay đang sống trong tình trạng bất công, bất an, thế giới đang báo động một nền văn minh của sự chết vì họ đang chà đạp lên nhân phẩm của người khác, “ cá lớn nuốt cá bé “. Là Ki tô hữu, tôi phải làm gì ?
  Người Samari nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “ yêu bằng việc làm “. Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là “ miệng nói tay làm “. Làm thật sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Là Ki tô hữu tôi phải làm gì ?
  Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa muốn chúng ta đi hết con đường đó : “ Hãy đi và làm như vậy “ với trái tim và lòng trắc ẩn của mình. Là Ki tô hữu, tôi phải làm gì ?
  Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ. Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lê vi “ tránh qua bên kia mà đi “ là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp cò ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền là đến bản thân. Là Ki tô hữu, tôi phải làm gì ?
Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ phải đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân !


  Thầy tư tế và thầy Lê vi đã tự hỏi : “ Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử ? “. Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi : “ Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy ?”
  Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân. Kahil Gibram đã có lý khi nói : “ Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình bạn mới thực sự cho đi “.
Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con người càng vong thân. Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân.
Con người chỉ thành đạt thật sự, con người chỉ thực sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.            Người tín hữu Ki tô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Teresa Calcutta nói : “ Ki tô hữu là người trao ban chính bản thân mình. “  
  Chúa Kito day: “Hãy yêu thương anh em như chính mình”. Khi đã yêu rồi chúng con sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi yêu rồi chúng con sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận,kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám đứng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em. Xin dạy chúng con đều này!
  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cặp mắt để nhìn thấy sư đau khổ trong ánh mắt của người khác, nhất là những người trong chính gia đình của chúng con.
  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đôi tai để nghe tiếng than khóc của người khác, nhất là những người cùng dòng máu, màu da với chúng con.
  Lay Chúa, xin ban cho chúng con lòng trắc ẩn để dám dính dáng đến nhu cầu của người khác, nhất là nhu cầu của những người thân yêu của chúng con.


  Lạy Chúa, xin cho chúng con sự khiêm tốn đừng bao giờ bỏ qua vì sự khước từ. Nhưng xin ban cho chúng con sự can đảm để đến với họ bằng con tim yêu thương và hỏi họ: “ Tôi có thể giúp gì không?”
  Lạy Chúa, cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phím nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là đều phụ thuộc, là điều dửng dưng với chúng con.
  Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ; chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhung xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con, Amen.