SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Thứ Tư Tuần II – Mùa Thường Niên

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,

và đàn ca mừng Chúa,

đàn ca mừng Thánh Danh,

lạy Chúa Trời cao cả.

Bài đọc 1

 

Muôn thuở con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

1 Thưa anh em, ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Áp-ra-ham, lúc ông này đang trên đường về sau khi đánh bại các vua. 2 Ông Áp-ra-ham đã chia cho ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Men-ki-xê-đê, nghĩa là “vua công chính” ; rồi ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “vua bình an”. 3 Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa : mãi mãi ông vẫn là tư tế.

15 Điều ấy lại còn hiển nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế khác tương tự như ông Men-ki-xê-đê xuất hiện ; 16 vị này đã trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt. 17 Quả thật, có lời chứng nhận rằng : Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Đáp ca

Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế

theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

1Sấm ngôn của Đức Chúa

ngỏ cùng Chúa Thượng tôi :

“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,

để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.”

Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế

theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

2Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng

quyền vương đế của Ngài :

Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.

Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế

theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

3Đức Chúa phán bảo rằng :

“Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,

vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.

Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,

tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.”

Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế

theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

4Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời,

rằng : “Muôn thuở, Con là Thượng Tế

theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”

Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế

theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

 

Ngày sa-bát, được cứu mạng người hay giết đi ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay : “Anh đứng dậy, ra giữa đây !” 4 Rồi Người nói với họ : “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người ?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : “Anh giơ tay ra !” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Ca hiệp lễ

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc

chén của con chan chứa rượu nồng.

 

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận
giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).
Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,
về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,
chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.

Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.
Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.
để có cớ tố cáo Ngài.
Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng.
Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình,
bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”
Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh.
Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài
về điều được phép làm trong ngày sabát:
được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết?
Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,
nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.
Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.

Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử.
Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.
Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này.
Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh.
Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống.
Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.
Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt,
một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,
một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ,
theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.
“Hãy giơ tay ra!”
Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường.
Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được.
Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác,
và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn.
Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường
vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.

Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối,
Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5).
Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình.
Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.
Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn đuợc mở rộng đến vô cùng
và trái tim đuợc lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đua chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.  

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.